Huy động sức dân chung tay xây dựng nông thôn mới
Đến với Thoại Sơn hôm nay mới thấy, cùng với sự đổi thay về kết cấu hạ tầng nông thôn, cảnh quan môi trường luôn được người dân trên địa bàn huyện tích cực thực hiện. Con đường từ trung tâm huyện đến các xã, thị trấn trong huyện đều được đầu tư, mở rộng khang trang, sạch đẹp với những ngôi nhà mới, hệ thống giao thông nông thôn được đầu tư cải thiện, những con đường hoa được người dân trồng trước cửa nhà, ở đường và các khu vực công cộng… tạo nên diện mạo mới, một bức tranh nông thôn mới sống động và tươi đẹp của Thoại Sơn hôm nay.
Một trong những điểm nổi bật trong chương trình xây dựng nông thôn mới ở Thoại Sơn trong thời gian qua đó là huyện đã huy động sức dân cùng chung tay xây dựng.
Theo đó, huyện đã mở rộng mới 11 tuyến đường đến trung tâm xã có chiều dài 43km; 31 tuyến đường liên xã, liên ấp được nhựa hoá và bê tông hoá với 118km và đạt tỷ lệ 100% các tuyến; 21 tuyến đường ngõ, xóm trên địa bàn 14 xã với chiều dài 19,4km cũng đã được cứng hoá; 42 cây cầu được xây bằng bê tông kiên cố được đội thi công cầu thiện nguyện triển khai thực hiện với sự huy động nhân công từ nhân dân, lực lượng cán bộ tham gia với tinh thần kinh phí xã hội hoá 71% và Nhà nước hỗ trợ 29%.
Bên cạnh đó, hệ thống đèn chiếu sáng cũng được đầu tư mới 56 tuyến, với 136km từ vốn xã hội hóa 50% và ngân sách 50%. Qua đó đã nâng tổng số tuyến đường có hệ thống chiếu sáng là 98 tuyến và chiều dài 401km, đạt tỷ lệ 100%.
Qua 13 năm, từ năm 2011 đến 2023, Thoại Sơn đã huy động được hơn 2.594,5 tỷ đồng từ ngân sách các cấp, từ trong nhân dân và các doanh nghiệp đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.
Chuyển đổi số hướng tới xây dựng nông thôn mới thông minh
Xác định chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới là xu hướng tất yếu, những năm qua, công tác chuyển đổi số ở Thoại Sơn được quan tâm thực hiện cả chiều rộng và chiều sâu trên ba phương diện, gồm: Phát triển chính quyền số, phát triển các chủ thể kinh tế số và phát triển xã hội số cho cộng đồng dân cư ở nông thôn, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội huyện, đồng thời thực hiện tốt mục tiêu xây dựng nông thôn hiện đại, văn minh.
Theo đó, huyện đã triển khai thành lập mô hình Tổ công nghệ số cộng đồng của 17 xã, thị trấn và 76 tổ khóm, ấp nhằm hướng dẫn, tuyên truyền người dân tham gia Đề án 06 như làm định danh điện tử mức 2, nộp hồ sơ trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt... để người dân chủ động tiếp cận thực hiện.
Thực hiện việc cải cách hành chính, triển khai dịch vụ công trực tuyến, huyện đã tập trung nâng cấp trang thông tin điện tử huyện; tổ chức tập huấn, trang bị kỹ năng cần thiết cho đội ngũ cán bộ, công chức về công nghệ thông tin, khai thác dịch vụ công, ứng dụng các phần mềm điện tử, phục vụ trang thông tin điện tử ở 17 xã, thị trấn; đầu tư cở sở vật chất để bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả qua dịch vụ công trực tuyến chủ động giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính liên quan đến công dân…., thông qua mô hình "Ngày không giấy", được triển khai vào thứ 5 hàng tuần.
Đến nay, các phòng, ban chuyên môn, UBND các xã, thị trấn, các đơn vị y tế, trường học trên địa bàn huyện có chữ ký số. Trên 90% văn bản được ký số; cung cấp thiết bị Token chữ ký số cá nhân cho lãnh đạo, cán bộ công chức, viên chức thực hiện ký số hóa tài liệu lưu giữ vào kho dữ liệu; triển khai thanh toán dịch vụ công qua nhiều hình thức.
Tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính với số lượng hồ sơ trực tuyến trên tổng số hồ sơ thủ tục hành chính của các dịch vụ công trực tuyến toàn trình đạt 50%.
Tích hợp dịch vụ công trực tuyến một phần, toàn trình của huyện với cổng Dịch vụ công quốc gia các danh mục dịch vụ công trực tuyến đạt 100%. Tất cả hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện thông qua hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh phải được xử lý theo quy trình trên hệ thống một cửa điện tử tỉnh đạt 100%.
Về phát triển kinh tế, huyện đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ phục vụ trong nông nghiệp.
Ông Lê Văn Đà, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết, phát huy thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, huyện đã tập trung tuyên truyền, hỗ trợ người dân chuyển giao khoa học công nghệ, hỗ trợ nguồn vốn, giúp người dân cải tạo vườn tạp, đất vườn kém hiệu quả chuyển đổi cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao.
Song song đó là đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp chất lượng cao nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của các sản phẩm chủ lực của địa phương.
Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người của Thoại Sơn hiện đạt 73,5 triệu đồng/người/năm, tỉ lệ hộ nghèo giảm dần theo hàng năm, dự kiến đến cuối năm 2024 giảm còn 0,74%.
Đến nay, huyện Thoại Sơn đã thực hiện duy trì nâng chất 19/19 tiêu chí xã nông thôn mới và hoàn thành việc đạt 19/19 tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao ở 100% số xã trên địa bàn huyện. Nông thôn mới đã và đang giúp người dân ở Thoại Sơn không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, diện mạo vùng quê nơi đây ngày một khang trang, hiện đại và văn minh hơn.