Theo số liệu thống kê, kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện 10 tháng đầu năm 2015 đạt 25,8 tỷ USD, tăng 32.7%, trong khi đó doanh số xuất khẩu điện thoại di động của cả năm 2014 đạt khoảng 23 tỷ USD.
Cũng liên quan đến các con số về điện thoại di động, trong một nghiên cứu của tổ chức phân tích độc lập HIS iSuppli, chi phí nhân công để lắp ráp một chiếc điện thoại iPhone5 của Apple chỉ chiếm không đầy 4% giá thành sản xuất (8USD/207USD) trong khi đó nếu so sánh với giá bán của chiếc iPhone này thì còn thấp hơn rất nhiều, chỉ còn 1.2% (8USD/649USD)!
Kinh tế sáng tạo: Liệu có còn mãi một giấc mơ?
Có lẽ nhiều người hay nhìn vào các con số 25,8 tỷ USD hay 23 tỷ USD ở trên để rồi phấn khích và lạc quan về một tương lai xán lạn cho sự phát triển của ngành công nghệ ở Việt Nam.Tuy nhiên nếu nhìn nhìn vào thực trạng giá lắp ráp chỉ tính bằng 1 con số phần trăm như giá bán trong trường hợp Apple nêu trên, một vấn đề hiện hữu của một quốc gia đang phát triển chủ yếu gia công cho các hãng khác, chúng ta sẽ thấy một thực tế phũ phàng và sẽ càng thấm thía hơn bao giờ hết vai trò của khoa học công nghệ trong phát triển và tăng trưởng kinh tế.
Một nền kinh tế dựa trên sự phát triển vai trò của khoa học sáng tạo phải đến từ sự đổi mới công nghệ, đổi mới quản trị bắt nguồn ngay từ các doanh nghiệp. Và lịch sử đã chứng minh không có một quốc gia gia nào qua một đêm bỗng trở nên sáng tạo có chăng chỉ trong truyền thuyết. Đó phải là cả một quá trình lâu dài bền bỉ đòi hỏi từng doanh nghiệp phải nỗ lực, sáng tạo và tích lũy bên cạnh môi trường thuận lợi cho phát triển sáng tạo do nhà nước và chính phủ tạo lập.
Thử làm một phép so sánh với một nền kinh tế hướng sáng tạo tiêu biểu trong khu vực Đông Á là Nhật Bản. Số liệu thống kê mới nhất cho thấy đóng góp của các nhóm ngành kinh tế Thương mại, dịch vụ du lịch; Công nghiệp (chủ yếu là chế tạo); Nông lâm nghiệp thủy hải sản vào GDP của Nhật Bản trong vài năm trở lại đây tương ứng với các tỷ lệ 71%; 28% và khoảng 1%. Trong khi đó đóng góp của các nhóm ngành tương ứng trong của Việt Nam vào GDP (số liệu năm 2013) như sau: 43,31%; 38,31% và 18,38%.
Ngay cả trong Bảng xếp hạng VNR500 (Top 500 DN lớn nhất Việt Nam) được Vietnam Report công bố T12/2015 cũng cho thấy, trong số 500 doanh nghiệp được gọi là lớn nhất Việt Nam, là những doanh nghiệp đầu tàu của nền kinh tế Việt Nam số lượng DN hoạt động trong ngành Khoáng sản, xăng dầu chiếm 12,80% tổng số DN trong BXH VNR500 2015 (giảm so với mức 15% của năm 2014) nhưng vẫn đứng thứ 02 trong top 05 ngành có tỷ lệ DN lọt BXH nhiều nhất. Riêng về tỷ trọng Doanh thu đóng góp trong Bảng, ngành Khoáng sản, xăng dầu vẫn giữ vị trí đầu bảng với mức đóng góp 31,44%, giảm nhẹ so với mức 32% của năm 2014.
Trong khi đó các ngành mang tính sáng tạo như nhóm ngành Viễn thông – CNTT mặc dù số lượng doanh nghiệp không thay đổi nhiều (khoảng 4,4% tổng số DN toàn bảng) nhưng cũng chỉ tạo ra 7,7% doanh thu toàn bảng (tăng không đáng kể so với mức 7.1% trong BXH năm 2014).
