Thỏa thuận, được tạo điều kiện bởi các nhà hòa giải Qatar, bao gồm một lệnh ngừng bắn kéo dài 4 ngày, cho phép viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza và Hamas thả 50 con tin. Israel sẽ trao trả 150 tù nhân Palestine, bao gồm phụ nữ và trẻ em, đang bị giam giữ.

Lệnh ngừng bắn này có thể được coi là một phần của các nỗ lực đàm phán rộng lớn hơn để Israel chuộc lại 240 con tin đang bị Hamas bắt giữ, và có thể mở đường cho việc gia hạn nếu có thêm con tin được thả.

Để đánh giá tính khả thi và đáng tin cậy của lệnh ngừng bắn, điều cần thiết phải xem trước hết là bối cảnh lịch sử của cuộc xung đột Israel-Hamas. Sự thù địch giữa hai bên bắt đầu từ 1987. Những năm qua, một loạt sự vụ nóng đã khiến hai bên đụng độ, bao gồm các vụ đánh bom tự sát của Hamas, hoạt động quân sự của Israel ở Gaza…

Lịch sử xung đột Israel-Hamas cho thấy lệnh ngừng bắn trong các giai đoạn trước đây thường bị phá vỡ bởi các hành động thù địch mới. Những lệnh ngừng bắn này đã không dẫn đến nền hòa bình lâu dài, mà chỉ là các giai đoạn tương đối yên tĩnh.

Nhiều nhà quan sát quốc tế cho rằng, các lệnh ngừng bắn trước đây thất bại do thiếu các biện pháp giải quyết nguyên nhân gốc rễ, chỉ nhằm kết thúc bạo lực ngay lập tức thay vì kiến tạo một giải pháp hoà bình lâu dài. Chính điều này đã dẫn đến cuộc tấn công của Hamas vào Israel hôm 7/10, và chiến dịch quân sự đáp trả của Israel.

Bất chấp làn sóng nhẹ nhõm ban đầu mà tin ngừng bắn giữa Israel và Hamas mang lại cho nhiều người, tính khả thi và lâu dài của thỏa thuận này vẫn bị bao phủ bởi sự hoài nghi. Lịch sử xung đột Israel-Hamas vẽ lên một bức tranh nghiệt ngã về tiềm năng đạt được hoà bình lâu dài của lệnh ngừng bắn hiện nay.

Việc nhấn mạnh vào các vấn đề nhân đạo trong lệnh ngừng bắn, bao gồm việc trao trả con tin và đảm bảo viện trợ nhân đạo, cho thấy sự tiếp nối các phương pháp tiếp cận được thấy trong lệnh ngừng bắn trước đây. Tuy nhiên, những nỗ lực này chưa chắc sẽ không thúc đẩy bất kỳ sự tin cậy nào hay giảm bớt sự đối đầu giữa Israel và Hamas. 

Thủ tướng Israel khẳng định rằng chiến dịch quân sự sẽ tiếp tục sau khi lệnh ngừng bắn kết thúc, và sẽ không ngừng cho đến khi toàn bộ 240 con tin được trao trả và Hamas bị xóa sổ hoàn toàn. Trong khi đó, người phát ngôn của Hamas nói rằng sẽ tiếp tục nỗ lực “đánh bại sự chiếm đóng” của Israel, và sẵn sàng hy sinh để đạt được điều này. 

Sự tham gia của Qatar với tư cách là trung gian hòa giải được cho là mang lại những quan điểm và cách tiếp cận ngoại giao mới mẻ, khác với các thoả thuận trong quá khứ. 

Ngoài ra, cũng cần phải xem xét bối cảnh địa chính trị rộng lớn hơn. Cách tiếp cận của các quốc gia thứ ba, đặc biệt là Mỹ với Israel và Qatar với Hamas, sẽ đóng vai trò then chốt trong việc gìn giữ hoà bình sau bốn ngày như đã thoả thuận trong lệnh ngừng bắn như thế nào. 

Mỹ tiếp tục là đồng minh lớn nhất của Israel, cung cấp hỗ trợ quân sự và ngoại giao đáng kể trong suốt cuộc xung đột này. Bất kỳ sự thay đổi nào trong chính sách của Mỹ, có lẽ do gặp phải các áp lực từ khía cạnh nhân đạo của lệnh ngừng bắn, sẽ gây áp lực đáng kể lên Israel về quyết định chấm dứt hoặc tiếp tục chiến dịch quân sự tại Dải Gaza. 

Một trong những yếu tố quan trọng khác là cách dư luận thế giới sẽ phản ứng với những hình ảnh đau thương đến từ Dải Gaza trong những ngày tới. Trong bốn ngày ngừng bắn, các nhà báo quốc tế sẽ có thể quay trở lại Gaza, nói chuyện với thường dân và tường thuật lại những câu chuyện của họ cho người đọc trên khắp thế giới. 

Với lệnh ngừng bắn cho phép các nhà báo tiếp tục hoạt động tại dải Gaza, cách họ đưa tin và sự phản ứng của dư luận thế giới sẽ có ảnh hưởng lớn đối với công chúng yêu hòa bình trên thế giới. Sự phẫn nộ này có khả năng gây sức ép với các nhà lãnh đạo Mỹ, châu Âu và Trung Đông để tích cực tìm ra một giải pháp đảm bảo hoà bình lâu dài hơn.