Đáng tiếc, một điều dễ nhận thấy là cơ chế tham vấn người dân khi xây dựng những công trình công cộng chưa được thực hiện hiệu quả.
Theo dõi dư luận báo chí vừa qua, có hai công trình khiến người viết đặc biệt chú ý.
Một là Trung tâm Nghệ thuật Cải lương Hưng Đạo mới xây dựng tại TP. Hồ Chí Minh trị giá 132 tỷ đồng, lại bị chính người trong nghề phàn nàn là không thiết thực. Trong khi đó, nhiều người hoan nghênh khu nhà ở xã hội mới được tỉnh Bình Dương xây dựng cho công nhân, với giá chỉ hơn 100 triệu đồng/căn, đã giúp cho giấc mơ an cư của nhiều người lao động trở nên trong tầm tay hơn.
Nhiều người đặt vấn đề, những công trình như vậy còn quá ít, và bao giờ những thành phố như Hà Nội, Tp. HCM xây dựng được những công trình hữu ích tương tự. Và một câu hỏi quan trọng khác, là tại sao cùng đầu tư hạ tầng ở nơi này thì tốt, được người dân khen ngợi, còn ở nơi khác thì mang tiếng là lãnh phí, không hiệu quả?
Không ai phủ nhận rằng những công trình đầu tư công, đặc biệt là phục vụ an sinh – xã hội, mang ý nghĩa đặc biệt cho sự phát triển của đất nước và cuộc sống người dân. Nhưng với chi phí khổng lồ bỏ ra hàng năm, đến từ tiền thuế của hàng chục triệu người dân, thiết nghĩ nên chăng cần phải có sự tham gia mạnh mẽ hơn của cộng đồng trong việc đánh giá, giám sát những công trình này.
Điều này có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu đầu tư từ các cơ quan chủ quản nhà nước lúc nào cũng tăng mạnh hàng năm. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Bùi Quang Vinh từng than thở: “Có Bộ đưa [kế hoạch đầu tư công] lên gấp 20-30 lần khả năng cân đối cho Bộ đó. Các địa phương cũng gấp ít nhất 10 lần."
Trong năm 2014, vốn đầu tư phát triển của khu vực nhà nước là gần 490 nghìn tỷ đồng (22,7 tỷ đô la), tăng 10% so với năm 2013. Đây là con số rất lớn, nếu biết nguồn thu ngân sách nhà nước năm 2014 là khoảng 814 nghìn tỷ đồng.
Tất nhiên, không phải những công trình nào người dân cũng có đủ kiến thức chuyên môn để tham gia góp ý kiến. Thế nhưng theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng việc làm đúng nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” như lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là điều cần thiết. Bởi ít nhất, việc tham vấn ý kiến của người dân tại cơ sở, nơi các khoản đầu tư phục vụ, sẽ giúp cho dự án đáp ứng được đúng hơn nhu cầu sử dụng thực tế.
Đáng tiếc, một điều dễ nhận thấy là cơ chế tham vấn người dân khi xây dựng những công trình công cộng chưa được thực hiện hiệu quả. Tình trạng bỏ qua, hoặc làm cho xong chuyện công tác “dân bàn” xảy ra ở nhiều nơi. Như ở công trình nhà hát cải lương TP. HCM, ngay đến các nghệ sĩ cải lương, những người trực tiếp tiếp nhận và sử dụng toà nhà này, lại không được hỏi ý kiến.
Thực trạng đó khiến cho một số công trình vượt quá hoặc chưa đáp ứng được nhu cầu. Chuyện những trường học không học sinh, cảng quốc tế trăm tỉ làm nơi… câu cá, hay khu chợ “bà Đanh” vắng bóng người mua kẻ bán đã không còn hiếm.
