Tìm mối mua lợn chết, chúng tôi đã tiếp cận với đủ loại “kền kền”. Có thể khẳng định, thịt lợn bẩn vẫn nghiễm nhiên xuất hiện trong bữa ăn của nhiều gia đình.
Không “ăn” lợn chết… một mình!
Như bài báo trước đã nêu, Hải “quạ” là “ông trùm” lợn chết” ở cửa khẩu Chi Ma (Lộc Bình, Lạng Sơn). Hải “quạ” chuyên thu gom lợn chết của các thương lái đưa lợn xuất sang Trung Quốc để tuồn ra ngoài thị trường.
Hải “quạ” đổ hàng cho các đầu mối ở Lạng Sơn và còn vươn “vòi bạch tuộc” về tận Bắc Giang, Hà Nội, Hà Nam.
Trưa ấy, khi đang thao thao chào hàng lợn chết siêu rẻ với chúng tôi tại tổng kho và cũng là lò mổ của mình thì Hải “quạ” có điện thoại.
Nghe xong, ông trùm này bảo: “Lại có người gọi đi lấy hàng. Các chú muốn xem anh làm hàng thì chờ ở đây, anh lên cửa khẩu, chỉ nửa tiếng nữa là về”.
Vừa nói Hải “quạ” vừa nhảy phốc lên chiếc xe tải nhỏ, chiếc xe mà ông trùm này chuyên dùng để đưa lợn chết từ cửa khẩu, cách chừng chục cây số về lò giết mổ.
Nếu không có sự quản lý gắt gao, thịt lợn không an toàn vẫn xuất hiện trong bữa ăn của nhiều gia đình. |
Đúng như lời Hải “quạ" nói, dù trời mưa sầm sập nhưng đúng nửa tiếng thì xe của ông trùm này, hú còi inh ỏi.
Cánh cửa lò mổ được những chiến hữu nhanh chóng mở ra và cũng bằng những động tác rất thuần thục, Hải “quạ” lùi xe vào vừa che kín cổng.
Ba con lợn nằm bất động được Hải “quạ” cùng cộng sự của mình lôi tuột xuống xe. Những con dao bầu sắc lẹm loa lóa vung lên. Chỉ vài phút thì ba con lợn mỗi con nặng hơn tạ đã bị phanh thây, ruột gan phèo phổi được ném ra một góc.
Hải “quạ” bảo mấy con lợn này vừa chết nhưng lòng mề đã trương cứng, bốc mùi khó chịu. Thấy vẻ khó chịu của chúng tôi, Hải “quạ” ra hiệu cho gã trợ thủ mặt lạnh như đít bom gom hết những chỗ bầy hầy ấy vào bao trừ tim, gan, phổi.
“Ném xuống sông hết, còn thứ này để lại. Cánh thích nhậu nội tạng thích lắm đấy!”, chỉ vào mớ tim gan lạnh ngắt Hải “quạ” nói.
“Làm giữa chợ thế này, anh không sợ người ta kiểm tra à?”, tôi vờ hỏi vu vơ.
“Anh làm bao nhiêu năm rồi, ở đây ai chẳng biết. Mình có ăn được một mình đâu em, ai cũng có phần cả đấy!”, Hải “quạ” chia sẻ.
Hai trợ thủ đắc lực của Hải "quạ" phanh mổ lợn chết. |
Hải “quạ” xuất hàng giá đổ đồng là 35 nghìn đồng/kg với thịt đã lọc xương và chấp nhận chuyển về tận Hà Nội. Tưởng giá đó đã là siêu rẻ nhưng khi ngược lại cửa khẩu Chi Ma, chúng tôi còn phát hiện ra một mối khác giá còn giật mình hơn.
Mối này của T., một trùm lợn chết quê ở Quảng Ninh đảm trách.
