Trong cuộc phỏng vấn với đài CNN hôm 18/3, ông Fidan nhấn mạnh, sự đối đầu giữa Moscow và Kiev đã "biến thành một cuộc xung đột tiêu hao". Đây là vấn đề nghiêm trọng khiến Thổ Nhĩ Kỳ lo lắng.

“Về mặt chiến lược, chúng tôi quan ngại về việc xung đột mở rộng khắp khu vực. Quá trình này thường bắt đầu bằng lời nói và sau đó chuyển thành hành động”, ông Fidan bày tỏ, đồng thời cảnh báo châu Âu “nên lo lắng” về tình hình ở Ukraine hơn là Ankara.

Bình luận về triển vọng đạt được một thỏa thuận hòa bình giữa Nga - Ukraine, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ nói hiện "không có cơ sở để kỳ vọng đạt tiến triển về vấn đề này trong năm 2024 cũng như trong tương lai gần".

Tuy nhiên, ông lưu ý Thổ Nhĩ Kỳ đã có một số sáng kiến nhằm chấm dứt xung đột và là một trong số ít quốc gia thuộc tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Liên minh châu Âu (EU) và các tổ chức quốc tế khác kêu gọi hòa bình. Nhà ngoại giao hàng đầu Thổ Nhĩ Kỳ giải thích, đất nước của ông có vị thế tốt để theo đuổi chính sách này vì có quan hệ tốt với cả hai bên xung đột.

Kể từ cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng phát cuối tháng 2/2022, Ankara đã nhiều lần kêu gọi Moscow và Kiev chấm dứt giao tranh, đồng thời đề xuất tổ chức thương lượng giữa hai bên.  

Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ký sắc lệnh cấm đàm phán với chính quyền hiện tại ở Moscow sau khi 4 vùng Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia tiến hành trưng cầu dân ý và sáp nhập vào Nga vào tháng 10/2022. Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, Moscow sẵn sàng hòa đàm với Ukraine nếu Kiev và các đồng minh phương Tây nghiêm túc về hòa bình lâu dài với Moscow, chứ không phải vì họ "hết đạn".

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ cuối tuần trước nhấn mạnh đã đến lúc “tách vấn đề chủ quyền của Ukraine khỏi lệnh ngừng bắn” nhằm ngăn chặn xung đột. Theo ông, điều này không có nghĩa Kiev sẽ công nhận các lãnh thổ phía Nga mới giành quyền kiểm soát.