Sau sinh nhật 35 tuổi, chị Thái (Hà Nội) hốt hoảng khi thấy máu chảy nhiều sau khi gần gũi với chồng. Lo lắng, chị hỏi bác sĩ phụ sản quen biết, được khuyên phải đến khám ngay. Tuy nhiên, vì máu ngừng ra, các lần quan hệ sau đó không thấy hiện tượng này, chị nghĩ "không sao" nên không đi khám.
Nửa năm trôi qua, nỗi ám ảnh đau và ra máu sau quan hệ lại tìm đến chị. Bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội khám, phát hiện chị Thái bị ung thư cổ tử cung giai đoạn muộn xâm lấn ra vùng tiểu khung.
Dù được xạ trị và điều trị nhiều biện pháp nhưng tình trạng di căn quá nhiều. Người phụ nữ 35 tuổi mất sau 10 tháng phát hiện bệnh.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Minh Thanh, Trưởng Khoa Khám chuyên gia, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, cho hay gần đây số phụ nữ đi khám sàng lọc ung thư cổ tử cung tăng. Nhiều người đi khám vì thấy dấu hiệu bất thường, được bác sĩ tư vấn sàng lọc.
Theo bác sĩ Thanh, từ 21 tuổi trở đi, mọi phụ nữ đều có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung, trong đó, phổ biến nhất là độ tuổi 35 - 44 tuổi. "Việc tầm soát ung thư cổ tử cung nên thực hiện cho phụ nữ từ độ tuổi 21 trở lên, khi đã có quan hệ tình dục", bác sĩ Thanh khuyến cáo.
Tầm soát ung thư cổ tử cung tìm ra tế bào bất thường trước khi chúng biến đổi thành tế bào ung thư. Nhờ vậy, quá trình ngăn chặn, điều trị bệnh ung thư cổ tử cung đạt thành công lên tới 75 - 95%.
Thực tế nhiều phụ nữ trẻ, khoảng 22-24 tuổi, đi khám vô sinh, hiếm muộn nhưng lại phát hiện nhiễm virus HPV kèm tổn thương cổ tử cung mức độ cao, sát ung thư. Nếu không phát hiện sớm những tổn thương này, chỉ 2-3 năm sau sẽ tiến triển thành ung thư.
Phụ nữ nên thực hiện khám sức khỏe sản phụ khoa định kỳ và làm xét nghiệm tìm tế bào cổ tử cung (xét nghiệm PAP). Đây là xét nghiệm tìm kiếm những tế bào tiền ung thư trong cổ tử cung, là những tế bào bắt đầu có những biến đổi đầu tiên.
Ngoài xét nghiệm PAP, nên làm thêm xét nghiệm tìm virus HPV ở cổ tử cung vì đây là nguyên nhân chính gây nên ung thư cổ tử cung. Quy trình thực hiện nhanh, gọn, chỉ mất vài phút.
Tần suất thực hiện tầm soát ung thư cổ tử cung tùy thuộc vào loại xét nghiệm. Đa số định kỳ là từ 1 - 3 năm/lần. Sau khi xét nghiệm tầm soát xong, bác sĩ có thể chỉ định làm các xét nghiệm bổ sung như: soi cổ tử cung, sinh thiết cổ tử cung… để có chẩn đoán chính xác.
Nếu xác định đi khám sàng lọc, chị em nên lưu ý:
- Tránh quan hệ tình dục, sử dụng các sản phẩm thuốc âm đạo, sản phẩm vệ sinh âm đạo trong vòng 2 ngày trước khi xét nghiệm.
- Tránh tầm soát loại ung thư này khi đang có kinh nguyệt. Nên làm sau khi chu kỳ kinh nguyệt kết thúc khoảng 3 - 5 ngày.
- Đối với các trường hợp âm đạo bị viêm nhiễm thì nên điều trị trước khi làm xét nghiệm.
Các thầy thuốc khuyến cáo, nếu chị em thấy chảy máu bất thường giữa chu kỳ kinh nguyệt, kinh nguyệt nhiều và không đều, dịch âm đạo bất thường, mùi khó chịu; đau khi quan hệ; chảy máu sau quan hệ thì cần lưu ý tới bệnh viện để kiểm tra chẩn đoán bệnh, đây có thể là bệnh lý viêm, hoặc có u xơ nhưng không loại trừ cảnh báo bạn mắc ung thư.