Báo cáo FDI của EU vào Việt Nam trong bổi cảnh thực thi EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam) và EVIPA (Hiệp định Bảo hộ đầu tư song phương EU - Việt Nam), do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) (thuộc Trường Đại học kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) công bố ngày 25/10 chỉ ra rằng, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) từ Liên minh châu Âu (EU) 10 năm qua vẫn còn hạn chế và chưa xứng tầm.
Theo VEPR, số lượng và giá trị các dự án đầu tư vào Việt Nam hiện chỉ chiếm từ 2-5% trong tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của EU. Trong đó, Hà Lan là đối tác đầu tư lớn nhất EU vào Việt Nam, đóng góp gần 50% tổng số vốn FDI của toàn khối.
Ngoài một số ít dự án quy mô lớn, phần lớn dự án có giá trị trung bình và nhỏ. Tính đến tháng 8/2022, vốn đầu tư bình quân các dự án lớn nhất từ EU, thuộc về Luxembourg với 46 triệu USD/dự án, tiếp đến là Hà Lan với 34 triệu USD/dự án, Cộng hòa Síp 20 triệu USD/dự án, Pháp 5,65 triệu USD/dự án và Đức 5,37 triệu USD/dự án,...
Công nghệ mà các doanh nghiệp EU mang đến Việt Nam cũng chưa cao như kỳ vọng. Theo VEPR, các nhà đầu tư EU thường lựa chọn Việt Nam với mục tiêu tìm kiếm lao động giá rẻ và những ưu đãi về thuế.
Tuy nhiên, số dự án đầu tư của EU vào Việt Nam đang tăng lên, cùng với đó đã có những dự án lớn. Chẳng hạn, Tập đoàn Lego của Đan Mạch đầu tư dự án 1 tỷ USD vào Bình Dương; lĩnh vực điện gió và điện mặt trời cũng đang thu hút được nhiều dự án lớn của các doanh nghiệp EU. VEPR cho rằng, Việt Nam đang có cơ hội thu hút FDI từ EU, trong đó một động lực lớn đến từ việc sớm ký kết hiệp định thương mại với EU (EVFTA), so với các nước ASEAN.
Mặc dù vậy, quá trình chuyển đổi số có thể khiến dòng vốn FDI của EU đầu tư vào Việt Nam bị thu hẹp, đặc biệt với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực có giá trị cao, do sự thay đổi trong mục tiêu đầu tư. Trước đây, các nhà đầu tư nước ngoài thường lựa chọn Việt Nam với mục tiêu tìm kiếm lao động giá rẻ, nhưng trong bối cảnh cách mạng 4.0, mục tiêu của họ lại là kiến thức và công nghệ. Hai yếu tố mới này không phải lợi thế của Việt Nam.
Việc hạn chế về nguồn lực cũng có thể làm nảy sinh nguy cơ khiến Việt Nam trở thành điểm đến của các dự án FDI chất lượng thấp, từ đó lún sâu vào bẫy gia công, lắp ráp và vị thế bất lợi trong chuỗi cung ứng toàn cầu, VEPR nhận định.
Theo VERP, để cải thiện và tận dụng cơ hội thu hút FDI từ EU, Việt Nam cần coi trọng việc đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng và đẩy mạnh cải cách thể chế trên các lĩnh vực như: bảo đảm quyền tài sản, điều kiện kinh doanh, sửa các quy định về đầu tư, đất đai, xây dựng. Các lợi thế hiện nay như lao động rẻ và ưu đãi thuế sẽ không còn là thế mạnh trong tương lai.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lũy kế đến tháng 8/2022, đã có 25/27 nước thuộc EU đầu tư vào Việt Nam, với 2.384 dự án; tổng vốn đăng ký đạt 27,6 tỷ USD, chiếm 6,42% tổng vốn đăng ký tại Việt Nam. Tính riêng 8 tháng năm 2022, tổng vốn đăng ký đầu tư của EU tại Việt Nam đạt 2,2 tỷ USD, tăng 69,6% so với cùng kỳ năm ngoái, với 104 dự án cấp mới.
Kết quả “Chỉ số Môi trường kinh doanh” (BCI) do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) vừa công bố cũng lưu ý, Việt Nam cần tận dụng triệt để khoảng “thời gian vàng” từ 7-10 năm tới, khi các nước ASEAN chưa có FTA để tiếp cận EU. Việt Nam đã ở trong tầm ngắm của nhiều nhà đầu tư EU khi tính chuyện đầu tư ra nước ngoài.
Để đẩy mạnh thu hút FDI từ châu Âu, Việt Nam cần giải quyết các vướng mắc về thủ tục hành chính, sửa đổi một số chính sách không còn phù hợp. EVFTA, EVIPA cũng đặt ra những thách thức lớn, đòi hỏi Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật để bảo đảm tính nhất quán, đồng bộ, công bằng...