Liệu người dùng có phải từ bỏ những sở thích trên Internet như đọc tin tức, xem phim? Điều này đang dần trở thành hiện thực bởi mô hình kinh doanh trực tuyến đang bị đe dọa trầm trọng từ những phần mềm chặn quảng cáo đang ngày một phổ biến.

Các thương hiệu sẽ phải tìm cách để sống chung với việc chặn quảng cáo.
Các thương hiệu sẽ phải tìm cách để sống chung với việc chặn quảng cáo.

Hiện tại, quảng cáo chiếm khoảng 90% doanh thu của tất cả các nhà làm nội dung online. Đây là phương thức “làm ăn” cơ bản của thế giới Internet .

Tuy nhiên, quyết định mới đây của Apple cho phép trình duyệt Safari trên iPhone và iPad có thể chặn quảng cáo thông qua việc sử dụng các phần mềm mở rộng của bên thứ ba đã giáng một đòn mạnh vào mô hình kinh doanh này.

David Frew, chuyên viên quản lý cho Cục quảng cáo internet IAB, Anh chia sẻ: “Chặn quảng cáo là mối đe dọa đối với toàn bộ ngành công nghiệp quảng cáo. Nó có thể báo hiệu sự kết thúc của hình thức quảng cáo trực tuyến hiện nay. Điều này cũng nói với mọi người rằng nội dung trực tuyến sẽ không còn miễn phí như trước ”.

Quyết định của Apple có thể thay đổi mô hình kinh tế Internet.
Quyết định của Apple có thể thay đổi cách thức tạo ra thu nhập trên Internet.

Trong nhiều năm, các trình duyệt web đã tích hợp tính năng chặn cửa sổ quảng cáo pop-up, và có một số chương trình chuyên biệt như AdBlock, Adblock Plus, uBlock hay Adguard đã được sử dụng bởi hàng chục triệu người trên khắp thế giới.

Nhưng mãi đến khi một thương hiệu toàn cầu như Apple cân nhắc tới việc chặn quảng cáo thì mọi việc trở nên đáng lo ngại hơn. Hiện tại, người dùng iPhone và iPad là những đối tượng giúp các công ty trực tuyến kiếm bộn tiền.

AdBlock là một trong những chương trình chặn quảng cáo phổ biến.
AdBlock là một trong những chương trình chặn quảng cáo phổ biến.

“Rất nhiều rác”

Brian O'Kelley, giám đốc điều hành AppNexus, một công ty công nghệ quảng cáo kỹ thuật số, kết luận rằng các nhà quản trị web chỉ nên trách chính mình. Ông nói: “Rất nhiều trang web đã quá tham lam. Trên trang chủ của họ, diện tích quảng cáo chiếm khoảng 50%, thậm chí là hơn thế nữa. Rất nhiều rác được ném vào đó. Quảng cáo cần đứng ở vị trí dễ thu hút sự chú ý, nhưng không nên lạm dụng và gây phiền nhiễu”.

Daniel Knapp, Giám đốc cấp cao mảng nghiên cứu quảng cáo tại công ty tư vấn IHS, đồng ý với ý kiến trên: “Người dùng đang cảm thấy chán nản vì những phiền toái, đặc biệt quảng cáo ảnh hưởng tới trải nghiệm lướt web, ngốn nhiều dữ liệu băng thông và làm giảm tuổi thọ pin điện thoại”.

Liệu quảng cáo trực tuyến sẽ tồn tại trong bao lâu nữa?
Liệu quảng cáo trực tuyến sẽ tồn tại bao lâu nữa?

Người dùng đang có ác cảm với quảng cáo trên mạng và ngay khi có “cơ hội” tiếp cận các công cụ “dọn dẹp”, họ sẽ dùng tới.

 “Cuộc đối thoại khó khăn”

Khi người dùng chặn quảng cáo, nguồn thu của các nhà xuất bản nội dung số sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tuy nhiên không hẳn là biến mất hoàn toàn. Miếng bánh nhỏ dần cho tất cả mọi người. Theo O'Kelley, các công ty trực tuyến cần một “cuộc đối thoại” để thuyết phục người dùng ngưng sử dụng tính năng chặn quảng cáo, nhưng rõ ràng sẽ rất khó khăn.

Màn hình quảng cáo tại quảng trường Times, New York.
Màn hình quảng cáo dày đặc tại quảng trường Times, New York.

Ông nói: “Khách hàng cần có quyền lựa chọn loại quảng cáo họ nhìn, tốc độ load trang đủ nhanh và bao nhiêu thông tin họ muốn chia sẻ. Nếu một người truy cập vào website với công cụ chặn quảng cáo, họ không nên nhận được các nội dung miễn phí”.

Rắc rối lớn

Nhưng liệu có cách tiếp cận hợp lý nào trong thế giới internet nơi mà nội dung số được chia sẻ miễn phí đã trở nên quá đỗi quen thuộc? Chặn quảng cáo là rắc rối lớn đối với môi trường kinh doanh từ từ trước tới nay và xu hướng này đang không ngừng tăng lên.

Các thương hiệu sẽ phải lồng ghép nội dung quảng cáo vào bài báo.
Các thương hiệu sẽ phải lồng ghép nội dung quảng cáo vào bài báo.

Vì thế, cần nhìn lại cách thức tạo ra quảng cáo, thay vì dạng cửa sổ hay banner trên web. Các nhà quảng cáo nên học tập cách sử dụng phương tiện truyền thông xã hội nhằm thu hút sự chú ý của người dùng thay vì trả tiền cho các trang web.

Ví dụ như khi ra mắt chiếc xe hơi mới, nhà sản xuất có thể ghi hình một cảnh biểu diễn độc đáo nào đó và “mớm mồi” lên mạng. Sau đó, tự các hãng truyền thông sẽ săn lùng video đó, thương hiệu sẽ ngày càng lan tỏa.

Ranh giới mờ nhạt

Trong khi các nhà sản xuất tự xuất bản nội dung quảng cáo cho mình nhằm quảng bá thương hiệu để bù đắp lượng quảng cáo trực tuyến bị mất, điều này ảnh hưởng không nhỏ tới các đơn vị báo chí độc lập.

Cơ hội nào cho Facebook và Google?
Cơ hội nào cho Facebook và Google?

Ngay khi ranh giới giữa báo chí và nội dung quảng cáo từ các thương hiệu dần mờ nhạt, nó sẽ rất nguy hiểm. Người tiêu dùng sẽ không biết đâu là quảng cáo, đâu là nội dung chính thông.

Và tới lúc người dùng nhận ra các công cụ chặn quảng cáo là nguyên nhân chính khiến các nội dung trên mạng tính phí khi xem, họ có thể  sẽ ngưng sử dụng tính năng này.

Nhưng một số nhà quan sát tin rằng, sự nổi lên của các công cụ chặn quảng cáo mang tới cơ hội để thấy rõ hơn về các hợp đồng giữa nhà xuất bản và nhà quảng cáo. Có thể sẽ xuất hiện mô hình mới, nơi người dùng toàn quyền kiểm soát dữ liệu trên internet của mình và biết rõ ai đã trả tiền quảng cáo để họ xem nội dung này miễn phí.

Số khác lại dự đoán, sự thay đổi trong kinh tế học trên mạng internet sẽ chỉ đặt thêm quyền lực vào tay những cái tên như Facebook, Google và Amazon. Ước tính đến năm 2020, 70% thị trường quảng cáo trực tuyến tại châu Âu sẽ được kiểm soát bởi Facebook và Google.