- Theo nhận định của các chuyên gia, quản lý hoạt động cho vay tiêu dùng không nên áp trần lãi suất mà phải dựa trên thỏa thuận giữa khách hàng và bên cho vay. Việc khống chế trần lãi suất sẽ chỉ gây rủi ro làm méo mó thị trường.

Hoạt động mang tính đặc thù

Theo TS. Cấn Văn Lực, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), hiện nay tại Việt Nam, các sản phẩm vay tiêu dùng của các tổ chức tín dụng, công ty tài chính (CTTC) tiêu dùng khá đa dạng, từ hình thức cho vay qua thẻ tín dụng, vay mua ô tô, sửa nhà, đến mua sắm đồ gia dụng, đồ công nghệ...

Tuy nhiên, thị phần của nó chỉ mới chiếm khoảng 6,5% tổng dư nợ của nền kinh tế, trong khi ở các nước khác, con số này vào khoảng 15-25%. Có nhiều yếu tố khiến thị trường này chưa thể tăng nhanh và cao hơn, trong đó phải kể đến việc thiếu hành lang pháp lý và hạn chế trong thói quen ngại tiếp cận các khoản vay qua kênh chính thức của người dân.

{keywords}

Quản lý hoạt động cho vay tiêu dùng không nên áp trần lãi suất mà phải dựa trên thỏa thuận giữa khách hàng và bên cho vay.

Vì là hoạt động vay mượn khá đặc thù, chủ yếu dựa trên tín chấp với các thủ tục giấy tờ khá đơn giản, không có tài sản đảm bảo nên hình thức cho vay này có độ rủi ro cao hơn so với các hình thức tín dụng thông thường. Do đó, để bù đắp rủi ro, lãi suất cho vay tiêu dùng đương nhiên sẽ cao hơn so với mặt bằng lãi suất chung.

Tuy nhiên, để quản lý hoạt động cho vay tiêu dùng, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, không nên áp trần lãi suất mà phải dựa trên thỏa thuận giữa khách hàng và bên cho vay. Việc khống chế trần lãi suất sẽ khiến cho CTTC không đánh giá đúng đối tượng vay, cào bằng điểm tín dụng của khách hàng và dẫn đến khó kiểm soát được những khách hàng dưới chuẩn; đồng thời, gây rủi ro, làm méo mó thị trường. Trong điều kiện đặc biệt, nhà quản lý có thể sử dụng công cụ hành chính, tuy nhiên, việc sử dụng nhiều biện pháp hành chính sẽ gây khó cho cả hai bên cho vay lẫn người đi vay.

Ủng hộ quan điểm khuyến khích cho vay tiêu dùng khi xu hướng này đang ngày càng phát triển, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng cũng cho rằng, cần có cơ chế khuyến khích phát triển nhiều hơn nữa các CTTC tiêu dùng, có như vậy mới tạo nên sự cạnh tranh, từ đó giúp người tiêu dùng tiếp cận được nguồn vốn rẻ hơn khi có nhu cầu vay tiêu dùng, thay vì phải tìm đến tín dụng đen.

Với đặc thù thủ tục vay đơn giản, không cần thế chấp, lãi suất cao, các chuyên gia tài chính nhận định, điểm mấu chốt trong hoạt động cho vay tiêu dùng là phải công khai, minh bạch thông tin từ cả bên vay và cho vay.

Hoàn thiện hành lang pháp lý

Thực tế hiện nay cho thấy, trong nhiều trường hợp khách hàng chây ì hoặc bỏ trốn, các tổ chức cho vay sẽ bị “mất trắng” hoặc phải trải qua quá trình thu nợ kéo dài, khiến chi phí bỏ ra để thu nợ còn lớn hơn nhiều lần so với khoản nợ. Đây là bất cập cần sớm có sự nhập cuộc của các cơ quan liên quan. Có như vậy, các vụ việc liên quan tới vay tiêu dùng mới được xử lý dứt điểm.

{keywords}

Dịch vụ tài chính tiêu dùng sẽ chỉ thực sự phát triển khi có một hành lang pháp lý đủ mạnh và hiệu quả...

Để quản lý hoạt động này, theo giới chuyên gia, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần tạo ra hành lang pháp lý theo hướng khuyến khích các CTTC tập trung vào hoạt động cho vay tiêu dùng, với các món vay nhỏ, phục vụ cho đời sống xã hội.

Dịch vụ tài chính tiêu dùng sẽ chỉ thực sự phát triển khi có một hành lang pháp lý đủ mạnh và hiệu quả để các bên liên quan trong quan hệ tín dụng này tuân thủ nghiêm túc các điều khoản cam kết, bên nào vi phạm sẽ bị xử lý một cách thích đáng. Qua đó, tạo điều kiện cho các CTTC hoạt động, hình thành thị trường tài chính tiêu dùng lành mạnh, thu hút khách hàng tham gia.

Một khi đã hình thành được hệ thống chính sách khuyến khích, thị trường dịch vụ tài chính tiêu dùng sẽ trở nên sôi động, cạnh tranh công bằng và lành mạnh, đem lại lợi ích nhiều hơn cho người tiêu dùng. Theo đó, lượng lớn khách hàng “dưới chuẩn” cấp tín dụng của ngân hàng sẽ được các CTTC đáp ứng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, chống nạn cho vay nặng lãi.

Theo TS. Nguyễn Thị Kim Thanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), hiện nay, các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực cho vay tiêu dùng đang rất nỗ lực để có thể quản lý hoạt động này với hai mục tiêu chính, đó là bảo vệ người đi vay và thúc đẩy thị trường phát triển lành mạnh, cung cấp các sản phẩm phù hợp với nhu cầu của khách hàng.

Lan Hương