- Phải nói thẳng ra rằng việc sử dụng nước trồng lúa ở VN là vô tổ chức. Hiện nay để làm công trình thủy lợi ở miền Trung cho ra 1 ha lúa được tưới tối thiểu là 2 tỷ đồng, 1 vụ lúa phải tốn 10.000 m3 nước cho 1 ha để cho năng suất 5 tấn, tính ra mất 2 m3 nước mới được 1 kg lúa. Nếu 2 m3 nước đó dùng trồng cỏ nuôi bò hay tưới cho những cây trồng tiết kiệm nước chẳng hạn, thì sẽ tạo ra hiệu quả gấp 10 lần hơn.
- Phần 1: Nước mặn không phải là kẻ thù của ĐBSCL
- Phần 2: Chớp cơ hội làm giàu từ hạn mặn
VietNamNet giới thiệu kỳ cuối bàn tròn với GSTS Võ Tòng Xuân và TS Hoàng Quốc Tuấn, hai chuyên gia đã gắn bó hàng chục năm với ĐBSCL.
Lãng phí tài nguyên nước
Nhà báo Duy Chiến: Đợt thiên tai lần này đưa ĐBSCL sang trang mới là sự ưu đãi nhiều từ thiên nhiên không còn nữa. Nguồn nước ngọt phong phú từ đây phải xem lại, sử dụng tiếp kiệm. Thưa TS. Hoàng Quốc Tuấn, ông đã nói về một khái niệm chưa có ở VN là “kinh tế nước”. Rõ ràng lâu nay ở VN dùng nước khá thoái mái. Nước không được hạch toán trong chi phí sản xuất nông nghiệp, được xem như trời cho. Sau đợt này phải tính toán lại …
TS. Hoàng Quốc Tuấn: Cho tới thời điểm này trong tất cả hồ sơ tài liệu, kể cả hạch toán tài chính cho đến quá trình sản xuất, chi phí hạch toán thủy lợi phí không ai có suy nghĩ là làm sao sử dụng nước một cách kinh tế và tiết kiệm cả. Hiện nay, sử dụng nước tiết kiệm và có hiệu quả đấy là nhận thức mới của loài người đứng trước thách thức biến đổi khí hậu.
Nhiều quốc gia đã thực hiện cách đây nhiều năm rồi, nhưng VN do nhận thức nên cách ứng xử của chúng ta với tài nguyên nước chưa đúng. Tôi nghĩ hiện nay để thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, giảm bớt tác hại của mặn với việc thay đổi thích nghi, chúng ta cần thay đổi nhận thức về nước.
Phải tính toán xem sử dụng nguồn nước vào mục đích gì, vào đối tượng nào mà kinh tế cao nhất. Ví dụ dùng công trình thủy lợi hay khai thác nước ngầm tưới cho lúa thì không bao giờ có hiệu quả kinh tế. Nhưng ngược lại nước ngầm khai thác cho nuôi tôm thì rất kinh tế vì con tôm có giá trị cao.
1 ha lúa làm vào mùa khô ở ĐBSCL cần tới 4.000 m3 nước. Nhưng với 4.000 m3 ấy hòa loãng nuôi tôm thì không phải chỉ 1 ha mà có thể 4 ha. Mỗi ha nuôi tôm năng suất 2 tấn thôi, chưa nói tới nuôi siêu thâm canh thì lợi nhuận gấp nhiều lần làm lúa. Hiện mỗi ký lúa bán chỉ được 5.000 đồng trong khi mỗi kg tôm trên 200.000 đồng!
Cho nên một trong những vấn đề tôi nghĩ hiện nay ngay từ buổi tọa đàm này là cơ hội cho chúng ta suy nghĩ lại để tính toán lại phương án làm sao phát triển bền vững trong bối cảnh ảnh hưởng của xâm nhập mặn và hạn hán, đương nhiên chúng ta phải có nhận thức mới là sử dụng nước phải kinh tế và tiết kiệm. Từ đó chúng ta đi tới quyết định dành bao nhiêu nguồn lực tự nhiên cho mục đích này một cách hợp lý nhất.
