- Thích môi dày, gợi cảm, chị Hồng đã tìm đến một spa tại quận Hoàn Kiếm để tiêm chất làm đầy nhưng sau 2 tháng, môi bỗng sưng phồng, hoại tử.
Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba (Hà Nội) vừa tiếp nhận một nữ bệnh nhân bị biến chứng nặng sau khi tiêm chất làm đầy filler.
Chị Nguyễn Thị Hồng, 23 tuổi, quê Quảng Ninh cho biết, ngày 28/4, chị đến spa tại số 2B Vạn Kiếp (Hoàn Kiếm, Hà Nội) do chị Nguyễn Thị Nga làm chủ để tiêm filler môi dưới.
Môi bệnh nhân bị hoại tử, sưng phồng sau tiêm chất làm đầy |
Do chị Nga giới thiệu làm việc tại một bệnh viện lớn ở Hà Nội, nguồn filler cũng từ bệnh viện nên chị Hồng tin tưởng.
Hơn 1 tháng đầu, chị Hồng khá ưng ý, tuy nhiên cách đây khoảng 3 tuần, môi dưới của chị Hồng bắt đầu nổi những nốt sùi trắng. Khi gọi điện cho chủ spa thì được lý giải do ăn nhiều đồ nóng và khuyên chị Hồng nên ăn các thực phẩm làm mát cơ thể.
Thực hiện đúng theo hướng dẫn nhưng môi chị Hồng vẫn ngày càng sưng phồng, có dấu hiệu vỡ loét.
Đầu tháng 7 vừa qua, chị Hồng được chuyển vào Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba do sốt cao, co giật vì môi hoại tử, mưng mủ, chảy dịch, nhiễm trùng nghiêm trọng.
Tại đây các bác sĩ đã chỉ địch rạch môi để lấy hết dịch mủ. Tuy nhiên do bệnh nhân kháng kháng sinh nên việc điều trị tiến triển chậm, không loại trừ phải cắt gần hết môi dưới.
Phía gia đình cho biết, sau sự cố, chủ spa đã viết giấy cam kết nhận toàn bộ trách nhiệm và sẽ thanh toán toàn bộ chi phía điều trị trong khoảng thời gian từ 1 - 6 tháng cho bệnh nhân.
Liên quan đến vụ việc, trong chiều qua (6/7), Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu Phòng Y tế quận Hoàn Kiếm phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra cơ sở spa số 2B Vạn Kiếp.
Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng đến nơi thì cơ sở đã khóa cửa.
Theo đúng quy định, các spa thông thường không được tiêm chất làm đầy. Dịch vụ này chỉ được làm tại các bệnh viện, phòng khám được cấp phép và người thực hiện kỹ thuật phải có chứng chỉ hành nghề đúng chuyên môn.
Chất filler khi sử dụng cho khách hàng phải là sản phẩm được cấp phép lưu hành của Bộ Y tế và phải có nguồn gốc nhập khẩu rõ ràng.
Thông thường, filler chỉ tồn tại trong cơ thể từ 6-9 tháng, sau đó sẽ phải tiêm lại. Nếu tiêm sai vị trí hoặc tiêm filler không đảm bảo (thường trộn lẫn silicon) dễ gây hoại tử hoặc có thể gặp tai biến tắc mạch.
*Tên bệnh nhân đã thay đổi
Minh Anh