Người ta nói càng yêu càng đau, rất đúng. Không phải vết thương nào chảy máu mới đau. Có những vết thương không nhìn thấy máu lại chính là vết thương đau nhất.
Thấy tôi đến nhà, cô cháu gái lon ton chạy ra chào, xong rồi nó nhìn tôi dè dặt hỏi:
- Cô ơi, thiên đường có xa không, nó ở đâu ạ?
- À, thiên đường ở xa lắm.
Với trẻ thơ, không đâu khác, gia đình êm ấm chính là thiên đường. (Ảnh minh họa) |
Tôi nghĩ rằng cháu mình đang thắc mắc những chuyện cháu đọc được trong truyện cổ tích.
- Làm sao để đến đó được ạ? Mẹ con bảo: “Mày muốn sướng thì hãy đợi đến lúc lên thiên đường”.
Tôi nhìn cháu, lòng bỗng cồn cào một nỗi xót xa. Mẹ mà cháu nói đến đây chính là mẹ kế.
Anh chị tôi kết hôn, có với nhau hai mặt con thì anh phát hiện chị dâu tôi ngoại tình. Chị nói là chị chỉ mới “xao lòng” thôi, nhưng anh trai tôi nhất định không cho chị cơ hội giải thích, không tha thứ.
Họ dắt nhau ra tòa, cô con gái lớn vừa tròn bốn tuổi ở với cha, đứa bé chưa kịp lên hai ở với mẹ. Hai năm sau anh trai tôi tái hôn, cháu gái tôi cũng gọi vợ của bố mình là mẹ. Vợ hai của anh trai tôi cũng không phải là người quá độc địa, nhưng sự đời xưa nay vốn "khác máu tanh lòng".
Nhất là từ ngày chị có con, mọi sự lạnh nhạt hắt hủi dĩ nhiên lại dành hết cho con riêng của chồng. Hàng xóm nói cháu gái tôi tuy nhỏ nhưng ngoan, mới tý tuổi đầu đã biết nhìn sắc mặt mẹ kế mà sống. Nhưng trẻ con vẫn chỉ là trẻ con, không tránh được những vụng về, sai lầm.
Nhất là những khi trông em để em ngã, hay thích món đồ chơi nào đó mà không muốn nhường cho em, thể nào cũng bị mẹ kế cho ăn đòn. Hẳn là trong lúc tức giận, chị ấy đã nói câu nói đó - “Mày muốn sướng thì đợi đến lúc lên thiên đường”. Làm sao tôi có thể nói với cháu gái của tôi rằng, thiên đường không có thật.
Tôi nhớ lại chuyện riêng của bản thân, nghĩ đến con trai tôi, tự nhủ rằng có lẽ mình đã quyết định đúng khi cố gắng giữ gìn gia đình cho tròn vẹn. Vợ chồng tôi đến với nhau từ tình yêu, kết hôn khi đã tìm hiểu chín chắn. Vậy mà chỉ sau ba năm kết hôn, chồng tôi dan díu với người khác.
Chồng tôi một mực khăng khăng rằng chưa có gì đi quá xa. Nhưng tôi nghĩ, ai ngoại tình cũng đều nói như vậy. Cái cảm giác lúc biết chồng phản bội tôi không biết phải miêu tả thế nào cho chính xác, như là rơi xuống vực, như là muốn phát điên lên. Tôi đã từ chối mọi cuộc đối thoại, mọi lời giải thích.
Đối với tôi lúc đó, chỉ việc nhìn thấy chồng mình thôi cũng đã thấy đau đớn rồi. Tôi không tin là chồng tôi đã hết yêu tôi, nhưng anh phản bội tôi là thật. Còn gì đau đớn hơn việc chính người mình yêu thương nhất, tin tưởng nhất lại cũng chính là người cầm súng bóp cò găm đạn vào tim mình.
Nỗi đau đó không ai có thể hiểu, nếu chưa từng trải qua. Vậy nên sau này, mỗi khi nghe chuyện ai đó bị chồng hay vợ mình phản bội, tôi chỉ muốn được lại gần, ôm họ một cái và nói rằng: Nếu buồn quá, hãy cứ khóc đi. Tôi hiểu.
Nhưng lúc tôi buồn nhất, thất vọng nhất, thì con trai tôi lại nhắc nhở tôi rằng, con có mặt trên đời bắt nguồn từ tình yêu đó. Ánh mắt của con reo vui mỗi khi thấy bố về. Nó quấn quýt bố đến nỗi mỗi khi tôi dắt con đi dạo ngoài đường, nhất định con sẽ đòi có bố đi cùng mới chịu.
Những đêm khuya tôi trở mình, thấy chồng lặng lẽ ngồi hút thuốc bên cửa sổ. Con người ấy, dáng hình ấy, và cả ánh mắt ân hận lẫn xót xa ấy, ngay cả khi đau nhất tôi vẫn yêu. Liệu có phải chúng tôi đang làm nhau đau đớn, không chỉ anh mà cả tôi cũng đang tự làm mình đau khi tỏ ra cố chấp. Nếu tôi không còn yêu anh thì mọi chuyện thật dễ dàng.
Hoặc nếu anh nói anh muốn rời xa tôi thì lại là chuyện khác. Người ta nói càng yêu càng đau, rất đúng. Không phải vết thương nào chảy máu mới đau. Có những vết thương không nhìn thấy máu lại chính là vết thương đau nhất.
Một lần chồng tôi hỏi tôi: "Anh sai, anh đáng bị em đối xử như thế. Anh chỉ muốn biết em có còn cần anh nữa không? Nếu có, chờ bao lâu để em nguôi giận anh cũng sẽ chờ". Và tôi đã òa khóc như một đứa trẻ. Nhiều khi chúng ta cứ nghĩ trừng phạt người khác chính là cách trả thù tốt nhất.
Nhưng thực ra, cho người khác cơ hội cũng là cho mình một cơ hội. Nếu tôi không tha thứ cho chồng cũng chẳng ai trách được tôi. Nỗi đau nào rồi cũng sẽ qua thôi, nhưng còn con tôi, ai sẽ cho con một gia đình tròn vẹn?
Tôi rồi có thể gặp một người đàn ông khác. Chồng tôi có thể sẽ lại yêu một ai đó như đã từng yêu tôi. Nhưng với con trai tôi, không có gì đẹp hơn, hạnh phúc hơn được lớn lên trong sự yêu thương có đủ cha đủ mẹ. Với trẻ thơ, không đâu khác, gia đình êm ấm chính là thiên đường. Nếu còn yêu thương nhau, cớ sao không thể bao dung để con mình khỏi bơ vơ lay lắt?
Trong cuộc đời mình tôi đã có nhiều lúc mệt mỏi mà muốn buông xuôi nhiều thứ, muốn buông vì quá mệt mỏi chứ không phải vì không còn mong muốn. Nhưng cha tôi nói: "Con đã xem các võ sĩ thi đấu quyền anh bao giờ chưa? Ở trên sàn đấu, người ngã xuống chưa bị coi là thua cuộc. Họ chỉ thua cuộc khi từ chối đứng dậy mà thôi".
(Theo Dân trí)