Cụ thể, trong công văn Bộ NN-PTNT gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nêu rõ, tất cả 15 doanh nghiệp đã đồng loạt giảm giá bán lợn hơi xuống 70.000 đồng/kg từ 1/4, thậm chí có đơn vị giảm giá bán xuống 65.000-67.000 đồng/kg lợn hơi.

Tuy nhiên, tổng số lượng lợn thịt xuất chuồng của 15 doanh nghiệp chăn nuôi chỉ chiếm 35-40%, còn lại do các trang trại, gia trại và hộ chăn nuôi của các địa phương cung cấp ra thị trường với giá dao động từ 73.000-78.000 đồng/kg lợn hơi. Điều này đã làm ảnh hưởng chung đến giá bán lợn thịt và thịt lợn.

Do đó, để kiểm soát giá bán thịt lợn, bảo đảm hài hòa lợi ích của người chăn nuôi, người phân phối và người tiêu dùng, nhất là trong bối cảnh cả nước tập trung phòng chống đại dịch Covid-19, Bộ NN-PTNT đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh rà soát, kiểm soát giá bán lợn thịt và thịt lợn.

{keywords}
Bộ NN-PTNT yêu cầu các tỉnh kiểm soát chặt giá thịt lợn

Trong đó, đề nghị các trang trại, gia trại và hộ chăn nuôi lợn tại các địa phương cùng với 15 doanh nghiệp đồng loạt giảm giá xuống mức 70.000 đồng/kg lợn hơi; tiến tới giảm xuống 65.000 đồng, rồi 60.000 đồng/kg lợn hơi và thấp hơn theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, cần rà soát các địa phương đã hết bệnh Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) để tổ chức công bố hết dịch theo quy định, tạo điều kiện thuận lợi và mặt bằng đất đai cho người chăn nuôi, doanh nghiệp trên địa bàn tổ chức tái đàn, tăng đàn lợn đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh.

Với những hộ, cơ sở chăn nuôi bị thiệt hại vì dịch tả châu Phi, cần chi trả kinh phí để có nguồn lực tổ chức tái đàn, tăng đàn lợn. Ngoài ra, đề nghị, chỉ đạo các tổ chức tín dụng, ngân hàng tại địa phương có chính sách ưu tiên tín dụng, ưu tiên người chăn nuôi bị thiệt hại do bệnh DTLCP được vay vốn để khôi phục sản xuất, tái đàn, tăng đàn và mở rộng mô hình chăn nuôi.

Bộ NN-PTNT cũng yêu cầu các tỉnh thực hiện thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, ở nhiều cấp độ để tránh tình trạng găm lợn, đẩy giá tăng cao quá mức. Riêng với người tiêu dùng, tuyên truyền tăng cường sử dụng các thực phẩm thay thế như thịt gia súc khác, thịt gia cầm, trứng và thủy hải sản.

C.Giang