May mắn có bố là kỹ sư quốc gia cấp cao, mẹ là bác sĩ phẫu thuật tại bệnh viện nổi tiếng, Phùng Hề Kiều (SN 1960) được bạn bè công nhận là chàng trai sinh ra đã ở vạch đích. Thừa hưởng tinh hoa từ gia đình giàu tri thức, Hề Kiều được đầu tư học hành từ sớm và nhanh chóng trở thành thiếu niên xuất chúng.
Thiên tài vật lý nổi danh Bắc Đại
Khi mới lên 2, Phùng Hề Kiều khiến nhiều người bất ngờ vì có thể vẽ tranh từ màu nước. 7 tuổi, anh có thể chơi đàn violin. Suốt quá trình đi học từ cấp 1 đến cấp 3, Phùng Hề Kiều luôn điểm số cao, đứng đầu các kỳ thi học sinh giỏi.
Năm 1977, Phùng Hề Kiều vào Đại học Bắc Kinh, trở thành sinh viên nhỏ tuổi nhất khóa năm đó - 17 tuổi.
Dù ít tuổi hơn các đồng môn nhưng anh không bao giờ thấy lạc lõng, tự ti. Anh dành toàn bộ thời gian học hành chăm chỉ và đạt nhiều thành tích xuất sắc. Được đánh giá là sinh viên xuất chúng, nhưng anh luôn khiêm nhường khi đứng trước thầy cô, bạn bè. Phùng Hề Kiều luôn sẵn sàng đặt câu hỏi với những điều mình chưa hiểu rõ.
Những năm tháng học tại Đại học Bắc Kinh là quãng thời gian tuyệt vời với Phùng Hề Kiều. Đó cũng là nơi giúp chàng trai trẻ hoàn thiện bản thân và chắp cánh ước mơ du học.
Năm 1979, Phùng Hề Kiều vô tình biết đến kỳ thi nghiên cứu sinh vật lý Trung - Mỹ đầu tiên chuẩn bị được tổ chức. Đây là cơ hội tốt để anh đạt được ước mơ của mình.
Từ đây, anh tập trung nghiên cứu sâu hơn về vật lý. Để chuẩn bị cho cuộc tuyển chọn có tỉ lệ chọi cực kỳ khó, Phùng Hề Kiều phải tự học thuyết tương đối, cơ học lượng tử và các khóa học khác.
Trong suốt nửa năm, anh chỉ học, gần như không có thời gian nghỉ ngơi. Mọi nỗ lực của anh được đền đáp khi trở thành người đứng nhất toàn trường và thứ tư cả nước lọt vào "tầm ngắm" của Đại học Havard. Khi ấy, Phùng Hề Kiều vừa tròn 20 tuổi.
Phùng Hề Kiều khiến nhiều người nể phục, vì tiếp xúc với nghiên cứu vật lý khá muộn nhưng nhanh chóng trở nên xuất sắc. Anh dường như làm chủ được bộ môn này và phát hiện ra nhiều điều mới mẻ. Đó là lý do mọi người gọi anh là "thiên tài vật lý Bắc Đại".
Năm 1980, Phùng Hề Kiều đến Đại học Harvard (Mỹ) để tiếp tục theo đuổi tri thức. Tại Mỹ, ngoài học tập và nghiên cứu, chàng học viên người Trung Quốc tham gia nhiều hoạt động như biểu diễn violin, có mặt tại các buổi dạ hội, chơi giỏi cả bơi lội.
Sau khi tốt nghiệp Harvard, anh tiếp tục theo học tập và nghiên cứu tại Học viện Công nghệ Massachusetts. Chỉ chưa đầy 5 năm sau khi đặt chân đến Mỹ, anh đã hoàn thành luận án bảo vệ tiến sĩ và được hàng loạt công ty săn đón.
Thời gian này, anh kiếm được nhiều tiền nhờ việc nghiên cứu. Đam mê với xe hơi nên Phùng Hề Kiều liên tục đổi xe, chiếc nào cũng thời thượng và đắt đỏ. Anh là một trong những du học sinh giàu nhất tại Mỹ thời điểm đó.
