Một lượng lớn”thợ mỏ” từ khắp nơi trên thế giới đang đổ về những nơi như khu Sham Shui Po của Hong Kong hay Sim Lim Square của Singapore để mua các dàn "trâu" đào tiền kỹ thuật số.
Một số chỉ mua linh kiện như bo mạch chủ, card đồ họa, quạt, nguồn, card màn hình hay RAM để tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, ngay cả khi nhà bán lẻ lắp ráp chúng và thu thêm một khoản phí nhỏ, sản phẩm cuối cùng vẫn là một món hời.
“Mua 'trâu cày' tại Hong Kong rẻ hơn 30-50% so với ở châu Âu”, một “thợ mỏ” có tên Dima Popov từ Nga nói với Reuters. Hong Kong không đánh thuế bán hàng, do đó giá bán linh kiện ở đây gần như tương đương với giá gốc từ nhà cung cấp.
Popov mua card màn hình, bo mạch chủ và nguồn tại Hong Kong và đào Bicoin tại Nga, nơi giá điện khá rẻ và thời tiết ủng hộ.
Nhu cầu linh kiện máy tính cực cao đang tạo ra diện mạo mới cho các trung tâm mua sắm tại châu Á, nơi từng bị ảnh hưởng khá lớn vì sức bán PC xuống thấp những năm gần đây. Những cửa hàng trước đây chủ yếu bán cho người dân địa phương, bán điện thoại hoặc một số thiết bị tiêu dùng khác giờ đây chào đón hàng loạt khách nước ngoài tìm mua linh kiện máy tính.
Những cỗ máy đào tiền kỹ thuật số thường được chứa trong các nhà kho rộng tương đương một chiếc máy bay và được theo dõi thường xuyên. Một chuyên gia trong lĩnh vực này cho biết, thông thường các “thợ mỏ” sẽ thu hồi vốn sau khoảng 3 tháng. Những người đào coin với quy mô nhỏ hoặc đào tại nhà sẽ phải chờ lâu hơn.
Tại Hong Kong, những người quản lý cửa hàng cho hay phần lớn người mua đến từ Nga nhưng khách từ tây Âu, châu Phi hay Hàn Quốc cũng không thiếu. Tương tự là Singapore.
Những cỗ máy đào tiền kỹ thuật số này chủ yếu được sản xuất tại Trung Quốc, sử dụng chip của AMD và Nvidia. Jerry Wu – quản lý cửa hàng của Wisetek Digital Technology nói bán linh kiện đào tiền số mang lại lợi nhuận cao hơn 50% so với linh kiện máy tính thông thường. Anh này kiếm được khoảng 6.400 đến 7.600 USD mỗi tháng tiền lời.
Khi thợ mỏ săn tìm trâu cày, các nhà sản xuất chip biết rằng cơ hội đã đến. Những cỗ máy đào tiền kỹ thuật số này có giá từ vài nghìn USD đến cả chục nghìn USD và bộ vi xử lý chính là linh kiện đắt nhất.
Samsung Electronics, nhà sản xuất microchip lớn nhất thế giới, nói rằng nhu cầu bùng nổ chip xử lý đồ họa cho việc đào tiền ảo mang đến sự tăng trưởng lớn.
TSMC cũng xem đây là cơ hội lớn nhưng biết rằng nó có thể sớm thay đổi. “Nhu cầu đào tiền kỹ thuật số đang rất cao. Tuy nhiên, cơn sốt này chủ yếu phụ thuộc vào giá của tiền kỹ thuật số, trong khi loại tiền này không bền vững”, chủ tịch TSMC, Morris Chang nói vào tháng trước.
Phiên bản nhỏ hơn của Sham Shui Po, trung tâm mua sắm Sim Lim Square tại Singapore cũng ghi nhận tình trạng khách hàng mua thiết bị đào tiền kỹ thuật số tăng vọt.
Anuj Agarwal, người bán hàng cho shop của anh trai mình, nói rằng anh từng giao dịch với nhiều khách từ Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Nga. “Người nước ngoài tìm đến Singapore vì ở đây sẵn hàng và tin tưởng dịch vụ ở đây”, anh nói và cho biết thêm có những người mới chỉ 16 tuổi đã tìm đến mua hàng.
Ngay bên cạnh đó, Liu Xiao Yu nói rằng anh không thể đáp ứng hết nhu cầu của người mua. “Có khách hàng yêu cầu mua 500 card đồ họa, trị giá hơn 350.000 SGD (262.000 USD)”, Liu nói. “Tuần trước, một người khác hỏi mua 1.000 card đồ họa, nhưng tôi không dám nhận lời vì nguồn đang khá thấp”.
Một cỗ máy đào tiền ảo thường yêu cầu 6 đến 12 card đồ họa như vậy. Các cửa hàng này cho rằng giá Bitcoin giảm đến vài chục % so với giá đỉnh điểm 20.000 USD không làm cho khách hàng của họ lo lắng.
“Những người đào coin nhỏ lẻ có thể bị phá sản nhưng các tay chơi lớn không lo ngại. Họ mới là khách hàng của chúng tôi”, Roy Chan, quản lý cửa hàng BNW Technology tại Hong Kong nói.
“Một khi giá Bitcoin tăng lên, chúng tôi sẽ nhận được hàng tá cuộc gọi và email của khách hàng từ khắp nơi trên thế giới” Agawal cho hay.
Theo Zing