- Ngày 11/6, Ủy ban An toàn Quốc Gia phối hợp với Bộ Giao thông vận tải chủ trì buổi tọa đàm “Các giải pháp tăng cường trật tự, an toàn giao thông trong vận tải đường bộ bằng xe container tại các tỉnh vùng Đông Nam Bộ”.
Theo thống kê từ Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, trong 5 tháng đầu năm 2015, cả nước xảy ra 22 vụ tai nạn giao thông (TNGT) do xe container gây ra, cao hơn 200% số vụ so với cả năm 2014 (9 vụ). Trong đó, tại TPHCM, 5 tháng đầu năm 2015 xảy ra đến 10 vụ, chiếm hơn 45% số vụ TNGT do loại xe này gây ra trên cả nước.
Toàn cảnh tọa đàm |
Ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa TPHCM nêu ý kiến: Hiện, hiệp hội có trên 200 doanh nghiệp (DN) vận tải, với hơn 6.000 đầu kéo sơ mi rơ moóc. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất là “khát” bằng FC (bằng lái xe container).
Ông Quản nhìn nhận, từ khi chủ trương siết chặt tải trọng được đẩy mạnh từ hơn 1 năm qua, những loại xe từ 11 đến 18 tấn gần như phải đem bán sắt vụn, bán không ai mua, bởi loại xe này sẽ không đủ điều kiện chở hàng container. Từ đó, những tài xế lái container đã "bỏ” DN để đến với môi trường làm việc mới.
Ông Nguyễn Ngọc Xuân, Phó TGĐ Công ty CP vận tải, giao nhận và thương mại Quang Châu cho biết, DN của ông có 300 xe tải các loại, trong đó xe container chiếm 140 cái và vẫn thiếu tài xế bằng FC.
“Chúng tôi phải thuê mướn tài xế bên ngoài chạy theo giờ, tăng giờ làm việc và cũng đang ráo riết tuyển tài xế FC. Thế nhưng, việc tuyển dụng tài xế bằng FC không dễ dàng và rất khan hiếm…”- ông Xuân cho biết.
Ông Phạm Văn Lợi, Giám đốc Công ty Vận tải Trường Lợi, cho biết từ cuối năm 2014 đến nay, DN không tuyển được tài xế có GPLX hạng FC nên nhiều phương tiện phải “trùm mền”. Các tài xế đòi mức lương quá cao, DN không thể đáp ứng.
"Nắm bắt được tâm lý này, nhiều DN khác đã dùng tiền để lôi kéo tài xế về rồi khoán trắng cho họ. Đây là sự cạnh tranh không lành mạnh” - ông Lợi bức xúc.
Vụ xe container gây tai nạn chết người vừa xảy ra tại TPHCM |
Trong khi đó, đại diện một DN vận tải hàng hóa khác ở TP HCM cho biết, doanh nghiệp này có 50 đầu xe kéo container nhưng chỉ có 40 lái xe có bằng FC. Do đó, DN phải chấp nhận cho một số tài xế xử dụng bằng giả để chạy.
Về phía Sở Giao thông Vận tải TP HCM, Giám đốc Nguyễn Thành Chung cho rằng, các DN vận tải cần lên danh sách và phối hợp chặt chẽ với các trung tâm đào tạo, sát hạch uy tín trên địa bàn để chủ động trong việc đào tạo nguồn lái xe có chất lượng.
"Các bên liên quan cũng cần hỗ trợ kinh phí và tạo điều kiện mọi mặt cho tài xế an tâm đi học. Điều đáng lưu tâm là các DN vận tải cần kiên quyết không nhận và tiếp tay cho tài xế xài bằng giả", ông Chung nói.
Kết thúc buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đề nghị các DN vận tải rà soát kỹ nguồn đào tạo lái xe, sức khỏe, năng lực, kinh nghiệm, các chế độ về lao động, bảo hiểm...
"Các cơ quan liên quan cần công khai toàn bộ số hiệu bằng FC trên mạng, tạo điều kiện để kiểm soát và chặn đứng nạn bằng giả. Đồng thời, tăng cường các máy soi chiếu tốt nhất để phân biệt bằng thật, giả”, ông Thọ yêu cầu.
Ông Thọ cho biết, dự kiến cuối tháng 6, Tổng Cục đường bộ Việt Nam, các Sở GTVT, trung tâm đào tạo sát hạch lái xe…sẽ cùng tham gia vào công tác hướng dẫn và hỗ trợ công tác đào tạo bằng lái xe FC cho các DN vận tải.
Tuấn Kiệt