- Để xảy ra thiếu sách giáo khoa là một nghịch lý mà nhà xuất bản phải chịu trách nhiệm đầu tiên, GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nhìn nhận.
Chia sẻ với chương trình Góc nhìn thẳng, GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam đã nêu ra nhiều nghịch lý khó chấp nhận trong việc biên soạn, in ấn, phát hành sách giáo khoa hiện nay.
XEM VIDEO CHƯƠNG TRÌNH TẠI LINK SAU:
Việt Nam in sách giáo khoa quá phung phí
Làm sách giáo khoa là rất lãi nhưng lại để thiếu, cách in ấn xuất bản quá phung phí, Bộ trưởng cần thấy hết các lỗ hổng này.
Nhà báo Phạm Huyền: Thưa giáo sư, ông nhận định thế nào trước hiện tượng sách giáo khoa (SGK) bỗng dưng khan hiếm khi năm học mới đã cận kề?
GS.TS Phạm Tất Dong: Tôi cũng ngạc nhiên vì tôi cũng là một người rất hiểu ngành giáo dục.
Từ lâu tôi được biết là nhà nước mình không bao giờ coi nhẹ đầu tư giấy cho ngành giáo dục. Có những năm, tôi thấy công bố rằng 60-70% giấy dành cho SGK. Như vậy chứng tỏ rằng, Nhà nước mình hết sức quan tâm đến SGK, coi đó là phương tiện học tập cơ bản nhất đối với học sinh. Nếu như học sinh không có SGK thì không thể học được. Điều đó cũng giống như người công nhân không có công cụ làm việc.
Thế nhưng tôi được phản ánh, mấy hôm nay phụ huynh không chỉ khó mua, mà còn có tình trạng các nhà sách tăng giá và người ta vẫn buộc phải mua.
Hiện tượng ấy là không được, bởi vì khi xuất bản SGK năm 2018-2019, người ta nói rằng SGK năm nay vẫn giữ nguyên giá như cũ. Tôi tin đây là những thông tin người dân cần phải biết.
Nhà báo Phạm Huyền: Lý giải về vấn đề này, các bên dường như đang đổ lỗi cho nhau. Nhà xuất bản cho rằng nguyên nhân là do phía nhà sách, công ty sách đăng ký kế hoạch thấp, các công ty sách thì cho hay, do Nhà xuất bản không có đủ sách cho họ mua, giờ muốn mua thêm cũng không có. Vậy GS đánh giá sao về câu chuyện như vậy?
Thiếu sách giáo khoa: Nhà xuất bản phải chịu trách nhiệm |
GS.TS Phạm Tất Dong: Nếu như chúng ta không dự kiến được hết cầu mà in không đủ thì trách nhiệm này một phần thuộc về nhà xuất bản. Nhưng tôi sợ rằng đối với các nhà sách, họ cũng không làm hết trách nhiệm của mình, phân phối không hết và không có một kế hoạch khoa học cụ thể để bảo đảm mỗi một học sinh có một bộ sách.
Quả thực, SGK thiếu thì việc nối bản cũng không phải là khó lắm, miễn anh có một cơ chế nối bản để từng địa phương đáp ứng được nhu cầu cho các em.
Nhà báo Phạm Huyền: Vậy GS có nghĩ rằng nguyên nhân chính của tình trạng khan hiếm sách như hiện nay là do cơ chế độc quyền SGK hay không?
GS.TS Phạm Tất Dong: Rất nhiều người nói là có hiện tượng độc quyền SGK. Tuy nhiên, giải quyết hiện tượng độc quyền này như thế nào thì Bộ GD&ĐT và Chính phủ phải có những nghiên cứu để khắc phục những yếu kém do độc quyền gây ra.
Nay mai, Nhà nước chủ trương "một chương trình nhiều bộ SGK", tôi cho rằng, việc đó còn rối rắm hơn nhiều chứ không đơn giản thế này, nên cần nghiên cứu.
Dù vậy, đối với vấn đề độc quyền SGK, nếu chúng ta có một sự đặt hàng chặt chẽ, đầy đủ thì độc quyền không thể gây ra những hiện tượng như bây giờ. Là Nhà nước, tôi yêu cầu anh, anh phải đáp ứng đầy đủ. Đó là chuyện của nhà xuất bản phải làm.
