Nhiều cộng đồng trên thế giới lựa chọn thịt chân giò để chế biến các món ăn khác nhau. Loại thực phẩm này có những đặc điểm không giống với các phần thịt khác của lợn nên chứa lợi ích và rủi ro với sức khỏe riêng.
Thịt chân giò có nhiều mô liên kết cứng và da dày. Do đó, một số món ăn liên quan cần nấu lâu ở nhiệt độ thấp. Quá trình này giúp phá vỡ các mô và làm cho thịt mềm hơn.
Tuy nhiên, nấu chậm làm mất phần nào lượng collagen có trong chân giò trong khi collagen giúp duy trì làn da khỏe mạnh, giảm đau khớp, tăng cơ bắp.
Thành phần dinh dưỡng
Chân giò chứa nhiều protein và chất béo, ít carbs và chất xơ. Các giá trị dinh dưỡng gần đúng trong 85g chân giò lợn ninh nhừ là: 197 calo, 19g đạm, 14g chất béo.
Các vi chất dinh dưỡng trong thịt chân giò gồm phốt pho, kẽm, vitamin B12, sắt.
Lợi ích sức khỏe tiềm năng
Giúp da khỏe mạnh
Collagen là thành phần chính trong da con người. Đó là lý do làn da khỏe mạnh trông đầy đặn và có độ đàn hồi cao. Cơ thể chúng ta tự sản xuất collagen nhưng một số yếu tố có thể khiến quá trình đó suy giảm. Ví dụ, trong thời kỳ mãn kinh, phụ nữ có thể mất tới 30% khả năng sản xuất collagen.
Theo Webmd, nghiên cứu trên 69 phụ nữ, từ 35 đến 55 tuổi, cho thấy việc hấp thụ collagen thủy phân có thể cải thiện độ đàn hồi của da. Bởi vậy, bạn có thể đưa chân giò - nguồn collagen tự nhiên - vào chế độ ăn uống của mình.
Cải thiện sức mạnh cơ bắp
Collagen có thể giúp tăng khối lượng cơ bắp và sức mạnh. Một nghiên cứu với 72 người tham gia là nam giới đều tham gia vào chế độ tập thể dục giống nhau, nhưng một nửa nhận được collagen bổ sung trong khi nửa còn lại nhận giả dược.
Tất cả những người tham gia đều có sự cải thiện về cơ bắp nhưng những người hấp thụ collagen có khác biệt lớn.
Giảm đau khớp
Trong một nghiên cứu kéo dài 6 tháng, 200 bệnh nhân đau khớp đã dùng collagen thủy phân hoặc giả dược. Kết quả ghi nhận, những người tham gia nhận collagen có nhiều khả năng cải thiện tình trạng đau khớp đáng kể so với những người dùng giả dược.
Rủi ro tiềm ẩn
Chân giò là lựa chọn lành mạnh với lượng protein dồi dào. Tuy nhiên, có một số nghiên cứu đã chỉ ra những nguy cơ tiềm ẩn của loại thịt này.
Chân giò lợn là thịt đỏ có mối liên hệ nhất định với sự xuất hiện của ung thư và các bệnh tim mạch. Giới chuyên môn thường khuyên mọi người nên ăn ít thịt đỏ và ăn nhiều thịt trắng, protein từ thực vật.
Kim loại nặng độc hại
Một nghiên cứu đã phân tích nước dùng xương lợn để hiểu rõ hơn về các kim loại nặng có trong đó. Một số kim loại, chẳng hạn như sắt và kẽm, tốt cho sức khỏe với lượng nhỏ nhưng trở nên độc hại nếu hấp thụ lượng cao hơn. Ngoài ra, phân tích cho thấy xương chân lợn có thể tạo ra các kim loại nặng độc hại như crom và chì.
Nghiên cứu đã chứng minh mức độ của các kim loại này sau khi ninh chân giò lợn, mặc dù tăng cao nhưng không gây nguy hiểm nếu ăn ở mức độ vừa phải.
Hai nhóm người không nên ăn chân giò
Huyết áp cao
Cao huyết áp thường do chất béo bám dính vào thành mạch máu, dẫn đến giảm không gian lưu thông máu, gây áp lực lên thành mạch máu. Hàm lượng chất béo trong chân giò lợn tương đối cao. Ăn loại thịt này trong thời gian dài có thể làm tăng độ nhớt của máu, trong trường hợp nghiêm trọng, gây ra các bệnh về tim mạch.
Mỡ máu cao
Người mỡ máu cao không được ăn chân giò lợn. Cứ 100g chân giò lợn chứa gần 19g chất béo, 23g chất đạm, hàm lượng axit béo no cao. Ăn loại thịt này sẽ làm tăng lipid máu. Những người bị mỡ máu cao nên áp dụng chế độ ăn ít chất béo.
Ngoài ra, nhóm người trên cần tránh một số thức ăn nhiều dầu mỡ và cay. Nên uống nhiều nước, giúp pha loãng máu, ngăn ngừa tích tụ mỡ trong máu. Ăn nhiều thức ăn nhạt, rất tốt cho việc hạ lipid máu.