Ông Trần Phương Bình vướng vòng lao lý với DongABank trong khi vợ con kinh doanh thành công vang dội, trở thành đế chế bán lẻ có tốc độ phát triển vũ bão, ngang tầm đại gia mới nổi Nguyễn Đức Tài.
Trong phiên giao dịch 13/11, trừ “khủng long” Vincom Retail (VRE) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng và cổ phiếu Nhựa Bình Minh (BMP) hưởng lợi từ cú thoái vốn thành công của Vinamilk, trong các cổ phiếu đầu ngành trên sàn, chỉ có duy nhất PNJ của CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận tăng kịch trần.
Với nhiều phiên tăng thần tốc gần đây, cổ phiếu PNJ của bà Cao Thị Ngọc Dung tiếp tục lập kỷ lục cao kỷ mọi thời đại mới: 118.600 đồng/cp. Đây là mức giá cao nhất kể từ khi PNJ niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán đầu năm 2009. So với đầu năm, giá cổ phiếu PNJ đã tăng gấp gần 2 lần.
Trong khi ông Trần Phương Bình - đại gia kim tiền bậc nhất Việt Nam - vướng vòng lao lý liên quan tới hoạt động của Ngân hàng Đông Á (DongABank), thì vợ con tiếp tục thăng hoa trên thị trường chứng khoán (TTCK).
Cũng giống như Thế Giới Di Động (MWG) của ông Nguyễn Đức Tài, bà Dung đang cho PNJ tăng tốc mở rộng mạng lưới cửa hàng bán đồ trang sức trên phạm vi toàn quốc. Theo kế hoạch, PNJ sẽ có 300 cửa hàng trong 2018 và 500 cửa hàng vào nă 2020.
Gần đây, hàng loạt các đại gia Việt rất thành công với chiến lược kinh doanh theo chuỗi, mở rộng mạng lưới để chiếm thị phần. Thế Giới Di Động (MWG) của ông Nguyễn Đức Tài đã mở được hơn 1600 cửa hàng bán điện thoại, điện máy và trở thành doanh nghiệp bán lẻ được các NĐT nước ngoài quan tâm hàng đầu trên thị trường chứng khoán.
Vincom Retail (VRE) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng là doanh nghiệp cung cấp mặt bằng bán lẻ gần đây trở thành hiện tượng trên TTCK với cú chào sàn ấn tượng hôm 6/11 với sức cầu cổ phiếu rất lớn, trong khi lượng bán ra nhỏ giọt.
Vinmart+ cũng của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng đang xâm chiếm khắp ngóc ngách Việt Nam.
FPT Shop của FPT cũng đã có những bước đi thần tốc trong năm vừa qua và thu hút được sự quan tâm của các NĐT nước ngoài.
Apax English của ông Nguyễn Ngọc Thủy vươn lên thành chuỗi trung tâm tiếng Anh trẻ em số 1 tại Việt Nam chỉ sau 2 năm nhờ chiến lược “đi nhanh” như Thế Giới Di Động.
Hiện tại, PNJ của bà Cao Thị Ngọc Dung và MWG của ông Nguyễn Đức Tài là 2 cổ phiếu bán lẻ nóng nhất trên TTCK. Hai cổ phiếu này đã có những cú bứt phá ngoạn mục và đều đang ở đỉnh cao kỷ lục mọi thời đại. PNJ của bà Cao Thị Ngọc Dung tăng mạnh gần đây còn do DN này đã thoát gánh nặng đầu tư cổ phần DongABank và đang bước vào mùa cao điểm cuối năm và mùa cưới.
Với mức giá PNJ hiện tại, bà Cao Thị Ngọc Dung đang giàu kỷ với giá trị tài sản gần 1,2 ngàn tỷ đồng. Trong khi con gái bà Dung, Trần Phương Ngọc Thảo cũng có vài trăm tỷ đồng.
Về tổng thể, thị trường chứng khoán được đánh giá có triển vọng dài hạn vẫn khá tích cực. Quy mô và chất lượng sẽ còn tăng mạnh và đây là yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư lớn trên thế giới.
Trong phiên đầu tuần, VN-Index tăng hơn 11 điểm lên mức cao kỷ lục mới trong gần thập kỷ qua. TTCK tăng giá chủ yếu nhờ nhóm vốn hóa lớn trong đó có Vinamilk (VNM), Vincom Retail (VRE), Vingroup (VIC), GAS… Tín hiệu tích cực là thanh khoản tăng khá mạnh, lần thứ 2 vượt ngưỡng 10 ngàn tỷ đồng/phiên.
BSC nhận định, với dòng tiền và lực đỡ như hiện tại thì chỉ số thị trường sẽ tiếp tục cán những đỉnh cao mới. Mặc dù vậy, hiện dòng tiền đang tập trung tại những mã có vốn hóa lớn và dần suy yếu ở những mã cổ phiếu vừa và nhỏ, bằng chứng là dù tăng kỉ lục nhưng sắc đỏ vẫn đang chiếm ưu thế.
Theo BVSC, với diễn biến tích cực xoay vòng ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn trong các phiên gần đây, chỉ số VN-Index có thể sẽ tiếp tục tăng điểm. Mặc dù vậy, mức độ phân hóa đã rất lớn, hoàn toàn có khả năng khiến danh mục nhà đầu tư thua lỗ trong khi thị trường chung vẫn tăng điểm.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 13/11, VN-index tăng 11,13 điểm lên 879,34 điểm; HNX-Index tăng 0,41 điểm lên 106,79 điểm. Upcom-Index giảm 0,37 điểm xuống 52,47 điểm. Thanh khoản đạt 350 triệu cổ phần được giao dịch. Giá trị đạt hơn 14 ngàn tỷ đồng, cao hơn so với mức trung bình những tuần sôi động gần 4,8 ngàn tỷ đồng hồi tháng 6-7.
H. Tú