Thực hiện nền hành chính một cửa điện tử, liên thông điện tử từ cấp xã, phường – huyện – tỉnh – trung ương được xem là một xu thế tất yếu. Tuy nhiên, theo ông Võ Thanh Quang, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Sóc Trăng, để việc thực hiện một cửa điện tử mang lại hiệu quả còn rất nhiều vấn đề phải giải quyết. Trước mắt, rất cần thiết có một văn bản của Chính phủ quy định thực hiện một cửa điện tử như thế nào là đúng, cần phải xây dựng một chuẩn chung cho một cửa điện tử để thực hiện đồng bộ. Hiện nay mỗi địa phương đang áp dụng một kiểu, bởi Chính phủ vẫn chưa ban hành được chuẩn chung này.
Đồng thời phải quy định rõ hệ thống thủ tục cho hành chính một cửa là thế nào, nếu thực hiện một cửa điện tử mà vẫn áp dụng thủ tục hành chính như cũ thì khó thực hiện mà không mang lại hiệu quả bao nhiêu. Hiện này, các địa phương đang nỗ lực để ứng dụng dịch vụ công ở mức 3-4, tuy nhiên việc ứng dụng CNTT trong cung cấp các dịch vụ công trước hết phải triển khai ngay ở trong nội bộ các cơ quan trước đã. Phải có một hệ thống tiếp nhận văn bản, chuyển nhận văn bản trong nội bộ các phòng ban cũng phải bằng điện tử trước. Bởi theo ông Quang, thực tế tại nhiều sở, ngành hiện nay, một cửa chỉ ở khâu tiếp nhận và trả hồ sơ cho người dân, doanh nghiệp, còn lại việc chuyển hồ sơ giữa phòng này, với phòng kia trong nội bộ cơ quan vẫn thực hiện thủ công, ôm bộ hồ sơ từ bộ phận này với bộ phận kia. “Cần phải giải quyết hệ thống điện tử ngay trong nội bộ các cơ quan nhà nước trước, rồi sau đó mới triển khai cung cấp dịch vụ công cho người dân. Việc cung cấp dịch vụ nào cũng phải xuất phát từ nhu cầu của người dân, chứ không phải tất cả các dịch vụ công đều đưa ra cho dân hết”, ông Quang nói.
Bên cạnh đó, một câu chuyện đã được nhắc đến nhiều lần là để tiến tới một chính phủ điện tử, trước hết phải có công dân điện tử trước, người dân đặc biệt là người dân ở các xã, phường, vùng sâu, vùng xa có biết dùng máy tính chưa, có được nối mạng Internet chưa, khi người dân đủ phương tiện này rồi, họ có nhu cầu được cung cấp dịch vụ công điện tử thì hãy cung cấp chính phủ điện tử cho dân. Giải quyết được các vấn đề này thì mới có thể tính tới có một nền hành chính điện tử, chính phủ điện tử được.
Tại Hội nghị Giao ban quản lý Nhà nước tháng 10/2015 được Bộ TT&TT tổ chức chiều 5/11/2015, Cục trưởng Cục Tin học hóa Nguyễn Thành Phúc chia sẻ ba điểm mới của Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 so với giai đoạn 2011 – 2015, đó là: Phát triển hạ tầng kỹ thuật tạo nền tảng phát triển chính phủ điện tử trên cơ sở Khung Kiến trúc chính phủ điện tử Việt Nam do Bộ TT&TT ban hành. Sắp tới, Bộ sẽ hướng dẫn các tỉnh, Bộ, ngành xây dựng kiến trúc chính phủ điện tử cấp Bộ và kiến trúc chính quyền điện tử cấp tỉnh chi tiết trên cơ sở Khung này của Bộ để triển khai chính phủ điện tử đồng bộ, thống nhất trên cả nước.
Hai là nhấn mạnh việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức 4 - giao dịch thủ tục hành chính công giữa người dân và cơ quan công quyền được thực hiện hoàn toàn qua mạng (giai đoạn trước chỉ nhấn mạnh mức 3) và hiệu quả đầu tư (làm sao có số hồ sơ giải quyết trực tuyến chứ không chỉ tính số lượng dịch vụ trực tuyến).
Ba là triển khai sử dụng có hiệu quả các hệ thống thông tin có quy mô từ Trung ương xuống địa phương, đặc biệt các cơ sở dữ liệu quốc gia để tạo nền tảng chia sẻ thông tin các cấp trong cả nước.
Theo ông Nguyễn Thành Phúc, Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước giai đoạn 2016 – 2020 được Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 1819 trong tháng 10/2015 là văn bản được ban hành rất kịp thời. Văn bản này đã tạo điều kiện để các Bộ, ngành, địa phương có thêm sở cứ để xây dựng và phê duyệt kế hoạch 5 năm về ứng dụng CNTT (2016 – 2020).
Cục trưởng Nguyễn Thành Phúc đã kiến nghị Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son giao Cục chủ trì phối hợp các đơn vị liên quan của Bộ để xây dựng kế hoạch hành động triển khai hiệu quả Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 trên toàn quốc, trong đó phân công rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương và các đơn vị của Bộ.