UBND tỉnh Lào Cai vừa ban hành Quyết định số 2541/QĐ-UBND phê duyệt Danh sách điểm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh.
Theo Quyết định, giai đoạn 2023-2030, phê duyệt danh sách 117 điểm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
Trong đó, giai đoạn 1 từ năm 2023 đến năm 2025, bao gồm 69 xã thuộc khu vực III và 48 thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
UBND tỉnh giao Sở TT&TT phê duyệt danh mục và số lượng, cấu hình kỹ thuật các loại thiết bị được đầu tư tại mỗi điểm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng công nghệ thông tin theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 10 Thông tư số 03/2023/TT- BTTTT ngày 30/5/2023 của Bộ trưởng Bộ TT&TT; không đầu tư trùng lặp với thiết bị đã được đầu tư từ các nguồn kinh phí khác và đang hoạt động ổn định; đồng thời, ban hành văn bản hướng dẫn việc quản lý hoạt động tại các điểm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với điều kiện cụ thể của tỉnh.
UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện đầu tư theo đúng quy định của pháp luật và đảm bảo không trùng lặp với các thiết bị đã được đầu tư từ các nguồn kinh phí khác và đang hoạt động ổn định.
Địa điểm đầu tư phải đảm bảo các yêu cầu cơ bản về điểm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng công nghệ thông tin quy định theo Điều 9 Thông tư số 03/2023/TT-BTTTT ngày 30/5/2023 của Bộ trưởng Bộ TT&TT.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Thông tin và Truyền thông; Trưởng Ban Dân tộc tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định.
Trước đó, để giảm nghèo về thông tin, tỉnh Lào Cai đã quan tâm đầu tư về dịch vụ viễn thông và phương tiện tiếp cận thông tin cho người dân gắn với thực hiện các nhiệm vụ về chuyển đổi số.
Theo thống kê của cơ quan chuyên ngành, hiện tại trên địa bàn tỉnh có 05 doanh nghiệp (VNPT, Viettel, Mobifone, FPT và Vietnamobile) cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet.
Thời gian qua, các doanh nghiệp đã đầu tư mạng lưới hạ tầng viễn thông, internet rộng khắp với 33 điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng có người phục vụ, 2.962 trạm thu phát sóng thông tin di động – BTS, đồng thời các doanh nghiệp đang thực hiện lộ trình tắt dần các công nghệ cũ 2G, 3G đối với một số trạm BTS để nâng cấp công nghệ 4G, 5G).
Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 97,8% trung tâm thôn, tổ dân phố có sóng 3G, 4G và 82,7% thôn, tổ dân phố có cáp quang đến thôn; tỷ lệ hộ gia đình có kết nối băng rộng cố định đạt 52%; tỷ lệ dùng chung hạ tầng đạt từ (6-10%)...
Nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu của tỉnh (LGSP) tiếp tục phát triển và đưa vào khai thác sử dụng, triển khai tích hợp 29 ứng dụng, kết nối liên thông với hệ thống thông tin, có sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, tài chính, tư pháp, xây dựng, doanh nghiệp, BHXH,… và các nền tảng thanh toán điện tử.
Theo Sở TT&TT tỉnh, thời gian qua Lào Cai đã triển khai mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp II trên địa bàn tỉnh cho 170 điểm kết nối tại cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã và cấu hình 6/12 dịch vụ truy cập qua mạng truyền số liệu chuyên dùng; đồng thời, nâng cấp hạ tầng Trung tâm mạng thông tin của tỉnh; nâng cấp hệ thống mạng WAN, LAN tại trụ sở các hợp khối cơ quan; triển khai mạng LAN cho 45 xã thuộc 4 huyện nghèo trên địa bàn tỉnh.
Lào Cai đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho hoạt động thông tin cơ sở với mục tiêu hiện đại hóa hệ thống thông tin cơ sở, hình thành cơ sở dữ liệu, số hóa nguồn thông tin cơ sở đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin nguồn phổ biến đến người dân và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về ứng dụng công nghệ thông tin.
Với sự đầu tư thích đáng và vào cuộc tích cực của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, địa phương và người dân trong tỉnh, việc thực hiện chỉ tiêu “chiều thiếu hụt về thông tin” trong các chỉ tiêu giải quyết mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản đạt khoảng 96,7% (đạt 125,6% mục tiêu năm 2023) hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu được tiếp cận sử dụng các dịch vụ viễn thông, internet.
Có 91,8% (đạt 98,7% mục tiêu năm 2023) các hộ gia đình sinh sống trên địa bàn huyện nghèo được tiếp cận thông tin về giảm nghèo bền vững thông qua các hình thức xuất bản phẩm, sản phẩm truyền thông.
Xác định đẩy mạnh chuyển đổi số sẽ nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo thông tin trong năm 2023, Lào Cai tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong công tác truyền thông và giảm nghèo về thông tin trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; đồng thời sẽ triển khai xây dựng hệ thống thông tin cơ sở ứng dụng công nghệ số cho khoảng 15 xã và tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho khoảng 300 cán bộ thông tin và truyền thông cơ sở.
Thực tế cho thấy, việc hỗ trợ người nghèo sử dụng các dịch vụ viễn thông, internet, ứng dụng công nghệ thông tin sẽ giúp người nghèo, hộ nghèo chủ động hơn trong tiếp cận chính sách, tìm kiếm nguồn hỗ trợ cũng như học hỏi kinh nghiệm, giải pháp để thoát nghèo bền vững, đồng thời từng bước tiếp cận, hòa nhịp chuyển đổi số.