Đầu tháng 7, chúng ta đã bắt gặp cảnh đông đảo trẻ em hối hả cắp cặp tới trường. Thậm chí có em chỉ được nghỉ 15 ngày hè rồi tiếp tục miệt mài với sách vở. Xem ra mùa hè của trẻ ngày càng ngắn lại, thậm chí biến thành “học kỳ thứ 3”.
Mùa hè trẻ vẫn miệt mài sách bút
Chị Hoàng Thu Huyền, nhà ở phường 17, Gò Vấp sốt ruột khi thấy cậu con sắp lên lớp 6 cứ suốt ngày dán mắt vào game vi tính. Vì thế, ngay đầu tháng 7 khi trường nhận học sinh học hè, chị liền đưa con đến trường ngay. “Nghỉ hè trẻ chẳng biết làm gì, đi học vẫn tốt hơn cả”. chị Huyền kể như trút được một gánh nặng.
Chị Thanh Nga (Q3, TP.HCM) còn cho con học trường quốc tế Á Châu từ giữa tháng 6, bên cạnh đó còn đăng ký cho con học đàn, học vẽ và học luyện chữ tại nhà. “Nói chung mùa hè con tôi vẫn học tập bình thường,” chị Nga cho biết.
Cảnh mùa hè trẻ cắp cặp đến trường dường như đã trở thành quen thuộc. Điều đó khiến không ít người lớn giật mình: sao tuổi thơ của trẻ giờ khác quá! Trẻ vô hình chung đang bị mất quyền được vui chơi.
Thạc sĩ Tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (Khoa Tâm lý Giáo dục, ĐH Sư phạm Tp.HCM) nhận xét: “Người lớn dạy trẻ học ra học, chơi ra chơi nhưng người lớn đang tước đi quyền được chơi của trẻ. Sau 9 tháng ở trường học, các em phải có thời gian nghỉ để sạc pin, lấy lại sức khoẻ và tinh thần để tiếp tục học tốt.
Hơn nữa có rất nhiều điều nhà trường không dạy và trẻ có thể học được từ các lớp kỹ năng như khả năng giao tiếp, tinh thần đồng đội (khi chơi trò chơi), thắt chặt tình cảm với người thân (khi về thăm ông bà ở quê). Tôi quan niệm trẻ có quyền được chơi và phải tôn trọng quyền đó của trẻ”.
Trẻ biết chơi đâu trong hè?
Nhiều phụ huynh hiểu vui chơi là cần thiết cho sự phát triển thể chất và trí tuệ, tâm hồn của trẻ. Nhưng, chơi ở đâu? Rất nhiều phụ huynh giãi bày rằng học cho con đi học vì không biết cho trẻ chơi ở đâu. Các điểm vui chơi ở nước ta thiếu trầm trọng, từ thành thị cho tới nông thôn.
TP.HCM có 1,7 triệu trẻ em nhưng chỉ có gần 20 sân chơi có quy mô, trong đó đa số là sân chơi đóng phí. Các sân chơi công cộng quanh quẩn với cầu tuột, thú nhún, đu quay.. cũng rất xập xệ, mất vệ sinh và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Có những sân chơi trong khu phố bị lấn chiếm làm nơi giữ xe, kinh doanh hàng quán với bếp lò, bát chén…
Các nhà thiếu nhi với cơ sở vật chất đa số nghèo nàn, xuống cấp và đều quá tải. Trung bình mỗi mùa hè, hệ thống các nhà thiếu nhi tại 24 quận, huyện ở TP.HCM đón tiếp hàng trăm ngàn lượt thiếu nhi. Nhà thiếu nhi TP. HCM là cái nôi sinh hoạt thanh thiếu nhi TP mỗi độ hè về mỗi tuần phải “gánh” đến gần 10.000 thiếu niên.
Chị Bạch Yến, phụ trách lớp vẽ của Nhà thiếu nhi TP than thở: “Chúng tôi gồng mình dạy cả chục tiết mỗi ngày nhưng cũng không xuể bởi phòng ốc thì chật chội, không thể cáng đáng thêm nhu cầu đăng ký học hè.”
Các nhà thiếu nhi mùa hè được “tận dụng” hết công suất. Ảnh: Kiều Oanh |
Hàng loạt trại hè của các đơn vị lập nên như “Sao Bắc Đẩu”, trại hè “Tung cánh đại bàng”, “Teen năng độ[email protected]”, các CLB “Tung cánh đại bàng con”, “Trại hè thử thách 2013”, “Trại hè về nguồi đồng khởi Bến Tre”,“Học kỳ quân đội 2013”,, "Trại hè Thanh Đa 2013”, “Trại hè nông thôn”, “Trại hè hướng nghiệp”… Song đây chỉ là những hoạt động hè, không phải sân chơi cho trẻ thơ với những thiết bị vui chơi miễn phí, thoải mái.
Những khu vui chơi sập xệ đầy nguy hiểm như thế này ai dám cho con chơi? Ảnh: Tường Huy |
Nhiều ý kiến cho rằng nhà nước cần quan tâm hơn nữa tới việc mở sân chơi cho trẻ, bởi với các em chơi chính là một hình thức phát triển toàn diện. Bên cạnh xây mới là đầu tư nâng cấp những trung tâm vui chơi giải trí có sẵn đang xuống cấp trầm trọng như hiện nay. Bên cạnh đó, việc xây dựng sân chơi cần phải đổi mới triệt để.
PGS-TS Nguyễn Minh Hòa-Trưởng bộ môn Đô thị học-Trường đại học KHXH và NV TP.HCM thì có ý kiến: “Trong quy hoạch đô thị, dường như chúng ta đã quên hẳn những sân chơi, khoảng trời nho nhỏ cho tuổi thơ tại các cụm dân cư. Tôi thấy, một số TT thương mại, siêu thị có mở những sân chơi nhỏ cho thiếu nhi, đó vừa là sự thu hút phụ huynh đến mua sắm tại TT của mình, vừa giải quyết nhu cầu… chơi của các em nhỏ. Và nhà nước cũng cần tạo nhiều điều kiện hơn nữa để các doanh nghiệp, tổ chức xã hội cùng chung tay nhảy vào lĩnh vực này. Đây là giải pháp khả dĩ nhất để thiếu nhi có sân chơi trong khu dân cư gần nhà mình.”
Việc xây dựng những sân chơi thú vị, an toàn cho trẻ đang cần sự nỗ lực rất lớn từ phía chính quyền và rất cần sự giúp sức của các tổ chức xã hội.
Nguyên Quốc