Tối 11/3, nguồn tin từ Bộ Công an cho hay Cục An ninh mạng (Tổng cục An ninh - Bộ Công an) vừa xác minh hai người đã tấn công, xâm nhập website Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất Đà Nẵng, Phú Quốc, Rạch Giá và Tuy Hòa trong các ngày từ 8 đến 10/3.
Họ gồm L.C.K.D (ở quận Tân Bình, TP.HCM) và P.H.H (đều 15 tuổi, ở huyện Trảng Bom, Đồng Nai). Trong đó, L.C.K.D là người khai thác lỗ hổng bảo mật và xâm nhập website của sân bay Tân Sơn Nhất. Còn P.H.H thực hiện việc tấn công vào website của bốn cảng hàng không còn lại.
Lời cảnh báo của tin tặc trên website sân bay Tân Sơn Nhất.
Vào cuối tháng 7/2016, hệ thống màn hình tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất bị tin tặc tấn công. Ảnh: Hoàng Hà.
Làm việc với công an, hai thiếu niên đã thành khẩn khai báo, thừa nhận hành vi sai phạm của mình. Họ nói động cơ tấn công xuất phát từ mục đích thích khám phá, mong muốn thể hiện, khoe khoang thành tích trong giới hacker.
Xét thấy D. và H. có thái độ khai báo thành khẩn và đang trong tuổi vị thành niên, Cục An ninh mạng đã phối hợp với Công an TP.HCM, Công an tỉnh Đồng Nai xử lý hành chính, giao gia đình quản lý, giáo dục.
Trước đó, vào ngày 8/3, nhiều người không thể truy cập vào trang web của sân bay Tân Sơn Nhất. Thậm chí trên trang chủ của website này, hacker còn để lại dòng chữ: “Bạn đã bị hack”.
Tình trạng tin tặc tấn công cũng xuất hiện tại website cung cấp thông tin lịch trình các chuyến bay, dịch vụ hỗ trợ mặt đất của Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, Phú Quốc, Rạch Giá, Tuy Hòa. Sau ít ngày, hệ thống được khôi phục và hoạt động bình thường.
Đây không phải lần đầu hệ thống mạng của các sân bay bị tấn công. Chiều 29/7/2016, hàng loạt màn hình tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất xuất hiện những dòng chữ lạ.
Sau khoảng 4 phút, nhà chức trách hai sân bay đã tắt toàn bộ hệ thống. Đến tối cùng ngày, sự cố này đã được khắc phục.
Vụ tin tặc tấn công này đã khiến hơn 100 chuyến bay bị chậm. Tại sân bay Nội Bài, các nhân viên hàng không phải làm thủ tục check-in thủ công cho hành khách.