Cơn lũ vừa qua khiến địa phương tại Hà Tĩnh chìm sâu trong nước, nhà cửa, trường học bị nước lũ bao vây; đê kè bị phá gây hư hỏng; đặc biệt một diện tích lúa rất lớn đang vào mùa thu hoạch bị nước nhấn chìm.

{keywords}
Chị Phạm Thị Tịnh buồn bã bên đống thóc đã mọc mầm do ngâm dưới nước

Sáng ngày 7/9, có mặt tại cánh đồng lúa xã Vĩnh Lộc chúng tôi chứng kiến rất nhiều diện tích lúa vẫn còn chìm trong nước mặc dù trong 2 ngày gần đây nước đã rút khá nhiều.

Sau mưa lũ trời nắng trở lại, người dân tận dụng các con đường bê tông trong xã để phơi lúa, mặc cho những hạt lúa hãy còn ngấm nước, mọc mầm và ngã màu.

{keywords}
Nhiều diện tích lúa tại xã Vĩnh Lộc hiện nay vẫn chìm trong nước

 

{keywords}
Lúa mọc mầm nên hạt phía trong khô, teo lại, không thể nghiền được 

Chị Phạm Thị Tịnh (32 tuổi, trú tại thôn 6, xã Vĩnh Lộc, huyện Can Lộc) ngồi bần thần bên đống lúa ngấm nước giữa đồng cho biết, vụ hè thu này gia đình chị làm hơn 2 mẫu ruộng, trước thời điểm mưa lũ chị đã thuê máy gặt được một phần diện tích.

Tuy nhiên, sau khi gặt về gặp mưa nhiều ngày không thể đưa lúa ra phơi nên bị ẩm mốc, mọc mầm.

Ngoài ra, mưa lũ ập về bất ngờ chị trở tay không kịp khiến 7 sao lúa đến kỳ thu hoạch bị nước nhấn chìm.

{keywords}
Nhiều người dân không khỏi xót xa khi mùa màng thất thu do mưa lũ

 

{keywords}
Trâu vào ăn lúa, bà con cũng không thèm đuổi

“Diện tích lúa bị ngấm nước bây giờ vẫn chưa gặt được, còn lúa gặt về đã mọc mầm dài thì người ăn không được. Bây giờ cứ phơi cho khô đã chứ chưa biết dùng làm gì” – chị Tịnh nói.

Cũng giống như chị Tịnh, gia đình anh Nguyễn Thế Toàn (36 tuổi, trú tại xã Khánh Lộc) làm 8 sào lúa nhưng có đến 7 sào bị ngập nước, lúa thu hoạch về đã mọc mầm dài.

Theo anh Toàn, lúa đã mọc mầm dài nên hạt phía trong đã khô, teo lại, không thể nghiền được nữa. Loại lúa này giờ phơi khô sau đó nghiền làm thức ăn cho vật nuôi.

“Trong xã không chỉ riêng gia đình tôi mà rất nhiều gia đình khác có diện tích lúa khá lớn bị ngập úng, như gia đình tôi mùa này coi như mất trắng, 1 sào lúa không bị ngập thu hoạch về bán ra không đủ chi phí bỏ ra cho cả mùa vụ vừa qua” – anh Toàn cho hay.

{keywords}
Người dân tranh thủ phơi lúa những lúc trời nắng ấm

Ông Nguyễn Duy Cường – Phó chủ tịch UBND huyện Can Lộc cho biết, vài ngày gần đây trời nắng ấm người dân tất cả các xã đã tập trung ra đồng để thu hoạch số diện tích lúa còn lại trên đồng, trong ít ngày tới việc thu hoạch lúa cơ bản xong.

Một số địa phương như có người dân gặt lúa chạy lũ, do mưa dài ngày không thể phơi nên lúa mọc mầm, số lượng chưa thể thống kê được, tuy nhiên nếu mầm lúa mọc dài thì chỉ còn cách nghiền làm thức ăn cho gia súc.

Theo báo cáo sơ bộ của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện Can Lộc, tính đến ngày 5/9 toàn huyện có 1.743,5ha lúa bị ngập, đổ. Ngoài ra có khoảng 195,5ha màu bị ngập, diện tích thủy sản bị ngập là 174ha.

“Hiện nay hiện đang giao các xã đôn đốc bà con tranh thủ lúc tạnh ráo thu hoạch lúa, đồng thời phối hợp với công ty TNHH MTV thủy lợi Bắc Hà Tĩnh chủ động bố trí lực lượng, phương tiện điều tiết các công trình tiêu thoát lũ” – ông Cường nói.

Lê Minh

Một ngày bán vạn quả bưởi, cán bộ Hà Tĩnh mướt mồ hôi làm shiper

Một ngày bán vạn quả bưởi, cán bộ Hà Tĩnh mướt mồ hôi làm shiper

Nhiều cán bộ, phóng viên ở Hà Tĩnh đã trở thành “chân ship” bưởi Phúc Trạch miễn phí, kêu gọi cộng đồng chung tay. Hơn 1 ngày, hàng vạn quả bưởi đã được tiêu thụ giúp nông dân Hương Khê.