Tài liệu rò rỉ từ Apple hồi cuối tháng 1 đã chỉ ra rằng Táo khuyết sẽ trang bị công nghệ Mini-LED vào cuối năm 2021 cho các dòng sản phẩm iPad và Macbook, với sản phẩm đầu tiên có thể lộ diện ngay trong tháng 3.

Thực tế, TCL đã cho ra mắt dòng sản phẩm TV QLED tích hợp công nghệ Mini-LED đầu tiên trên thế giới từ tháng 05/2020. Nhưng chỉ đến khi Apple nhảy vào cuộc chơi, hàng loạt các ông lớn điện tử khác mới bắt đầu chú ý đến công nghệ này như LG hay Samsung. Trong đó, LG chuẩn bị ra mắt dòng sản phẩm QNED với gần 30.000 Mini-LED và 2.500 vùng tối cục bộ, còn Samsung cũng sẽ ra mắt dòng sản phẩm QLED với giá khởi điểm từ 1.600 USD cho phiên bản thấp nhất là 55-inch, độ phân giải 4K. 

Vậy Mini-LED là gì?

Trước khi nói về Mini-LED, hãy cùng tìm hiểu về công nghệ màn hình hiển thị trên tivi hiện nay. Có hai công nghệ cơ bản là LCD và OLED, trong đó LCD là màn tinh thể lỏng còn OLED là màn đèn quang điện hữu cơ.

Vì màn LCD không thể tự phát sáng, nó phải dùng các tấm nền là đèn LED (backlight panel), từ đó đã ra đời các công nghệ tấm nền như IPS, LED, QLED và mới đây nhất là Mini-LED. Các tấm nền này muốn phát ra ánh sáng đa dạng màu sắc phải chồng chập lên các tấm nền khác đóng vai trò cản sáng hoặc pha màu, nên về cơ bản tivi dùng công nghệ này sẽ dày hơn TV OLED.

{keywords}
Tấm nền LED thông thường (ảnh trên bên phải) so với tấm nền công nghệ Mini-LED (ảnh dưới bên phải) và kết quả hình ảnh xuất ra có màu sắc khác nhau

Trong khi đó, công nghệ OLED tự thân phát sáng nên mỏng hơn, hiển thị hình ảnh trung thực hơn, đặc biệt là có thể hiển thị màu đen thuần, bởi nó có thể tắt bóng mà vẫn để dòng điện chạy qua. Trong khi đó, màn LCD vẫn phải cho dòng điện chạy qua bóng, nên màu đen không thực sự đen mà vẫn ám ánh sáng trắng hoặc xám, được thể hiện rất rõ khi xem hình ảnh về bầu trời đêm.

Khác biệt này dẫn tới tivi OLED mỏng nhẹ hơn nhưng cũng đắt hơn tivi LCD rất nhiều. Để cải thiện khả năng hiển thị hình ảnh, các nhà sản xuất đã cho ra đời tấm nền microLED nhưng chi phí và giá thành vẫn rất đắt đỏ và thường chỉ được ứng dụng cho các sản phẩm kích thước nhỏ như màn hình điện thoại, đồng hồ thông minh.

{keywords}
TV Mini-LED có mức giá vừa phải và cho chất lượng ở mức cao hơn LED thường nhưng thấp hơn OLED

Để tạo ra các sản phẩm có mức giá phù hợp mà hình ảnh vẫn trung thực, Mini-LED đã ra đời như một phiên bản giá rẻ của microLED. Tất nhiên, chất lượng hình ảnh của Mini-LED sẽ không thể bằng được microLED hay OLED, kể cả khi đạt được số lượng bóng như nhau.

Lý do là bởi tấm nền Mini-LED không bật tắt hàng chục nghìn bóng cùng lúc, mà điều khiển theo từng cụm gọi là vùng tối cục bộ (local dimming). Việc này liên quan đến mức độ tiêu thụ năng lượng, nhiệt tỏa ra, tuổi thọ đèn, khả năng xử lý của con chip, do đó Mini-LED vẫn sẽ có giới hạn trong việc hiển thị hình ảnh, nhưng ở mức độ chấp nhận được với giá thành ổn hơn so với OLED hay microLED.

Mini-LED khác gì microLED

Mini-LED ra đời sẽ bổ khuyết cho nhược điểm của microLED là rất đắt đỏ và không phù hợp cho việc sản xuất các dòng tivi phổ thông từ 43-inch đến 65-inch. Các dòng sản phẩm Mini-LED nhờ đó sẽ đa dạng hóa được kích thước và trải đều trên mọi phân khúc, từ điện thoại đến tivi. 

Thực tế, microLED chính là phiên bản khác của OLED, bởi nó sử dụng cùng một công nghệ nhưng cải thiện được những nhược điểm của OLED như bị lưu ảnh, tuổi thọ kém. Đó là bởi OLED sử dụng bóng diode hữu cơ phát quang còn microLED sử dụng bóng vô cơ. 

{keywords}
Phân loại công nghệ vùng tối cục bộ trên các tấm nền LED

Nếu xét một cách đơn giản, màn có các đèn LED nhỏ hơn 200 μm là Mini-LED và nhỏ hơn 100 μm là microLED. Nhưng trên thực tế việc sản xuất microLED với bóng đèn siêu nhỏ rất khó, tốn kém và không phục vụ nhu cầu người dùng phổ thông. Một số nhà sản xuất từng chạy đua cho ra đời các dòng sản phẩm tivi trong suốt, tivi dán tường nhưng tất cả chỉ để phục vụ mục đích truyền thông, marketing cho công nghệ của hãng.

Kết

Nếu đang tìm mua một mẫu tivi 43-inch đến dưới 65-inch, người dùng sẽ thấy mức giá chênh lệch đáng kể giữa tivi OLED và các mẫu tivi thường (tùy loại công nghệ LED). Đây là điều hết sức bình thường và chỉ cần kiên nhẫn một chút, người dùng có thể chờ đợi các dòng sản phẩm Mini-LED ra mắt trong vài tháng tới với công nghệ cải tiến, giá thành phù hợp và thích nghi với khí hậu nhiệt đới nồm ẩm ở nước ta. 

Phương Nguyễn

Có nên mua smart TV độ phân giải 8K lúc này?

Có nên mua smart TV độ phân giải 8K lúc này?

Thời gian gần đây, TV 8K bắt đầu được quảng cáo mạnh mẽ trở lại với nhiều mẫu mã giảm giá kịch sàn khiến người tiêu dùng lung lay.