Tìm hiểu, chúng tôi được biết, T. không những thu mua và phân phối lợn chết ở Lạng Sơn mà cả ở Cao Bằng, rồi cửa khẩu Móng Cái, Bình Liêu (Quảng Ninh) ông trùm này cũng có chân rết hoạt động.
Khi biết tôi đã từng đặt vấn đề mua hàng của Hải “quạ” với giá 35 nghìn đồng/kg, T. bảo, giá đó quá “chát”. Nếu mua của T. giá chỉ có 28 nghìn đồng/kg. T. cho biết, hiện tại anh ta đang đánh hàng đi Hải Phòng.
Những ngày sau đó, có lẽ nghĩ chúng tôi là mối làm ăn tốt nên T. đã rất sốt sắng và liên tục giục chúng tôi lên cửa khẩu để tính chuyện làm ăn.
Chỗ nào có lợn chết ở đó có… “kền kền”
Lang thang ở biên giới, cánh lái xe chuyên vận chuyển lợn cho biết, không chỉ ở khu vực cửa khẩu, tại một số chợ đầu mối hay các trạm trung chuyển, lợn chết cũng được bí mật đẩy ra thị trường.
Tìm hiểu thông tin này, chúng tôi đã tìm đến xã An Nội, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, nơi có chợ lợn được cho là lớn nhất miền Bắc.
Chợ lợn An Nội nằm giữa cánh đồng, xe cộ vào ra nhộn nhịp. Lợn từ nhiều tỉnh thành từ miền Trung, miền Nam được đưa về đây sau đó được xé lẻ bán cho các thương lái các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ.
Chợ An Nội hình thành từ năm 1999 và chỉ đơn thuần giao thương lợn sống. Tuy nhiên, khi tới khu chợ này, theo nhiều người, khu chợ này cũng là một địa chỉ chuyên cung cấp lợn thịt giá bèo.
“Lợn chết trên đường vận chuyển tới đây là chuyện bình thường. Ở đây nhiều người đã mua lại những con lợn chết đó rồi mổ bán”, đó là hé lộ của một chủ quán nước ở ngay trước cổng chợ.
Chợ đầu mối gia súc ở Hà Nam cũng có những con "kền kền" chuyên săn lợn chết. |
Vẫn trong vai người cần mua thịt lợn giá rẻ để phục vụ công nhân, chúng tôi dễ dàng bắt được mối hàng tại chợ đầu mối này. Nhân vật mà chúng tôi tiếp xúc là thanh niên tên là L., người được giới thiệu là làm đồ tể tại chợ.
Trò chuyện, L. bảo, anh ta vẫn cung cấp thịt lợn giá bèo cho nhiều đầu mối ở Hà Nam, Nam Định. Trong số những mối nhập hàng đó có những người có nhu cầu như chúng tôi, tức là mua thịt lợn siêu rẻ về phục vụ bữa ăn cho công nhân trong khu công nghiệp.
Khi nghe chúng tôi nói có thể lấy mỗi ngày vài tạ thịt, L. tỏ ra vô cùng mừng rỡ. Thanh niên này bảo, anh ta thừa sức đáp ứng được yêu cầu đó.
Thịt lợn đã lọc bỏ xương L. chào bán với giá 50 nghìn đồng/kg.
“Giá đó là mềm lắm rồi, anh mua nhiều em mới bán giá đó đấy! Anh hỏi tất cả mọi người ở đây mà xem, em bỏ mối cho mọi người giá cao hơn cơ. Chuyển ra khỏi đây vài bước chân là lãi cả chục nghìn một cân ngay”, L. khẳng định.
Theo lời L. thì hàng của anh ta có nhiều loại, tiền nào của nấy. “Lợn mới chết đưa ra chợ thì có tinh mấy anh cũng chẳng nhận ra được đâu”, L. chia sẻ.
Trò chuyện, L. hé lộ, nhiều người cần thịt lợn để làm ruốc hay làm đồ ăn công nghiệp cũng tìm đến chợ này để lấy hàng. Tới đây, họ chỉ chọn loại thịt rẻ nhất.
“Nhiều khi gặp con lợn bụng đã trương cứng nhưng người ta vẫn còn mua cơ mà”, L. cho biết.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, ở chợ đầu mối này, ngoài L. còn có nhiều mối khác sẵn sàng cung cấp thịt lợn giá rẻ.
“Mỗi ngày có đến vài chục xe tải chở lợn về đây, lợn chết vô khối ấy chứ. Có cầu thì ắt có cung thôi”, một đồ tể đến chợ để mua lợn về giết thịt cho biết.
Cũng theo đồ tể này thì ở đây, cách duy nhất để nhận biết thịt lợn ngon hay không là nhờ… nhìn lông.
“Lợn ngon thì người ta thường làm sạch lông trước khi mổ, còn lợn chết thì người ta để nguyên lông.
Ở chợ người ta đâu có cho đun nước sôi mà làm thịt như ở nhà đâu. Mà lợn chết thì kiểu gì cũng phải mổ ngay, càng để lâu thì thịt càng xấu mà”, đồ tể này giảng giải.
"Sống chết" với “nghề”
Cạnh chợ lợn lớn nhất miền Bắc vài cây số là xã Ngọc Lũ, cũng thuộc huyện Bình Lục (Hà Nam) nơi phần đa hộ dân làm giàu bằng nghề nuôi lợn. Xã này có nhiều trại lợn tập trung, có trại nuôi tới 300-400 con lợn thịt.
Thời gian trước, báo chí đã điều tra và phanh phui những đường dây chuyên thu gom lợn ốm, lợn chết ở xã này và địa bàn lân cận để bán ra bên ngoài. Hai nhân vật chuyên thu mua lợn ốm, lợn chết đó là C. và D., người trong xã.
Về Ngọc Lũ, vờ tìm mối mua thịt lợn giá rẻ, nhiều hộ chăn nuôi trong xã vẫn chỉ để chúng tôi tìm đến hai nhân vật này. Điều đó có nghĩa là sau khi bị báo chí phanh phui, C. và D. vẫn tiếp tục... sống chết với “nghề”.
Trao đổi chuyện “làm ăn” với chúng tôi qua điện thoại, D. bảo, đợt này cơ quan chức năng làm gắt nên việc làm ăn của anh ta cũng bị ảnh hưởng ít nhiều.
D. không dám đánh hàng “lợn bẩn” đi các tỉnh xa, tuy nhiên, nếu về xã lấy hàng thì bao nhiêu D. cũng gom đủ.
“Hàng thì nhiều lắm, mua bao nhiêu cũng có, cần thì cứ về đây anh em mình trao đổi cụ thể”, D. nói qua điện thoại.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Nam Hùng, Chi cục trưởng Chi cục thú y tỉnh Lạng Sơn cho biết, chỉ tính từ đầu năm đến hết tháng 3/2016, chi cục đã làm công tác kiểm dịch cho khoảng 1400 xe tải chở lợn xuất qua biên giới. Về chuyện lợn chết được những người hám lợi cố tình tuồn ra thị trường, ông Hùng thừa nhận là có hiện tượng này. Tuy nhiên, hiện việc phát hiện, xử lý gặp nhiều khó khăn bởi phải phối hợp với nhiều ngành chức năng. Cũng bởi khó khăn trên mà từ đầu năm tới nay, chi cục và các ngành chức năng tỉnh Lạng Sơn mới chỉ xử lý 3 vụ việc liên quan đến chuyện “lợn quay đầu”. “Bất kể lợn chết vì lý do gì thì cũng không được phát tán ra ngoài mà phải đem đi tiêu hủy. Sử dụng loại thịt lợn này là vô cùng nguy hiểm”, ông Hùng khẳng định. |
Theo Trí thức trẻ