![]() |
Trong thông tin chia sẻ với báo chí những ngày gần đây, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ phó Vụ Giáo dục Trung học - Bộ GD&ĐT cho biết: “Các cuộc thi kiến thức như giải Toán, tiếng Anh qua mạng những năm qua đã đáp ứng được yêu cầu tăng cường vận dụng kiến thức được học từ các môn trong nhà trường. Tuy nhiên, do đã được tổ chức khá nhiều năm nên cũng cần rà soát lại cả về nội dung lẫn phương thức tổ chức để đáp ứng yêu cầu phát triển năng lực học sinh theo yêu cầu đổi mới”.
Trên thực tế, qua nhiều năm triển khai tổ chức trên cả nước, các cuộc thi giải Toán qua mạng (ViOlympic) và tiếng Anh qua mạng (IOE) đã khẳng định được những giá trị tích cực so với các cuộc thi trên giấy.
Theo đa số ý kiến của chính các em học sinh, lợi ích lớn nhất của các cuộc thi như ViOlympic, IOE là tạo hứng thú hơn cho học sinh thông qua hình thức thi sinh động, đa dạng.
Đặc biệt đối với những bộ môn khoa học vốn được xem là khô khan như Toán học, Vật lý, hình thức “chơi mà học, học mà chơi” này giúp các em động lực học tập tốt hơn. Để làm được những bài thi trên mạng trong thời gian ngắn nhất, trước hết các em phải nắm rất vững lý thuyết đã học ở trường. Nói cách khác, các cuộc thi này bổ trợ tích cực cho hoạt động học tập truyền thống của các em.
Chị Trịnh Lan Phương, một phụ huynh có con đang học lớp 4 chia sẻ chị đã cho con theo các cuộc thi qua mạng từ lớp 1 đến nay. Chị cho biết: "Ngày nay hầu như gia đình nào cũng có điện thoại thông minh, máy tính bảng. Thay vì để mặc con với những trò chơi online vô bổ hoặc cố ngăn cách con với các thiết bị công nghệ một cách cực đoan, biện pháp tốt nhất để giúp các con tiếp cận công nghệ một cách lành mạnh và bổ ích, theo tôi là từ chính việc hướng cho con tập chơi với các ứng dụng học tập trực tuyến và tham gia các sân chơi như ViOlympic”.
Trong khi một bộ phận cho rằng các cuộc thi này cần phải được rà soát để xử lý những tồn tại gây ảnh hưởng đến tâm lý học sinh, thì cũng có không ít ý kiến cho rằng “Đối với trẻ em, học tập và thi đua là những niềm vui. Khi còn nhỏ, đó là việc học tập hăng say để đạt thứ hạng cao. Khi lớn lên, đó sẽ là những công việc có ích cho gia đình và xã hội”.
Các cuộc thi trên Internet đã trở thành công cụ hỗ trợ giảng dạy cực kỳ hữu ích cho các thầy cô giáo, tạo ra phong trào học tập cho các em, vừa khuyến khích các em học tập chủ động, đồng thời nâng cao kỹ năng sử dụng máy tính và Internet. Thậm chí, một số vị phụ huynh còn góp ý, nên mở thêm nhiều môn thi với hình thức thi online nữa.
Với những trường ở các tỉnh thành nhỏ, vùng sâu vùng xa, việc tiếp cận với máy tính vẫn còn là điều khó khăn, tổ chức một kỳ thi cũng tốn kém không ít chi phí. Có thể thấy, việc ứng dụng CNTT đã giúp hàng triệu học sinh được tiếp cận kiến thức với chi phí hợp lý hơn so với giảng dạy trực tiếp hay tổ chức thi truyền thống.
![]() |
Trong công văn chỉ đạo của Bộ GD&ĐT gửi đến các Sở, Phòng GD&ĐT địa phương hồi cuối tháng 5 vừa qua, Bộ này cũng nêu rõ: “hình thức tổ chức cuộc thi phải đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, giáo viên và học sinh tham gia một cách tự nguyện, miễn phí, khuyến khích hình thức thi trực tuyến để có thể thu hút đông đảo giáo viên và học sinh tham gia”.
Về việc này, TS. Lê Thống Nhất, người được coi là “cha đẻ” của cả 2 cuộc thi ViOlympic và IOE cho rằng: Các cuộc thi như ViOlympic hay IOE đã được phát triển nhiều năm. Phương thức tổ chức thi đã thường xuyên được bổ sung, điều chỉnh, nội dung thi cũng do Bộ GD&ĐT chỉ đạo và kiểm duyệt. Vậy sẽ ưu tiên cho cuộc thi nào nếu dừng các cuộc thi này mà trong khi lại vẫn “khuyến khích hình thức thi trực tuyến”.
Không chỉ giới hạn ở nhà trường, phụ huynh và các em học sinh, những cuộc thi như ViOlympic hay IOE còn phát huy được lợi thế trong phong trào đổi mới đang diễn ra rộng khắp toàn ngành giáo dục hiện nay. Đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang bùng nổ trên toàn thế giới, trong đó Toán học và các môn khoa học cơ bản chính là chìa khóa để giải quyết nhiều bài toán cho cuộc cách mạng này. Với lợi thế lớn về truyền thống học toán nhiều năm qua, Việt Nam cần phải đầu tư mạnh mẽ hơn nữa, giúp nhiều bạn trẻ nhanh chóng tiếp cận máy tính, Internet để sẵn sàng năng lực hội nhập toàn cầu.
Ông Hải Bằng, một thầy giáo tại Bến Tre, khẳng định: “Đừng để những sự ép buộc của một bộ phận chạy theo thành tích mà bỏ đi những tài năng của đất nước. Kiến thức có bao giờ là thừa với học sinh đâu. Nhất là trong thời buổi cách mạng công nghiệp 4.0. Thi tốt nghiệp 12 thì toán thi trắc nghiệm, thì ViOlympic cần phải phát huy hơn nữa. Nếu bỏ cuộc thi này thì năm sau chắc ko còn những tài năng đạt những huy chương vàng Olympic quốc tế đâu!”