18h chiều ngày đầu thực hiện cách ly xã hội toàn thành phố Hà Nội, tổ công tác của công an và dân phòng phường Trung Tự (quận Đống Đa) dùng xe lưu động đi khắp các tuyến phố, ngõ nhỏ trên địa bàn để tuyên truyền việc thực hiện Chỉ thị 17 của UBND TP bằng hệ thống loa lưu động. 

Việc tuần tra, kiểm tra người ra đường không có lý do chính đáng được thực hiện trên toàn thành phố, trong đó, Công an thành phố cho biết đã xử phạt hành chính 291 trường hợp và 5 cơ sở vi phạm quy định phòng, chống dịch Covid-19.

{keywords}
Xe tuần tra đi vào từng ngõ ngách để nhắc nhở, xử lý vi phạm. Ảnh: Đoàn Bổng

Quyết định cấp bách

Tối muộn ngày 23/7, Chủ tịch UBND Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký ban hành Chỉ thị 17, quyết định cách ly xã hội toàn thành phố theo nguyên tắc Chỉ thị 16 của Thủ tướng trong vòng 15 ngày, bắt đầu từ 6h ngày 24/7.

Cụ thể, gia đình cách ly với gia đình; khu phố cách ly với khu phố; thôn bản cách ly với thôn bản; xã, phường cách ly với xã, phường; quận, huyện cách ly với quận, huyện; thành phố cách ly với tỉnh.

{keywords}
Bờ hồ Hoàn Kiếm vắng lặng ngày đầu giãn cách. Ảnh: Nhị Tiến

Quyết định này được ban hành trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên cả nước với chủng Delta; tại Hà Nội cũng liên tiếp ghi nhận các ca mắc mới ngoài cộng đồng chưa rõ nguồn lây, cho thấy nguy cơ lây lan dịch rất lớn.

Đưa ra quyết định trên, Hà Nội đã chuẩn bị kỹ, có kịch bản tương ứng để bảo đảm việc thực hiện ít xáo trộn nhất cho đời sống nhân dân và phát huy hiệu quả cao.

Ngoài 19 tỉnh, thành phía Nam đang thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng, Hà Nội cũng đã phải bước vào cuộc chiến chống giặc Covid-19 ở mức cao nhất với mục tiêu quyết tâm tận dụng triệt để 15 ngày để quét sạch dịch bệnh khỏi cộng đồng.

Khóa chặt, triệt tiêu các mầm bệnh

Với việc áp dụng các biện pháp của Chỉ thị 16, Hà Nội có thể tận dụng tối đa 15 ngày quý giá, được xem là thời cơ vàng để kiểm soát dịch bệnh - nhiệm vụ cấp bách hàng đầu hiện nay.

{keywords}
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng và Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh trực tiếp thị sát tại chốt Pháp Vân - Cầu Giẽ

Để làm được điều đó, Hà Nội đã lập Sở Chỉ huy công tác phòng chống dịch của TP nhằm trực tiếp chỉ đạo kịp thời công tác phòng, chống dịch thông qua hệ thống giám sát trực tuyến 24/7 và chế độ thông tin, báo cáo.

Hàng loạt biện pháp mạnh được TP Hà Nội áp dụng. Cụ thể, yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, khám chữa bệnh…; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và nơi công cộng.

Yêu cầu trên cũng được Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh đặc biệt lưu ý khi còn tình trạng khá lớn người dân ra đường không phải vì mục đích thiết yếu trong ngày đầu giãn cách.

Đóng cửa, tạm dừng hoạt động đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ, trừ các trường hợp sau là các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ dân sinh, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, cửa hàng tạp hóa, cửa hàng kinh doanh hoa, quả, trái cây, cửa hàng thuốc, trang thiết bị y tế, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, cơ sở cai nghiện, cơ sở bảo trợ xã hội…

Dừng các hoạt động vận tải vận chuyển hành khách, hàng hoá bằng xe môtô, bao gồm xe có sử dụng phần mềm ứng dụng công nghệ kết nối với hành khách và “xe ôm”, kinh doanh giao hàng công nghệ (shipper); xe buýt, xe khách liên tỉnh…

Ngoài duy trì 22 chốt trực kiểm soát dịch trước đó, Hà Nội cũng bố trí thêm 30 chốt trực trong TP và 26 chốt tại quận, huyện.

Với thông tin từ 3 nguồn (phản ánh của người dân, hệ thống khai báo y tế, dữ liệu các ca bệnh) sẽ được cập nhật thường xuyên giúp cho công tác sàng lọc tại Hà Nội nhanh thêm từng phút, từng giây để nhanh chóng “khóa chặt”, triệt tiêu các mầm bệnh.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, khoảng thời gian thực hiện Chỉ thị 17 chính là giờ vàng, thời điểm vàng để thực hiện các biện pháp khống chế dịch Covid-19. Nên từng cấp, từng ngành, từng cơ quan, đơn vị, địa phương phải chung một ý chí, quyết tâm tranh thủ bằng mọi giải pháp phải duy trì nghiêm kỷ cương, kỷ luật, thực hiện đúng nguyên tắc giãn cách để từng bước khống chế dịch.

Bí thư Hà Nội cũng đã nhấn mạnh, diễn biến dịch còn rất phức tạp, nếu không giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật, thành phố sẽ lãng phí thời gian vàng 15 ngày thực hiện giãn cách.

Phòng, chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ ưu tiên số 1, nhưng phải kiên trì thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế. Trong 15 ngày giãn cách, toàn thể hệ thống chính trị và người dân Thủ đô cần cùng chung sức, đồng lòng, triển khai những việc rất cụ thể sẽ chiến thắng được dịch bệnh. Đây chính là “mục tiêu kép” có tương quan chặt chẽ với nhau; bởi không khống chế được dịch, rất khó để tổ chức sản xuất, kinh doanh. Ngược lại nếu vì khó khăn mà không xoay sở duy trì sản xuất thì về lâu dài sẽ thiếu nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch. 

Tính từ ngày 29/4 đến chiều tối 25/7, toàn thành phố Hà Nội đã ghi nhận 730 ca mắc Covid-19.

 Hương Quỳnh

Bí thư Hà Nội: Không giữ nghiêm kỷ luật sẽ lãng phí 15 ngày giãn cách

Bí thư Hà Nội: Không giữ nghiêm kỷ luật sẽ lãng phí 15 ngày giãn cách

“Diễn biến dịch còn rất phức tạp, nếu không giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật, thành phố sẽ lãng phí thời gian vàng 15 ngày thực hiện giãn cách”, Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

 

Hãy đóng góp cho Quỹ Vắc-xin phòng, chống Covid-19 của Chính phủ theo một trong các phương thức:
  • (i) Đóng góp trực tiếp qua website: http://quyvacxincovid19.gov.vn
  • (ii) Chuyển khoản qua các tài khoản ngân hàng của Quỹ. Xem chi tiết thông tin trên website: http://quyvacxincovid19.gov.vn
  • (iii) Soạn tin nhắn theo cú pháp: COVID NK gửi 1408, trong đó N là số bất kỳ trong khoảng từ 1 đến 2000, K là thể hiện đơn vị (nghìn đồng).