Bước qua thời khắc đen tối

Tại báo cáo sơ kết gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình thực hiện Nghị quyết 105/NQ-CP hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết các chính sách, giải pháp quy định tại văn bản này được cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đánh giá cao, rất kịp thời và đi trúng vào những vấn đề khó khăn nổi cộm mà doanh nghiệp phải đối mặt.

Theo khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), 91,5% doanh nghiệp được khảo sát đã biết đến Nghị quyết 105; 81% doanh nghiệp cho biết chính sách này là kịp thời; 89% doanh nghiệp nhận thấy các mục tiêu của Nghị quyết là phù hợp; 81,4% cho hay các giải pháp sẽ giúp DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh tháo gỡ hiệu quả khó khăn, vướng mắc.

Các sân bay đã đông đúc trở lại. Ảnh: Lương Bằng

Ngay sau khi Nghị quyết số 105/NQ-CP được ban hành, hàng loạt chính sách, giải pháp đã được khẩn trương ban hành và triển khai, tạo động lực tích cực tới hoạt động sản xuất kinh doanh.

Điển hình là phần lớn các DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh tạm ngừng kinh doanh do thực hiện các quy định về phòng chống dịch đã khôi phục lại hoạt động; tình trạng đứt gãy chuỗi sản xuất cũng được kịp thời khắc phục; gánh nặng về chi phí được tháo gỡ đáng kể thông qua các chính sách giảm tiền điện, giảm giá điện, hỗ trợ dịch vụ viễn thông, giảm thuế thu nhập DN, giảm thuế giá trị gia tăng…

Ngoài ra, khó khăn về dòng tiền cũng được kịp thời tháo gỡ nhờ áp dụng chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ đến 30/6/2022. Mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm tổng cộng khoảng 1,55%/năm so với trước dịch. Ước tính hết năm 2021, tổng số khách hàng được hỗ trợ là hơn 1,1 triệu, với tổng số tiền lãi các tổ chức tín dụng miễn, giảm, hạ lãi suất là khoảng 26 nghìn tỷ đồng, vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong quý I/2022, số DN thành lập mới là 34.590 đơn vị, tăng 18,1% và số quay trở lại hoạt động là 25.588 doanh nghiệp, tăng 73,6% so với cùng kỳ năm 2021.

“Đây cũng là số DN tái gia nhập thị trường cao nhất trong quý I từ trước đến nay, gấp 2,1 lần mức DN quay trở lại hoạt động trong quý I trung bình giai đoạn 2017-2021”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thống kê.

Những con số ấn tượng trên phần nào cho thấy niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp đã dần trở lại sau hai năm dịch bệnh Covid-19 bùng phát.

Chính sách đúng, thực hiện phải nhanh

Dù vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, tiến độ thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết 105 còn chậm, như việc nghiên cứu đề xuất giảm phí công đoàn, hỗ trợ thu hút lao động quay trở lại làm việc, hỗ trợ chi phí phòng chống dịch của DN, giải ngân chưa đạt kế hoạch đề ra gói cho vay hỗ trợ trả lương cho người lao động.

Ngoài ra, các quy trình, thủ tục liên quan đến lĩnh vực y tế còn phức tạp, nặng về giấy tờ. Ví dụ, thời điểm dịch bùng phát ở Hà Nội cuối tháng 2-đầu tháng 3, xuất hiện tình trạng người lao động, người dân phải xếp hàng dài tại các trạm y tế cơ sở để xin xác nhận nhiễm hoặc khỏi Covid-19 để được hưởng các chế độ bảo hiểm, trong khi tại các trạm y tế cơ sở việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý F0 còn hạn chế và thiếu nhân sự.

Các hoạt động du lịch đã tái khởi động. Ảnh: Lương Bằng

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng một số địa phương còn cứng nhắc, chưa linh hoạt trong việc tạo điều kiện để các doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, chưa thực hiện biện pháp phòng, chống dịch theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.

Nêu ra các bài học kinh nghiệm, Bộ này cho rằng trước hết, các chính sách hỗ trợ cần phải được xây dựng và ban hành đúng thời điểm và trúng các vấn đề của DN. Do đó, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành là rất quan trọng.

Thứ hai, hiệu quả triển khai các chính sách và giải pháp không chỉ phụ thuộc vào nội hàm chính sách mà còn phụ thuộc vào quá trình triển khai. Chính sách đúng nhưng triển khai lúng túng và chậm trễ sẽ làm giảm hiệu quả của chính sách.

Bước sang tháng 4/2022, dù số ca nhiễm Covid-19 đang giảm nhưng Bộ Kế hoạch và Đầu tư lưu ý “không được chủ quan” để đề phòng tiếp tục có những diễn biến phức tạp với sự xuất hiện của các biến chủng mới.

Trên thế giới, tình hình chính trị bất ổn tại Ukraine được dự báo sẽ gây những tác động tiêu cực đến kinh tế Việt Nam, khi giá dầu thô cũng như giá xăng dầu thành phẩm tăng mạnh. Việc giá dầu thế giới vẫn trên đà tăng sẽ làm tăng giá nguyên vật liệu nhập khẩu cũng như tác động lớn tới doanh nghiệp, nhất là lĩnh vực vận tải, các doanh nghiệp sản xuất sử dụng xăng, dầu làm nguyên nhiên liệu đầu vào. Bên cạnh đó, giá xăng dầu tăng sẽ kéo theo giá hàng hoá đi lên, tạo áp lực lên lạm phát. Những yếu tố trên đang có ảnh hưởng lớn tới tình hình hoạt động của các doanh nghiệp.

Hiện các DN tiếp tục phản ánh còn một số vấn đề khó khăn nổi cộm cần Chính phủ hỗ trợ tháo gỡ, như: Áp lực tăng lương để thu hút và giữ chân người lao động; Thiếu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh; Giá cả nguyên vật liệu, xăng dầu tăng cao; Một số thị trường bị ảnh hưởng lớn do những bất ổn chính trị giữa Nga và Ukraine.

Do đó, việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai hiệu quả Nghị quyết số 105/NQ CP và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phục hồi là hết sức quan trọng.

Bộ KH-ĐT kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo lãnh đạo các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành TƯ cần chủ động rà soát, thực hiện kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ được giao đúng tiến độ và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc tổ chức thực hiện Nghị quyết 105; nghiên cứu và áp dụng bài học kinh nghiệm từ quá trình triển khai Nghị quyết nhằm nâng cao hiệu quả của các chính sách hỗ trợ.

“Đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sớm hoàn thành đánh giá tác động, đề xuất giải pháp thiết thực để hỗ trợ người lao động, chia sẻ, đồng hành với doanh nghiệp, hợp tác xã vượt qua khó khăn do dịch Covid-19.

Bộ Tài chính, Bộ Công Thương tiếp tục nắm chắc diễn biến tình hình thế giới về mặt hàng xăng dầu để kịp thời tham mưu phương án ứng phó phù hợp; tăng cường kiểm tra, đánh giá, điều hành một cách tổng thể để đảm bảo nguồn cung, nguồn dự trữ xăng dầu cần thiết đáp ứng nhu cầu sản xuất và phát triển trong mọi tình huống.

Lương Bằng