Thiếu máu, thiếu sắt kéo dài - nguy cơ gây suy giảm nhận thức
"Khoảng 20% trẻ tới khám tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương bị thiếu máu, thiếu sắt. Nhiều trẻ, đặc biệt là trẻ ngoài 6 tháng tuổi (bắt đầu ăn dặm) vào viện khi bệnh đã nặng", TS Bạch Quốc Khánh, nguyên Viện trưởng, cho hay. Ông khẳng định đây là một trong những bệnh về máu phổ biến ở nước ta.
Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, trung niên cũng là đối tượng hay mắc bệnh lý này. "Nhiều người mất sắt nhưng không quan tâm bổ sung có thể dẫn đến thiếu sắt, đặc biệt nếu kèm bệnh lý dạ dày, u xơ tử cung thì quá trình mất sắt chậm và khó nhận thấy" - TS Khánh cho hay.
Theo vị chuyên gia này, sắt của cơ thể thường không bị mất đi do có chu trình chuyển hóa mạnh mẽ nhưng khi bị mất mà không bù lại được trong 1-2 năm, cơ thể sẽ bị thiếu sắt, lâu hơn sẽ gây thiếu máu nặng.
Tư vấn về bệnh lý này, TS Nguyễn Thị Thảo, Phó trưởng khoa Bệnh máu lành tính của Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, cho hay trước khi tình trạng thiếu máu xảy ra, thiếu sắt đã làm ảnh hưởng đến các chức năng như hệ thống miễn dịch, thần kinh, làm giảm khả năng miễn dịch, giảm hoạt động thể chất và suy giảm nhận thức.
"Đặc biệt với trẻ em, thiếu máu thiếu sắt kéo dài sẽ ảnh hưởng đến khả năng nhận thức, tiếp thu của trẻ" - BS Thảo nói. Với người lớn, thiếu máu thiếu sắt ảnh hưởng đến sức khỏe, năng suất lao động, thậm chí có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là phụ nữ có thai.
Không nên uống cà phê, trà ngay sau bữa ăn để phòng thiếu máu, thiếu sắt
Thiếu máu, thiếu sắt là bệnh lý thiếu máu phổ biến nhưng không phải trường hợp thiếu máu nào cũng do thiếu sắt. Vì thế, không phải cứ thiếu máu là uống bổ sung sắt. Để điều trị bệnh lý này, người bệnh cần cung cấp sắt qua chế độ ăn, dùng thuốc và điều trị nguyên nhân gây ra tình trạng này.
Để phòng bệnh, bác sĩ Thảo khuyên chị em cần bổ sung sắt trong suốt thai kỳ; nên nuôi trẻ bằng sữa mẹ hoặc sữa bổ sung sắt dành cho trẻ trong năm đầu đời, vì sắt trong sữa mẹ được hấp thu tốt hơn sữa bột.
Ngoài ra, cần thực hiện chế độ ăn cân đối giàu sắt, vitamin như thịt màu đỏ (thịt bò, thịt trâu…), hải sản, gia cầm, trứng, bột bánh mì, đậu, lạc, các loại hạt, rau xanh đậm như rau ngót, dền, muống,… Kết hợp đa dạng các loại thực phẩm; làm tăng hấp thu sắt bằng uống nước hoa quả có vitamin C như cam, chanh khi ăn thức ăn nhiều sắt.
"Không được uống trà, cà phê ngay sau ăn vì chất tanin, phytat sẽ ngăn cản hấp thu sắt" - bác sĩ Thảo khuyên.
Các bệnh nhiễm ký sinh trùng, sốt rét, nhiễm trùng cũng là nguyên nhân thiếu máu do thiếu sắt. Vì vậy, cần tẩy giun định kỳ hàng năm, đặc biệt cho phụ nữ, trẻ em trên 2 tuổi...
Triệu chứng thiếu máu do thiếu sắt
Theo bác sĩ Thảo, biểu hiện thường gặp nhất là mệt mỏi, ngủ kém, ngoài ra còn có các dấu hiệu như khó tập trung hay giảm năng suất làm việc. Điều này khá nguy hiểm với các bệnh nhân có nghề nghiệp như lái xe.
- Da xanh xao, niêm mạc nhợt nhạt, lưỡi nhợt, nhẵn do mất hoặc mòn gai lưỡi, lông, tóc, móng khô dễ gãy.
- Chóng mặt, hoa mắt, nhức đầu do thiếu máu, oxy lên não không đủ làm các mạch máu sưng lên, gây áp lực dẫn đến đau đầu hoặc đau nửa đầu.
- Đau ngực, khó thở, triệu chứng này nặng hơn khi gắng sức, hoạt động thể lực.
- Tim đập nhanh, hồi hộp là một triệu chứng do thiếu sắt gây ra, nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến suy tim.
Trẻ thiếu máu thiếu sắt có biểu hiện ăn không ngon, ngủ kém, chậm lớn, chậm tăng cân, chậm phát triển tinh thần vận động, giao tiếp xã hội chậm, dễ nhiễm trùng.