- Tính đến 13/4, tổng thiệt hại do hạn hán và xâm nhập mặn gây ra tại Tây Nguyên và Nam Trung Bộ đã lên tới gần 5.200 tỷ đồng.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo TƯ về phòng chống thiên tai sáng nay, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, Việt Nam đang phải đối mặt với thiên tai lịch sử, hạn mặn đang ngày càng nghiêm trọng và sắp tới còn mở rộng nữa.

{keywords}
Bộ trưởng Cao Đức Phát chủ trì cuộc họp

Số liệu từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho thấy, lượng dòng chảy trên các sông từ Trung Bộ đến Nam Trung Bộ đang ở mức thấp lịch sử, thiếu hụt từ 20-90%, một số sông, suối đã cạn trơ đáy.

Các hồ chứa đều thấp hơn mực nước dâng bình thường từ 1,8-5m, nhiều nơi thấp hơn từ 10-16m. Chỉ tính riêng Đắk Lắk hiện có 100 hồ cạn trơ đáy, dự báo sang tháng 5, con số này sẽ tăng lên 250 hồ, chiếm quá nửa tổng hồ nước ngọt trên địa bàn.

Không thể năm nào cũng đi xin nước

Dù đã được Trung Quốc và Lào xả đập thủy điện nhưng đến nay mực nước tại các trạm chính ở vùng thượng và vùng trung lưu sông Mekong mới chỉ cao hơn mức trung bình nhiều năm từ 0,7-2,2m, còn các trạm vùng hạ lưu nhích nhẹ thêm 0,1-0,4m, chưa đủ để giải hạn mặn.

Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, Bộ NN&PTNT Trần Quang Hoài cho rằng cần đánh giá lại hiệu quả đợt xả lũ vừa rồi của Trung Quốc, vì nếu nhìn vào biểu đồ xả lũ các năm trước, lượng xả năm nay còn thấp hơn.

{keywords}

Đào vét tìm nước tưới tại Cư M’gar, Đắk Lắk. Ảnh: Trùng Dương

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, với tình hình thời tiết diễn biến bất thường như hiện nay, cần rà soát lại quy hoạch thủy lợi, phải có phương án lâu dài để chủ động, không thể năm nào cũng đi xin nước hết nước này đến nước kia để chống hạn mặn được.

Theo báo cáo, độ mặn từ đầu 2016 đến nay tại hầu hết các trạm luôn ở mức cao hơn cùng kỳ và trung bình nhiều năm.

Số liệu thực đo trong tháng 1 cho thấy ranh mặn 4g/l tại khu vực cửa các sông Nam Bộ đã vào sâu trên 50km, có nơi trên 75km (trạm Tân An trên sông Vàm Cỏ Tây).

Đến đầu tháng 2, độ mặn tiếp tục tăng rất cao và xâm nhập sâu, có những nơi nằm sâu trong đất liền trước đây gần như không bị ảnh hưởng mặn như Vĩnh Long, Hậu Giang thì trong giai đoạn này đã có nơi độ mặn lên tới 9g/l.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa đã phải dừng sản xuất 70% diện tích trong 5-6 vụ liên tiếp, nhiều tỉnh khác ngừng 3-4 vụ.

Cứu trợ gạo

Theo dự báo, phải đến tháng 9 mới có thể có mưa nên nhanh nhất phải đầu năm tới mới tái sản xuất được, khiến tình trạng thiếu lương thực xảy ra nhiều nơi.

Theo Bộ trưởng Phát, nhu cầu gạo cứu trợ hiện nay khoảng 12.000 tấn nhưng mới hỗ trợ được 5.000 tấn do nhiều tỉnh đề nghị nhưng chưa được ký ngay.

Tình trạng thiếu nước ngọt cũng đang tác động đến khoảng 2 triệu người, người dân tại Tây Nguyên đã đào giếng giữa giếng, đào giếng giữa hồ nhưng không có nước. 

{keywords}

Một hồ thủy lợi tại huyện Ea H’leo, Đắk Lắk cạn trơ đáy. Ảnh: Trùng Dương

Tính đến ngày 13/4, tổng thiệt hại do hạn hán và xâm nhập mặn gây ra tại Tây Nguyên và Nam Trung Bộ đã lên tới gần 5.200 tỷ đồng.

Bộ trưởng NN&PTNT đánh giá, với diễn biến thời tiết hiện nay, xâm nhập mặn sẽ nghiêm trọng hơn rất nhiều, hạn hán sẽ mở rộng ra khu vực Bắc và Trung Trung Bộ, hiện Quảng Trị đã bắt đầu hạn.

Hiện Ngân hàng Phát triển châu Á đã đồng ý hỗ trợ khẩn cấp cho Việt Nam 3 triệu USD và Việt Nam sẽ tiếp tục trao đổi với Trung Quốc, Lào để điều chỉnh kế hoạch xả nước.

Thúy Hạnh

LOẠT BÀI HẠN MẶN Ở TÂY NGUYÊN VÀ ĐBSCL: