Sapo   Liệt sỹ.jpg

lời tòa soạn

Trên "tuyến lửa" chống tội phạm ma tuý, nhiều cán bộ, chiến sỹ đã mãi mãi nằm lại. Có những người hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, với bao hoài bão, nhiệt huyết... Cái giá của bình yên hôm nay được các anh vun đắp bằng mồ hôi, nước mắt và cả máu.

VietNamNet khởi đăng tuyến bài “Những chiến sỹ hy sinh trong trận chiến chống tội phạm ma tuý” như một nén tâm nhang tưởng nhớ những người ngã xuống giữa thời bình. Chúng tôi kể lại hành trình ấy bằng tất cả sự trân trọng và biết ơn.

Bài 1:Thiếu tá công an hy sinh khi đối mặt tội phạm và những cuộc đấu súng ở sào huyệt ma túy

 

Tit1   Liệt sỹ.jpg

Hai mươi ba năm trước, tiếng súng trong cuộc chiến với tội phạm ma túy đã vang lên tại đây và người chiến sĩ trẻ mãi mãi nằm lại. Giờ đây, cũng chính tại nơi ấy, một khu tưởng niệm đang dần thành hình, như nốt lặng tri ân giữa bản hùng ca về lòng quả cảm, về sự hy sinh của Trung úy Phạm Văn Cường.

Chan dung Pham Van Cuong.jpg
Liệt sỹ  Phạm Văn Cường. Ảnh tư liệu

Anh Cường, chàng trai đất Cảng sinh năm 1976, mang theo khát vọng tuổi 23 và tấm bằng Học viện Cảnh sát nhân dân, đã chọn Điện Biên – mảnh đất địa đầu Tổ quốc, điểm nóng về ma túy – làm nơi cống hiến.

Anh lao vào công việc với tất cả nhiệt huyết, trí tuệ và lòng dũng cảm của tuổi trẻ. Sự nhanh nhẹn, sắc sảo giúp anh nhanh chóng trở thành một trinh sát giỏi, góp mặt trong nhiều chuyên án gai góc.

Một trong những thử thách lớn của anh là chuyên án MC 92001. Đó không đơn thuần là một vụ án, mà là cuộc đối đầu với một mạng lưới tội phạm ma túy xuyên quốc gia tinh vi, tàn độc. 

Chúng sẵn sàng dùng vũ khí nóng chống trả và thủ tiêu bất cứ ai cản đường. 

Thieu tuong Sung A Hong.jpg
Thiếu tướng Sùng A Hồng, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên

Thiếu tướng Sùng A Hồng, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên, Trưởng ban chuyên án ngày ấy, vẫn nhớ như in: "Chúng tôi xác định đây là một tổ chức cực kỳ nguy hiểm. Mọi bước đi phải tính toán cẩn trọng. Cường khi đó còn rất trẻ, thể hiện sự mưu trí, dũng cảm, được tin tưởng giao nhiều nhiệm vụ quan trọng".

Giữa muôn vàn khó khăn, một tia sáng lóe lên từ sự quan sát tinh tế của người trinh sát trẻ. Anh phát hiện một cậu bé 16 tuổi, thường đóng giả người chăn trâu để cảnh giới cho đường dây.

Điểm đặc biệt là căn bệnh về tuyến nước bọt khiến cậu bé phải nhai kẹo liên tục. Nắm bắt chi tiết nhỏ bé ấy, anh Cường đề xuất một kế hoạch táo bạo: đóng giả làm cháu một người buôn trâu bò để tiếp cận. Những viên kẹo trao tay, những lời hỏi han giản dị đã dần mở ra cánh cửa để anh thâm nhập sâu hơn vào hang ổ tội phạm.

Hành trình phá án là những tháng ngày cân não, đối mặt với hiểm nguy cận kề. Có những lúc, anh phải chứng kiến những cuộc ăn chơi trác táng, những chuyến hàng trắng khổng lồ tuồn vào nội địa mà chưa thể hành động. Nỗi đau đáu ấy càng nung nấu quyết tâm của người cảnh sát, phải chặt đứt bằng được đường dây tội ác này.