Hoàn thành sự nghiệp học hành, chàng trai Trung Quốc được Đại học California thuê làm giảng viên. Tại đây, anh vừa dạy học, vừa nghiên cứu về vật lý.
Năm 1995, Phùng Hề Kiều trở thành giáo sư - một trong những giáo sư trẻ nhất của ngôi trường lâu đời và uy tín này.
Dù tuổi đời rất trẻ nhưng tên tuổi anh được giới học thuật biết tới nhiều thông qua loạt thành tựu trong nghiên cứu vật lý. Anh còn viết và xuất bản nhiều bài báo sâu sắc về lĩnh vực này.
Ra đi ở tuổi 35
Cuộc đời Phùng Hề Kiều từ nhỏ đến lớn luôn diễn ra thuận lợi, chưa ai từng thấy anh gặp khó khăn hay biến cố nào. Gia đình khá giả, luôn đạt thành tích cao trong học tập, sự nghiệp thăng tiến... đó là những gì người khác thường nhắc đến khi nghĩ về Phùng Hề Kiều.
Anh từng là niềm mơ ước của rất nhiều người. Đó cũng là lý do khiến ai nấy đều bàng hoàng khi biết tin Phùng Hề Kiều tự kết liễu đời mình ở tuổi 35.
Ngày 16/9/1995, Phùng Hề Kiều tự tử từ một tòa nhà cao tầng ở Paris, Pháp. Sự ra đi của anh gây chấn động giới học thuật Mỹ và Trung Quốc.
Không ai rõ vì nguyên nhân gì mà thiên tài vật lý lựa chọn cái chết khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp, hàng chục lý do đã được đưa ra. Có người nói, từ nhỏ anh đã luôn nổi tiếng là học sinh giỏi, sự kỳ vọng của mọi người xung quanh đã khiến anh phải chịu áp lực lớn trong suốt thời gian dài.
Một người bạn thân tiết lộ do anh là người cầu toàn, luôn không hài lòng với bản thân, dù đã là giáo sư và có danh tiếng nhưng vẫn muốn tiến xa hơn.
"Tại nơi Phùng Hề Kiều nhảy xuống đặt một cuốn sách có đoạn nói về việc Bill Gates trở thành người giàu nhất thế giới ở tuổi 38. Cậu ấy mất khi 35 tuổi. Có lẽ do áp lực phải trở thành người thành công khiến cậu khủng hoảng", người bạn này nói.
Tuy nhiên, một số người lại nói Phùng Hề Kiều đem lòng yêu người phụ nữ Pháp, nhưng không đến được với nhau nên anh chọn tử tự để giải thoát.
Đến nay, nguyên nhân dẫn đến hành động tự tử của Phùng Hề Kiều vẫn là một ẩn số. Sự ra đi của anh để lại nỗi xót xa lớn, có người nói, đó là nỗi mất mát lớn của giới học thuật bởi hiếm ai có tài năng nổi trội như anh.
Để tỏ lòng thương tiếc Phùng Hề Kiều, Đại học California đã hạ cờ rủ chia buồn. Một tạp chí nổi tiếng về vật lý còn ngoại lệ dành riêng 1 trang báo viết về anh kèm theo bức ảnh để tưởng nhớ.
Theo VTC
Thanh niên nghiện rượu thành thiên tài toán học sau khi bị cướp đánh
Jason Padgett bỗng chốc có niềm say mê mãnh liệt với toán học sau một lần bị cướp tấn công. Chấn thương não từ cú đánh đã khiến Jason thành con người khác.
Từ thiên tài công nghệ TQ đến 'kẻ điên' vì bỏ việc lại quay ra nói xấu
Từ một thiên tài được kỳ vọng, Vương Ngân trở thành kẻ điên trong mắt nhiều người khi 3 lần bỏ học tiến sĩ và nghỉ việc tại các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới.