Dù nhận thấy tín hiệu báo động từ chính mình nhưng nhiều người vẫn không thể ngưng trì hoãn để bắt đầu hành động. Trong khi đó, thời gian là một chủ nhân mang đến cơ hội bình đẳng. Mỗi người đều có chính xác cùng một số giờ và phút hàng ngày. Nếu cứ đắm chìm trong trì hoãn, bạn sẽ tụt hậu và khó hoàn thành được những mục tiêu của bản thân.
Câu hỏi là: Làm sao để có thể giảm thiểu được thói quen tiêu cực đó? Đâu là căn nguyên của sự trì hoãn? Làm sao để loại bỏ chúng? Cuốn sách Tâm lý học về sự trì hoãn của Tiến sĩ Hayden Finch sẽ tháo gỡ vướng mắc, mang đến cho độc giả những hiểu biết bất ngờ về sự trì hoãn dưới góc nhìn của tâm lý học.
Khi lật giở từng trang sách, người đọc nên chuẩn bị tâm lý bị “bóc mẽ” toàn bộ sự thật ẩn giấu sau suy nghĩ vô cùng hợp lý của bản thân để biện minh cho sự trì hoãn. Từ những câu hỏi trắc nghiệm có/không rất thực tế, mỗi người sẽ thấy mình thực ra cũng hay mắc lỗi tương tự.
Nhưng chúng ta hoàn toàn có thể thực hành loại bỏ nó sau khi hiểu bản chất vấn đề.
Trong khi nhiều tác phẩm khác chỉ cung cấp những mẹo đơn giản thì với Tâm lý học về sự trì hoãn, tác giả giải thích hiện tượng đó là gì, phân tích cách nó hoạt động và lý do vì sao hầu hết mọi người đều như vậy.
Độc giả sẽ khám phá ra được những căn nguyên gây ra sự trì hoãn: nó bị kích hoạt bởi nhiều yếu tố khác nhau - không đơn thuần là sự lười biếng hay thiếu nỗ lực mà là một vấn đề tâm lý. Như vậy, có thể dùng tâm lý học để vượt qua. Điều quan trọng là vì sao việc ngừng trì hoãn lại khó đến vậy?
Tiến sĩ Hayden Finch lý giải rằng bộ não đang né tránh cảm giác khó chịu khi phải thực hiện các công việc bạn không thích và thôi thúc làm những điều mình thích hơn. Và khi bạn nhận ra deadline đã sát đến cổ thì không còn thời gian thực thi. Và rồi bạn tự an ủi rằng bản thân vẫn đang tiến về mục tiêu, luôn bận rộn và chắc chắn sẽ có một thời điểm “cao hứng” nào đó nhất định sẽ hoàn thành mọi thứ.
Phần đầu cuốn sách, Tiến sĩ Hayden Finch tiến hành kiểm tra các vấn đề cốt lõi, phân tích tình trạng sức khoẻ tinh thần có tác động đến sự trì hoãn như hội chứng tăng động thiếu tập trung, trầm cảm, lo âu, sự tự trọng và tự tin, chủ nghĩa hoàn hảo, hội chứng kẻ giả mạo... Nhiều hội chứng cộng gộp càng gây tác động mạnh đến sự trì hoãn.
Tác giả chia sẻ từng bước để thực hành vượt qua sự trì hoãn trên góc độ tâm lý học. Từ xây dựng nền tảng vững chắc trong thói quen suy nghĩ, cách thức tìm kiếm động lực nhằm phá bỏ rào cản trì hoãn đến các bí kíp sắp xếp công việc dựa trên mức độ ưu tiên, rèn luyện tập trung, vượt qua sự né tránh và kiên trì để đến đích.
Tất nhiên, việc có vượt qua được sự trì hoãn hay không phụ thuộc nhiều vào sự quyết tâm của mỗi cá nhân. Trong từng chương, người viết đưa ra dẫn chứng từ một số câu chuyện có thật để độc giả dễ hình dung và tiếp nhận thông điệp.
Thông qua cách tiếp cận từ gốc rễ trong Tâm lý học về sự trì hoãn, mỗi chúng ta dễ dàng nhận ra được nguyên nhân nội tại của bệnh trì hoãn, từ đó tìm đúng phương pháp điều trị hiệu quả, hướng tới xóa bỏ hoàn toàn căn bệnh.
Hãy nhớ rằng, đừng để sự trì hoãn lấy đi tài sản quý giá nhất của cuộc đời bạn, đó là THỜI GIAN.
Ngọc Thủy