Le truy dieu liet sy Cuong.jpg
Lễ truy điệu liệt sỹ, Trung úy Phạm Văn Cường. Ảnh CAND

Nhưng rồi, cuộc chiến khốc liệt chờ anh ở Km17. Ngày 6 tháng 10 năm 2001, trong một trận vây bắt quyết liệt, tiếng súng oan nghiệt đã vang lên. Cuộc đời người chiến sĩ trẻ dừng lại mãi mãi ở tuổi 25. 

Sự hy sinh của Trung úy Phạm Văn Cường là nỗi đau khôn nguôi cho gia đình, đồng đội. Nhưng nó không làm chùn bước những người ở lại. 

Đại tá Lù Minh Phương, Phó Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên, nghẹn ngào: "Tấm gương của đồng chí Cường đã tô thắm thêm truyền thống anh hùng của lực lượng công an nhân dân, là biểu tượng cho lòng trung thành và tinh thần ‘vì nước quên thân, vì dân phục vụ’".

Tiếp nối sự hy sinh của anh, Ban chuyên án đã dốc toàn lực, triệt phá hoàn toàn đường dây tội phạm, bắt giữ 31 đối tượng (trong đó, có 9 án tử hình), thu giữ lượng lớn ma túy và vũ khí.

Ke chu muu sat hai Pham Van Cuong.jpg
Kẻ chủ mưu sát hại chiến sỹ Phạm Văn Cường bị bắt. Ảnh: CAND
Tit2 Liệt sỹ.jpg

Hơn hai thập kỷ trôi qua, vết thương năm nào vẫn nhói trong tim người ở lại. Chính tại nơi anh nằm lại, một Khu tưởng niệm khang trang, ấm áp đang được xây dựng bằng tình cảm, bằng sự đóng góp của những người đồng đội Công an tỉnh Điện Biên và những tấm lòng tri ân trên cả nước. 

Ngày 19/4 vừa qua, tại Km17, Công an tỉnh Điện Biên đã tổ chức lễ khởi công xây dựng Khu tưởng niệm liệt sỹ Phạm Văn Cường. Công trình là biểu tượng tưởng nhớ và tôn vinh người chiến sĩ trẻ đã ngã xuống vì cuộc sống bình yên của nhân dân.

Le khoi cong khu tuong niem.jpg
 Lễ khởi công xây dựng Khu tưởng niệm liệt sỹ Phạm Văn Cường

Công trình rộng hơn 1.100m² còn là một địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cho các thế hệ sau. Dự kiến, khu tưởng niệm sẽ hoàn thành đúng dịp sinh nhật lần thứ 49 của anh, ngày 19/8/2025.

Trong lễ khởi công, ông Phạm Văn Bằng, người cha già với mái tóc bạc phơ, không giấu được niềm xúc động xen lẫn tự hào: "Con trai tôi ra đi là mất mát quá lớn. Nhưng hơn hai mươi năm qua, sự quan tâm, tri ân của các Công an Điện Biên đã giúp chúng tôi vượt qua nỗi đau".

Bo liet sy Pham Van Cuong.jpg
Cha của liệt sỹ Phạm Văn Cường, ông Phạm Văn Bằng

Câu chuyện về Trung úy Phạm Văn Cường sẽ được viết tiếp. Anh và những người đồng đội đã ngã xuống vẫn sống mãi trong lòng nhân dân, trong màu xanh bình yên của Tổ quốc...

Phần 3 của tuyến bài sẽ kể về cuộc đấu súng khốc liệt với trùm ma túy và hành trình con trai thay cha giữ bình yên ở "thánh địa" ma túy; mời độc giả đón đọc Thượng tá cảnh sát viết tiếp sứ mệnh chống ma túy của người cha liệt sỹ, đăng tải vào ngày mai, 26/4, trên ban Thời sự, báo VietNamNet.

Bài viết: Duy Linh - Thiết kế: Minh Hòa