Nhận thức như vậy cần phải có trong tất cả hệ thống chính trị và đến với từng người dân để có ứng xử phù hợp với bối cảnh hiện nay. Và đây là dịp phải thay đổi cách làm cũ, phải đưa nước vào trong hạch toán của chúng ta để sử dụng cho tốt hơn.
Phải nói thẳng ra rằng việc sử dụng nước trồng lúa ở VN là vô tổ chức. Chúng ta đang phải gánh chịu những cách làm không phù hợp như dùng nước ở Tây Nguyên và miền Trung. Hiện nay để làm công trình thủy lợi ở miền Trung cho ra 1 ha được tưới cho lúa tối thiểu là 2 tỷ đồng, 1 vụ lúa phải tốn 10.000 m3 nước cho 1 ha để cho ra năng suất 5 tấn, tính ra mất 2 m3 nước mới được 1 kg lúa. Chi phí này là quá cao. Nếu 2 m3 nước đó dùng trồng cỏ nuôi bò hay tưới cho những cây trồng tiết kiệm nước chẳng hạn, thì sẽ tạo ra hiệu quả gấp 10 lần hơn.
Trong thiên tai có một phần “nhân tai”
Nhà báo Duy Chiến: Lúc này chúng ta mới thấy rằng, xưa kia người dân vùng ven biển ĐBSCL đã có cách “chung sống” với thiên tai hơn là thế hệ hiện nay?
TS. Hoàng Quốc Tuấn: Đúng vậy! Tôi xin nhấn mạnh thêm là hậu quả năm 2016 chúng ta đang hứng chịu không phải hoàn toàn là do yếu tố khách quan thiên tai. Ông bà ta sống ở ĐBSCL trên 300 năm rồi và cũng đã gặp thiên tai, nhưng tại sao ông bà ta sống được?
Tại vì trong quá trình phát triển chúng ta ít tổng kết, ít kế thừa những kinh nghiệm có thể gọi là “xương máu” của thế hệ đi trước để thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn. Xâm nhập mặn với ĐBSCL xảy ra từ lâu rồi chứ không phải nay mới có, xảy ra từ thưở ông bà ta đi khẩn đất khai hoang vào buổi ban đầu.
Về sau chúng ta có phần nào đấy lơ là. Và việc chủ động ứng phó chúng ta chưa có, cho nên tự đưa mình vào thế hoàn toàn bị động. Cho nên chúng ta phải thấy được những cái đó để thay đổi cách nghĩ cách làm. Chứ giờ mà cứ đổ hết cho El Nino hay tại cái gì đó là không đúng. Trong đó có phần tại chúng ta, hay còn gọi là “nhân tai”.
Cho nên tôi mong mỏi là trong đổi mới hay tái cơ cấu của của chúng ta phải dựa trên nhận thức đầy đủ cơ sở thực tiễn có cơ sở khoa học và tìm được sự đồng thuận cao của cả hệ thống chính trị và người dân để cùng hành động.
TS Hoàng Quốc Tuấn và GSTS Võ Tòng Xuân |
Tái cơ cấu 3 năm vẫn nằm trên bàn giấy
- Thưa GS – TS. Võ Tòng Xuân, có thuận lợi không thể không nhắc đến là QĐ 899/TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án tái cơ cấu ngành nông nghiệp từ mấy năm trước. Đây là cơ sở để chúng ta nhân dịp này thực hiện?
GS - TS. Võ Tòng Xuân: QĐ 899/TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tái cơ cấu ngành nông nghiệp Việt Nam đã ban hành từ tháng 6/2013, nhưng không có sự đồng thuận và không có chương trình hay sự tổ chức triển khai thực hiện. Tới nayy vẫn nằm trên bàn.
