Các chuyên gia và đại diện các cơ quan quản lý cho rằng, cơ hội phát triển xe điện ở Việt Nam đang rất rộng mở, cùng với đó là nhiều chính sách thông thoáng từ Chính phủ. Tuy vậy, các tiêu chuẩn, quy chuẩn về xe điện cần sớm được hoàn thiện để bắt kịp với sự phát triển của loại hình phương tiện này.
Còn nhiều khoảng trống về quy chuẩn, tiêu chuẩn
Trong khuôn khổ Hội thảo "Phát triển phương tiện giao thông đường bộ sử dụng điện hướng tới chuyển đổi năng lượng xanh” được Bộ GTVT tổ chức mới đây, các chuyên gia trong và ngoài nước đã đưa ra những nghiên cứu, nhận định và giải pháp để phát triển xe điện và xe sử dụng năng lượng sạch từ nay đến giai đoạn 2040-2050 theo lộ trình của Chính phủ.
Một vấn đề mà cả doanh nghiệp và đại diện các cơ quan quản lý nhà nước cùng quan tâm, đó chính là hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn của Việt Nam liên quan đến xe điện. Theo đó, những quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện nay về xe điện nói chung và ô tô điện nói riêng còn tồn tại khá nhiều khoảng trống khiến các doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý nhà nước lúng túng.
Ông Vũ Thắng – Giám đốc Trung tâm phát triển trạm sạc VinFast chia sẻ, trong quá trình xây dựng trạm sạc đơn vị này gặp rất nhiều khó khăn liên quan đến quy chuẩn, tiêu chuẩn cho xe điện.
"Bộ KH&CN đã có quy chuẩn, tiêu chuẩn về trụ sạc nhưng chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn về việc xây dựng trạm sạc, hệ thống, thiết bị bảo vệ trạm sạc. Trong quá trình xây dựng, chúng tôi phải áp dụng tiêu chuẩn tương đương của quốc tế.", ông Thắng nói.
Theo đại diện VinFast, còn một số khó khăn khác như về vấn đề pháp lý, việc hướng dẫn lắp đặt trạm sạc ở mỗi địa phương cụ thể có hướng dẫn lắp đặt khác nhau, nguồn điện cũng như mức độ cung cấp điện không đồng đều,... cũng ảnh hưởng đến việc phủ rộng các trạm sạc của VinFast.
Đại diện cho cơ quan quản lý nhà nước về kỹ thuật phương tiện, ông Phạm Minh Thành - Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho rằng, xe điện tương tự như các dòng xe khác (xe xăng, diezel, CNG…) khi vận hành cũng phải đảm bảo các điều kiện về an toàn kỹ thuật phương tiện và tuân thủ các quy định của Luật Giao thông đường bộ. Bản chất của hai dòng xe này khác nhau về nguồn năng lượng.
"Trong quá trình phát triển, khi hình thành dòng xe mới, phân loại mới thì sẽ có những dòng xe tự lái, khi đó xe sẽ rất khác như không còn vô lăng nữa. Đây là vấn đề rất đau đầu, sau này sẽ quản lý thế nào", lãnh đạo Cục Đăng kiểm đặt vấn đề.
Điều 3 Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật năm 2006 quy định: -Tiêu chuẩn là quy định về đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý dùng làm chuẩn để phân loại, đánh giá sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường và các đối tượng khác trong hoạt động kinh tế - xã hội nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của các đối tượng này. - Quy chuẩn là quy định về mức giới hạn của đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý mà sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường và các đối tượng khác trong hoạt động kinh tế - xã hội phải tuân thủ để bảo đảm an toàn, vệ sinh, sức khỏe con người; bảo vệ động vật, thực vật, môi trường; bảo vệ lợi ích và an ninh quốc gia, quyền lợi của người tiêu dùng và các yêu cầu thiết yếu khác. |
Cần sự vào cuộc của nhiều bộ ngành
Liên quan đến quy chuẩn về xe điện, ông Phạm Minh Thành cho biết, Bộ GTVT ban hành đã ban hành Quy chuẩn 09:2015/BGTVT, cơ bản đáp ứng được các quy định liên quan đến việc kiểm soát an toàn kỹ thuật về môi trường với xe ô tô điện. Tuy nhiên, quá trình phát triển đối với xe điện quá nhanh, trong đó một số tiêu chuẩn, quy chuẩn và chính sách liên quan chưa theo kịp và cần phải điều chỉnh.
