Do thời tiết khắc nghiệt, nên trước đây, sản xuất nông nghiệp (trồng lúa) của người dân chỉ đạt doanh thu khoảng 20 triệu đồng/ha/năm. Từ nhiều năm trước, nhiều hộ gia đình ở Quảng Nam chuyển hướng xây dựng mô hình trồng cây ăn trái, trong đó có trồng mít "khổng lồ".

Nhờ chịu khó tìm tòi, học hỏi kỹ thuật, chăm sóc tốt nên mô hình trồng cây ăn trái của của nhiều gia đình phát triển và đem lại thu nhập khá ổn định. Đối với giống mít, thời gian tuổi thọ mỗi cây từ 15 – 20 năm cho trái tốt, mỗi năm một cây mít đem lại hơn 1,5 tạ (tương đương doanh thu khoảng 1,5 triệu đồng/cây).

{keywords}
 Đối với giống mít, thời gian tuổi thọ mỗi cây từ 15 – 20 năm cho trái tốt, mỗi năm một cây mít đem lại hơn 1,5 tạ. 

Vườn cây ăn trái của ông Nguyễn Thành Hạt, thôn Thái Chấn Sơn, xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc được xem là một trong những “hạt nhân” để người dân học tập làm theo. Hàng năm, thu nhập từ mô hình cây ăn trái đem lại gần 700 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 16 lao động địa phương với mức thu nhập 5 triệu đồng/tháng.

Trước đây gia đình ông Hạt chủ yếu sống dựa vào mấy sào ruộng, chăn nuôi nhỏ lẻ, nên đời sống gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là khi 2 đứa con đang tuổi ăn tuổi học. Khi con vào đại học, kinh tế gia đình càng bức bối. Vậy là vợ chồng ông cố tìm kiếm mô hình vốn đầu tư ít mà thu nhập ổn định để thoát nghèo khó.

Qua học hỏi kinh nghiệm về mô hình trồng cây ăn trái trong miền Nam cùng với việc tham gia các lớp tập huấn do Liên minh hợp tác xã tỉnh tổ chức, ông Hạt đã mạnh dạn cải tạo vườn tạp.  Hiện, vườn cây ăn quả của gia đình có tổng diện tích 5.500m2 trồng hơn 200 cây mít, 100 cây sapoche, 50 cây vú sữa... mang về thu nhập ổn định.

Mít ở vườn ông Hạt có 2 loại là giống mít Viên Linh và mít Thái siêu sớm. Đối với mít Viên Linh, khi trồng khoảng cách giữa các cây khoảng từ 7 – 9m vì tán cây của giống mít này to. Đối với mít Thái siêu sớm thì khoảng cách giữa các cây khi trồng khoảng 5m.

Theo ông Hạt, mít là giống cây dễ trồng cho năng suất và thu nhập ổn định. Đối với giống mít Viên Linh, từ khi trồng đến năm thứ 3 thì cây cho quả và có thể thu hoạch, còn đối với giống mít Thái siêu sớm thì sau 20 tháng cây đã cho trái, mỗi năm có thể thu hoạch được 2 vụ.

Từ thành công trong việc trồng cây ăn trái, ông Hạt đã nhiệt tình vận động, hướng dẫn, truyền đạt kinh nghiệm cho bà con trong thôn ​Thái Chấn Sơn phát triển mô hình kinh tế vườn từ trồng cây ăn quả, khuyến khích nhiều người trong xã chuyển đổi trồng cây hoa màu sang cây ăn trái để có thu nhập cao hơn và thành lập Tổ hợp tác trồng cây ăn quả Thái Sơn do ông làm tổ trưởng với diện tích hơn 10ha.

Đây là một trong những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân góp phần nâng cao chất lượng và năng suất trái cây tại địa phương.

Nguyễn Liên
Ảnh: Diệu Thúy