Top 5 ngành có tỷ trọng Doanh thu đóng góp vào BXH VNR500 2015 lớn nhất (Đơn vị: %). Nguồn: BXH VNR500 2015- Vietnam Report |
Người đi chân đất muốn đóng giày bán cho thiên hạ!
Khó có thể phủ nhận mức độ phụ thuộc của nền kinh tế nước ta vào khối ngành khai khoáng, tuy nhiên tỷ trọng đóng góp của ngành này vào mức tăng trưởng chung có xu hướng giảm đi thể hiện rõ nét nhất ở chuyển dịch cơ cấu thu NSNN. Nếu như vào những năm 90 của thế kỷ trước, thu từ dầu thô chiếm khoảng 25% thu ngân sách thì nay chỉ còn khoảng dưới 10%. Điều này cho thấy, một mặt do nguồn tài nguyên ngày càng cạn kiệt và điều kiện khai thác ngày càng khó khăn nên xu hướng đóng góp của lĩnh vực này sẽ ngày càng giảm dần. Hơn thế nữa, với mục đích giảm phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ Công thương ban hành Chiến lược phát triển ngành công nghiệp đến năm 2025, tầm nhìn 2035. Trong đó nêu rõ, chiến lược phát triển cụ thể theo hướng phát triển kinh tế không phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, mà tập trung chú trọng các ngành kinh tế như chế biến chế tạo, công nghiệp công nghệ cao, phần mềm, chế biến các nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, v.v.
Việc phủ nhận những đóng góp của ngành Khoáng sản, xăng dầu cho sự phát triển của nền kinh tế quốc dân cũng như xã hội là không thể, tuy nhiên, để giảm thiểu tới mức thấp nhất những mặt hạn chế trong khai thác tài nguyên thiên nhiên của đất nước, các DN trong ngành cần chú trọng đảm bảo ứng dụng kỹ thuật hiện đại trong khai thác cũng như sử dụng nguồn tài nguyên một cách hiệu quả, có tổ chức, đem lại nguồn lợi ích kinh tế tối đa cho cộng đồng và đất nước.
Khi mà các hiệp định thương mại tự do chắc chắn dẫn đến môi trường kinh doanh thay đổi, dẫn đến doanh nghiệp phải thay đổi là quy luật tất nhiên. Hội nhập không phải là một lựa chọn, hội nhập là một thực tế của thị trường mà mọi người, mọi doanh nghiệp phải đi theo. Doanh nghiệp thay đổi bắt đầu từ chính lãnh đạo doanh nghiệp, từ sự đổi mới tư duy lãnh đạo. Tham gia hội nhập và toàn cầu hóa là thực hiện ba cuộc đổi mới: đổi mới về công nghệ, đổi mới về tài chính và đổi mới tư duy quản trị. Hơn lúc nào hết, lãnh đạo doanh nghiệp cần thay đổi tư duy một cách mạnh mẽ, với bản lĩnh với chiến lược và tầm nhìn tốt, hiểu biết và tuân thủ các quy định của luật pháp trong nước và quốc tế để tạo dựng tâm thế chủ động không chỉ trên sân chơi khu vực và toàn cầu mà chính trên sân nhà mình với “những người chơi đẳng cấp quốc tế”. Nếu không biết và đặt mục tiêu không thích hợp, chúng ta rất dễ rơi vào tình huống “người đi chân đất muốn đóng giày bán cho thiên hạ”!
Ngày 12/01/2016, Công ty CP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) và Báo VietNamNet sẽ chính thức tổ chức Buổi Lễ Công bố Bảng xếp hạng VNR500 – Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2015 tại Khách sạn Rex, Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là năm thứ 9 liên tiếp, Bảng xếp hạng VNR500 được công bố nhằm ghi nhận những Doanh nghiệp không chỉ đạt được những thành tựu to lớn trong kết quả kinh doanh mà còn có những đóng góp to lớn cho cộng đồng và xã hội. |
Lê Anh – Vietnam Report