Dự án nhà ở xã hội ở Bình Dương. Ảnh: Zing.vn |
Quyền lực giám sát
Hiện chúng ta vẫn có cơ chế giám sát, thảo luận góp ý kiến cho các công trình công cộng từ người dân, chủ yếu thông qua đại diện chính là Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) các cấp, tổ chức theo Hiến pháp 2013 là “cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân”.
Tuy nhiên, có hai vấn đề chính đang mắc phải theo cách tiếp cận này. Thứ nhất, những hạn chế trong cơ chế để MTTQ thực hiện chức năng góp ý kiến, giám sát. MTTQ có trách nhiệm thành lập ban thanh tra nhân dân và ban giám sát cộng đồng theo Luật Đầu tư công 2014 và Quyết định số 80/2005/QĐ-TTg (cấp xã).
Tuy nhiên, ban này trên thực tế khó hoạt động hiệu quả, do vấn đề chuyên môn và kinh phí. Không phải là dễ dàng để MTTQ tìm được những chuyên gia giỏi với số tiền hạn chế để tham gia công tác tham vấn, giám sát. Hơn nữa, bộ khung pháp lý hiện tại chưa có chế tài xử lý cụ thể cho việc không cung cấp đầy đủ thông tin cho hai tổ chức trên.
Thứ hai, ngân sách hoạt động của MTTQ lại bị phụ thuộc vào chính đối tượng bị giám sát, khiến cho tính độc lập của tổ chức cũng bị giới hạn. Ở một số trường hợp, thay vì tạo ra không gian thảo luận, MTTQ lại dễ bị thiên về xu hướng “dân vận”, thuyết phục, vận động người dân đồng tình với dự án.
Ngoài MTTQ, một tổ chức khác cũng thường được gắn với nhiệm vụ thay mặt giới trí thức để tham vấn cho nhà nước là Liên hiệp các Hội Khoa học – Kỹ thuật (VUSTA). Tuy vậy, VUSTA thường chỉ hoạt động ở cấp trung ương và cấp tỉnh, lại bị hạn chế về kinh phí, nên cũng gặp khó khăn trong hoạt động giám sát các công trình đầu tư công.
Chính sách từ tháp ngà
Với thực tế như vậy, việc những công trình công cộng ra đời có hiệu quả hay không, đáp ứng đúng và đủ nhu cầu hay chưa, phụ thuộc rất lớn vào khả năng của lãnh đạo các địa phương. Như các ví dụ ở đầu bài, tuỳ theo từng nơi sẽ có công trình được hoan nghênh, có công trình bị phê bình.
Điều hay ở tỉnh Bình Dương là lãnh đạo đã đi vào thực tiễn để thấy được vấn đề cần giải quyết, còn ở một số địa phương thì nhiều phương án đầu tư được quyết định mà chưa xét nhiều đến thực tế. Tuy nhiên nhìn chung, khi chưa có quy tắc rõ ràng, đặc biệt là cơ chế tham vấn người làm chủ (nhân dân) về nhu cầu đầu tư công, việc có công trình tốt hay không vẫn là chuyện may rủi.
Đất nước đã có rất nhiều những công trình lãng phí, ký túc xá trăm tỷ chỉ… 1 sinh viên đăng ký, những khu chợ heo hút người mua bán, trường học bỏ trống… Xây dựng cơ sở hạ tầng công cộng là một điều kiện tiên quyết để phát triển kinh tế, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc cứ hăm hở đầu tư mà không có sự tính toán chặt chẽ, không có tham vấn cẩn trọng từ những bên có liên quan.
Những bài học nóng hổi thiết thân với dân sinh, môi trường gần đây cho thấy chính sách không thể được xây dựng trên tháp ngà, mà phải đẫm hơi thở thực tế. Muốn có được điều đó, cách duy nhất là vận dụng trí tuệ của nhân dân cùng tham gia. Đó cũng là câu trả lời xác đáng nhất cho câu hỏi đặt ra ở phần mở đầu: chỉ có người dân mới biết điều gì tốt nhất cho mình.
Nguyễn Khắc Giang (Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách – VEPR)