Nói gì thì nói, khi học sinh không đủ SGK thì rõ ràng chúng ta ứng xử với học sinh không đạt yêu cầu.
Nhà báo Phạm Huyền: Con số về nhu cầu SGK không khó khăn để tính. Số các em vào học năm đầu cấp, ngành giáo dục có thể tính toán được. Rất nhiều ý kiến đang cho rằng Bộ GD&ĐT không thể vô can trong vấn đề này được?
GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam chia sẻ về vấn đề khan hiếm sách giáo khoa đầu năm học |
GS.TS Phạm Tất Dong: Thực ra mà nói, tôi biết rằng thường thường nếu như sĩ số là 100 học sinh thì bao giờ người ta cũng phải in từ 105-110 bộ SGK. Không bao giờ người ta in đúng số lượng tuyệt đối sĩ số đó. Đó là điều thứ nhất.
Thứ hai, không bao giờ người ta sợ thừa. Có thể giữa chừng sách hỏng, mất thì người ta vẫn phải có SGK để đáp ứng.
Thứ ba, không thể sợ lỗ vốn trong chuyện này được. Bởi anh in sách đã rất lãi rồi cho nên nếu năm ấy thừa ra 500 – 700 bộ sách cũng không thể ảnh hưởng đến lãi.
Cho nên tôi nghĩ vấn đề ở đây phải xem xét đến hệ thống in và phát hành. Bây giờ hệ thống đã có những công ty in lớn, nơi phát hành lớn. Hai anh này cơ chế làm ăn như thế nào và Bộ GD&ĐT cùng những nơi liên quan đến vấn đề xuất bản phải rà soát lại toàn bộ việc này thì may ra mới khắc phục được.
Bộ cũng phải xem xét tại sao những sách khác ở hệ thống giáo dục đại học không đến nỗi như thế mà đến phổ thông thì lại như vậy.
Suy cho cùng, cũng nhiều điều vô lý! SGK không thể lỗ vốn được. Chỉ có điều bây giờ sử dụng SGK như thế nào.
Nhà báo Phạm Huyền: Không chỉ là tình trạng khan hiếm SGK mà ngay cả phụ huynh muốn sử dụng lại SGK cũ cũng không thể được bởi vì những đặc trưng như nội dung thay đổi, năm nào cũng in lại. Sự lãng phí này tại sao vẫn cứ kéo dài trong thời gian qua trong khi đó, rất nhiều ý kiến đã kiến nghị về vấn đề này rồi nhưng không có sự thay đổi nào?
GS.TS Phạm Tất Dong: Cái lãng phí này có nguyên nhân cơ bản nhất là do cách chỉ đạo sử dụng SGK và chương trình của mình nhiều khi không ổn định. Cho nên, SGK không dùng cho sang năm được.
Thứ hai do cách tiêu xài của chúng ta. Mình đang ở đất nước còn đang nghèo nhưng việc tiêu xài còn quá phung phí. Tôi lấy ví dụ, SGK cần gì có những bài tập in ấn thành sách với lý do học sinh đỡ phải chép? Tôi nghĩ điều đó không cần thiết. Học sinh chỉ cần một quyển vở trắng là đủ. SGK ghi vào thì sang năm vứt đi rồi.
Tôi cũng đã từng đi châu Âu và một số nước châu Á, tôi thấy họ không làm theo kiểu này. Tức là, học sinh kết thúc năm học, các cháu xếp sắp lại từng bộ sách và mang ra ngoài thị trường để bán, để lại cho những bạn nào cần SGK.
Các em được giáo dục rằng phải giữ sách vở cho ngay thẳng, nề nếp và không được làm bẩn. Sách của lớp trước dùng cho lớp sau là quá tốt, rất tiết kiệm. Nếu chúng ta làm được như vậy thì một mặt ta in dôi bản ra, một mặt ta có nguồn SGK vẫn dùng được ở năm trước thì sao mà thiếu được.
Cho nên tôi cho rằng, mình lãng phí quá. Thế nhưng tốn kém không chỉ là tốn giấy mà trước hết đánh vào túi tiền của phụ huynh.