"Theo lộ trình, chúng tôi sẽ đề xuất sửa đổi Quy chuẩn 09 theo hướng bổ sung thêm các quy định về các công nghệ, định hướng phân loại phương tiện, công nghệ hỗ trợ tính năng lái tự động, phân loại phương tiện theo cấp độ tự động lái,...", lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam thông tin.
Theo thống kê của Tổng cục Tiêu chuẩn chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ), tổng số Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) đang áp dụng cho các phương tiện cơ giới đường bộ là 260, trong đó ô tô có 140 tiêu chuẩn, mô tô xe máy có 102 tiêu chuẩn và xe đạp 18 tiêu chuẩn. Trong các TCVN trên thì mới chỉ có 39 tiêu chuẩn áp dụng cho xe điện bao gồm cả ô tô, mô tô, xe máy và xe đạp điện.
Còn với hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN), hiện có 21 quy chuẩn áp dụng cho xe điện. Trong đó có 16 quy chuẩn dùng chung cho tất cả các phương tiện ô tô, mô tô và xe gắn máy điện và động cơ đốt trong và 05 QCVN dành riêng cho ô tô điện.
Có thể chỉ ra, trong hệ thống TCVN liên quan đến xe điện có nhiều yêu cầu chưa được đề cập đến như: yêu cầu kỹ thuật và an toàn điện đối với hệ thống sạc nhanh; trạm đổi pin; yêu cầu về an toàn khi vận chuyển, thay thế pin/ắc quy xe điện; tái chế đối với ắc-quy, pin sau một thời gian sử dụng; yêu cầu kỹ thuật và yêu cầu an toàn đối với xe buýt điện; thuật ngữ về phân loại mức độ của xe tự lái; yêu cầu kỹ thuật và an toàn đối với xe tự lái;…
Giới chuyên gia cho rằng, các TCVN, QCVN hiện nay cũng chưa thực sự bao quát được hết các vấn đề về chất lượng, an toàn phương tiện cho người sử dụng các loại xe điện nói chung và ô tô điện nói riêng. Trong khi đó, quy mô thị trường xe điện trên thế giới ngày càng cao, trong đó Việt Nam không đứng ngoài xu thế tất yếu này.
Hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về xe điện không chỉ là là công cụ hỗ trợ trong công tác quản lý nhà nước mà còn góp phần định hướng cho các nhà sản xuất, lắp ráp và ngành công nghiệp hỗ trợ; góp phần bảo vệ người tiêu dùng đối với các sản phẩm xe điện hoá.
Thế nên, muốn phát triển ô tô điện nhằm thay thế hoàn toàn xe sử dụng động cơ đốt trong theo lộ trình của Chính phủ, ngoài những chính sách ưu tiên, hỗ trợ ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp xe điện thì một nội dung cấp thiết cần quan tâm đó là sớm nghiên cứu, bổ khuyết những điểm còn thiếu về tiêu chuẩn, quy chuẩn trước một bước.
Điều này cần sự vào cuộc rốt ráo của nhiều bộ ngành, trong đó cần tham khảo ý kiến của cả doanh nghiệp cùng các chuyên gia.
Ngày 22/7/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 876/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải (Chương trình hành động chuyển đổi năng lượng xanh). Lộ trình có mục tiêu như sau: - Đến năm 2040, sẽ từng bước hạn chế và tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu xe ô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch để sử dụng trong nước. - Đến năm 2050, 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ chuyển sang sử dụng điện, năng lượng xanh. Đồng thời, hoàn thiện hạ tầng sạc điện để cung cấp năng lượng xanh trên toàn quốc. |
Hoàng Hiệp
Bạn có góc nhìn nào về vấn đề trên? Hãy chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: [email protected]. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!