Đây thực sự là điều đáng tiếc và đáng phải xem lại vì sao. Sự chậm trễ này chắc chắn phải có nguyên nhân từ đâu và ai là người chịu trách nhiệm. Chúng ta rất cần làm rõ nguyên nhân để việc tái cơ cấu đang là nhu cầu ngày càng bức xúc, nhưng khâu thực hiện rất chậm chạp, lề mề.
Trong thời gian hiện tại hạn này qua khỏi tháng 6 có mưa mới có thể hết. Còn hơn 3 tháng nữa nếu chúng ta không sử dụng nước tiết kiệm, nhất là các tỉnh đầu nguồn như An Giang, Đồng Tháp, tiêu hết nước thì các tỉnh hạ nguồn còn mệt nữa. Tôi rất mong các phương tiện truyền thông đại chúng phải kêu gọi bà con đầu nguồn sử dụng tiết kiệm. Nếu không ở dưới thiếu nước. Khó khăn lại chồng khó khăn.
Kế tiếp là phải từng bước tính xem cách nào sử dụng nước phải thật là kinh tế. Không có gì hay bằng có biện pháp tính tiền nước, xài bao nhiêu trả tiền bấy nhiêu, giống như ở các nước. Như thế bà con nông dân sẽ xài kỹ lại chứ không phải như lâu nay làm như nước là trời cho vậy.
Tâm tư của anh Tuấn cũng giống như của tôi là chúng ta đã tốn tiền nhiều để làm thủy lợi, nhưng không đưa vô giá thành, làm ra gạo nhiều bán rẻ, tức là bao cấp cho các nước mua gạo của ta. Trong khi đó họ lại giành nước trồng các cây trồng cao cấp bán có giá cao.
ĐBSCL đang đối mặt với tình trạng hạn mặn kỷ lục trong 100 năm trở lại đây. Ảnh: Đinh Tuấn |
- Nhân tiện đây xin chuyển đến GS Võ Tòng Xuân 2 câu hỏi của độc giả gởi đến cho ông sau khi đọc bài phỏng vấn ông trên Tuần VN (Bài GS chỉ cách làm giàu trên đồng ngập mặn) : 1/ Tại sao người dân sống ở vùng ngập mặn Cần Giờ TP.HCM không làm giàu được mà vẫn nghèo? 2/ Chúng ta đã bị tình trạng làm ra lúa nhiều phải bán đổ bán tháo giá rẻ nuôi thiên hạ. Nay nếu nông dân vùng ven biển chuyển qua nuôi tôm, liệu có xảy ra tình trạng ế thừa như gạo, rồi nông dân bị thua lỗ, phá sản?
GS – TS. Võ Tòng Xuân: Câu hỏi thứ nhất tôi xin giải đáp là do bà con nông dân tự phát làm vì không có chính sách, cho nên tình trạng tôm bị bệnh hoạn làm cho nhiều gia đình điêu đứng. Nuôi tôm phải bảo đảm có nguồn nước sạch, vệ sinh sạch sẽ để có môi trường thật tốt, thì tôm mới lớn, phát triển và cho năng suất.
Ngược lại, không có nguồn nước sạch thì rất dễ trắng tay. Đây không phải lỗi ở bà con, mà do chưa có chính sách phát triển nuôi tôm phù hợp cho vùng Cần Giờ.
Câu thứ hai, tôm không như gạo. Tất cả mọi người dân ở các nước, các tôn giáo khác nhau đều sử dụng. Đạo Hồi, đạo Thiên chúa đều ăn được. Nhu cầu sử dụng tôm trên thế giới rất lớn nên không bị rớt giá. Hiện nay tôm đang là sản phẩm được giá. Nên khi chuyển một phần lúa sang tôm thì an ninh lương thực vẫn đảm bảo mà thêm tôm, một sản phẩm có giá trị cao hơn lúa gạo rất nhiều!
- Xin cảm ơn hai khách mời!
-
Tuần Việt Nam
Xem thêm loạt phóng sự về tình trạng hạn mặn ở ĐBSCL:
Bài 3: Đói khát trên vựa lúa mặn cháy