Nhà báo Phạm Huyền: Rõ ràng những điều GS vừa phân tích là một nghịch lý ai cũng có thể nhận thấy được. Thế nhưng tại sao có vẻ như những người làm ở Bộ và những người làm xuất bản SGK lại có vẻ không nhìn thấy được? Hay do họ cố tình không hiểu?
GS.TS Phạm Tất Dong: Cái này truy động cơ tôi không nói được, nhưng rõ ràng họ không hiểu được người nghèo và họ cũng không hiểu được việc sản xuất khó khăn như thế nào để có được một tờ giấy.
Nếu họ hiểu được điều này, họ phải hết sức tiết kiệm mà tính toán kỹ. Chương trình SGK phải ổn định. Trước khi đưa ra chương trình, phải có kiểm định rõ ràng chứ không thể dạy một thời gian rồi nói rằng thiếu cái này, thiếu cái khác, rồi lại in lại. Đó là điều quá phung phí.
Vì thế, tôi cho rằng người soạn chương trình và người duyệt chương trình phải hết sức có trách nhiệm,
Hội Khuyến học có một chị đang kêu gọi làm tủ sách cho các em vùng cao, nhưng nhiều người nói là em muốn gửi cho chị rất nhiều nhưng con em ghi vào đấy mất rồi, không gửi được. Cuối cùng, SGK chỉ đưa ra cho bà đồng nát.
Nhà báo Phạm Huyền: Vậy về tổng thể, Bộ GD&ĐT phải làm gì giải quyết ngay vấn đề hiện nay?
GS.TS Phạm Tất Dong: Các cục, vụ chức năng cần báo cáo kỹ cho Bộ trưởng Bộ GD&ĐT biết tình trạng này như thế nào để Bộ trưởng có cách nhìn nhận, giải quyết đồng bộ, từ những đơn vị phụ trách nội dung học cho đến đơn vị phụ trách cơ sở vật chất kỹ thuật, đến các cơ quan quản lý phát hành.
Nếu không có thông tin thật chính xác với Bộ trưởng thì Bộ trưởng rất khó để giải quyết việc này. Mà chuyện SGK thế này là ảnh hưởng đến hàng chục triệu trẻ em, triệu gia đình. Nó trở thành hiện tượng xã hội không yên.
Bộ trưởng cần thấy hết được vấn đề SGK năm nay có lỗ hổng nào, từ đó mới có thể kiến nghị với Nhà nước, Quốc hội giúp sức. Giáo dục mà có yên ổn thì các vấn đề khác mới yên ổn được.
Nhà báo Phạm Huyền: Vậy vấn đề độc quyền SGK trong thời gian tới phải gỡ bỏ sớm ngay chứ thưa GS?
GS.TS Phạm Tất Dong: Cái đó tôi cho là đúng. Nhưng đó phải là chương trình cực kỳ mềm dẻo và linh động (Một chương trình, nhiều bộ SGK- PV). Chúng ta cần có những bộ SGK khác nhau và sẽ có những bộ phận in SGK đáp ứng được yêu cầu của thị trường.
Một khi chỉ có nhất loạt có một loại SGK thì khó thật. Trách nhiệm giao cho địa phương (địa phương được biên soạn, in SGK- PV), sau này càng cụ thể bao nhiêu thì Bộ GD&ĐT sẽ nhẹ gánh đi bấy nhiêu. Tôi cho anh một chương trình mềm dẻo, anh soạn SGK theo cơ chế nào đó để anh dùng được. Cách làm như thế an toàn hơn và linh hoạt hơn.
Tiếp nữa CMCN 4.0, chúng ta phải tận dụng nó. SGK bây giờ đâu chỉ nằm trong sách nữa đâu. Học sinh ở một trường nào đó nếu như có máy tính bảng có thể bật lên đọc SGK thay vì mang SGK đi. Cho nên chúng ta chừng nào còn chập chờn với công nghệ mới thì nhà trường sẽ còn đi chậm và còn khó khăn. Một khi nhà trường hiện đại những chuyện này sẽ là nhỏ.
Nhà báo Phạm Huyền: Xin trân trọng cảm ơn giáo sư!
Xem thêm>> Đức viết sách giáo khoa như thế nào?
VietNamNet
Thực hiện: Hạnh Thúy- Phạm Huyền
Video: Xuân Quý, Huy Phúc, Bạt Tuấn
Email: [email protected]