Kết nối cung cầu, chuỗi cung ứng được nối liền

Tại Hội nghị Giữ vững mối liên kết, đảm bảo chuỗi cung ứng hàng Việt Nam, hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, ngày 8/12, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải nhận định, làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh nghiệp, đời sống của nhân dân, chuỗi cung ứng sản xuất và phân phối hàng hóa Việt Nam.

Khi thế giới phải phong tỏa vì dịch bệnh, nguồn cung và nhu cầu bị gián đoạn, nhiều chỉ số kinh tế sụt giảm so với cùng kỳ thì thị trường trong nước nổi lên như một bức tường thành vững chắc, bảo vệ nền kinh tế khỏi những biến động từ bên ngoài.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 11 tháng đầu năm tuy giảm 8,7% so với cùng kỳ năm trước, do các dịch vụ du lịch, hàng không trên toàn cầu bị đình trệ, nhưng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tháng 11 đã tăng 6,2% so với tháng trước.

Chúng ta đã thành công khi nguồn cung hàng hóa thiết yếu không bị gián đoạn và kiểm soát được giá cả trên thị trường.

Bên cạnh đó, chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 11 tiếp tục khởi sắc khi các địa phương trên cả nước thực hiện Nghị quyết số 128 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, với mức tăng 5,5% so với tháng trước và tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2021, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Hướng tới phát triển kinh tế, xã hội trong giai đoạn mới, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128 trong đó nhấn mạnh đến khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh; chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Thứ trưởng Hải mong nhận được chia sẻ từ các tập đoàn kinh tế về những giải pháp gì nhằm khôi phục sản xuất, thúc đẩy tiêu thụ trong nước, góp phần bảo đảm tính tự chủ của nền kinh tế đang ngày càng trở nên cấp thiết.

{keywords}
Nghị quyết số 128, các doanh nghiệp đã dần mở cửa trở lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh, nối lại chuỗi cung ứng và các hoạt động lưu thông (ảnh: P.Thanh)

Ông Ngô Khải Hoàn, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp cho biết các khó khăn, vướng mắc trong sản xuất trong thời gian trước đây là do tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng trong nước do các quy định về phòng dịch, hạn chế lưu thông và tiêu dùng hàng hóa.

Sau khi Chính phủ ban hành và triển khai Nghị quyết số 128, các doanh nghiệp đã dần mở cửa trở lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh, nối lại chuỗi cung ứng và các hoạt động lưu thông, do đó sản xuất dần được phục hồi và ổn định trở lại. Tác động tích cực nêu trên thể hiện ở việc hoạt động sản xuất công nghiệp trong tháng 10/2021 và tháng 11/2021 đã có những dấu hiệu phục hồi so với tháng trước cũng như tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2020.

Bà Lê Việt Nga – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) khẳng định, một trong những giải pháp quan trọng là đẩy mạnh liên kết.

Bộ Công Thương cũng như các Bộ, ngành khác (Bộ NN-PTNT, Bộ TT&TT, Bộ Văn hóa thể thao và du lịch...) đã tổ chức các chương trình kết nối, tiêu thụ sản phẩm giữa nhà cung ứng địa phương với hệ thống phân phối, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu và các tổ chức XTTM theo vùng và các nhóm sản phẩm tiềm năng thông qua nhiều hình thức như trực tuyến, ứng dụng môi trường số hoặc trực tiếp nếu dịch bệnh được kiểm soát.

Ngoài ra, phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, Bộ GTVT, Bộ TT&TT... liên tục có các văn bản hướng dẫn, đề nghị gửi các địa phương nhằm giảm bớt khó khăn cho người dân, doanh nghiệp khi vận chuyển hàng hóa qua các chốt kiểm dịch nhằm điều phối cung ứng hàng hóa thiết yếu cho thị trường, kịp thời xử lý các khó khăn trong lưu chuyển hàng hóa nhằm không làm đứt gẫy chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu trong lúc dịch bệnh căng thẳng.

Có thể nói, mối liên kết – bản thân nó đã là một giải pháp quan trọng, là chìa khóa quan trọng trong bất kỳ thời điểm nào, nhưng khi dịch bệnh Covid-19 đến, bùng phát nghiêm trọng hay khi chúng ta phải thích nghi với “tình hình mới” thì chiếc chìa khóa đó lại phát huy tác dụng hơn bao giờ hết, để từ đó góp phần giữ vững chuỗi cung ứng hàng hóa trong nước, bà Nga khẳng định.

Doanh nghiệp chủ động, linh hoạt trong tình hình mới

Ông Vương Đức Anh, Chánh văn phòng HĐQT Vinatex chia sẻ, đối với dệt may Việt Nam, mặc dù khu vực may phía Nam bị ảnh hưởng phải đóng cửa vì dịch bệnh trong quý 3 tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu 10 tháng 2021 đạt 32,4 tỷ USD, tăng 11% so cùng kỳ năm 2020 và cũng gần tương đương cùng kỳ của năm 2019. Nếu 2 tháng cuối năm, mỗi tháng tối thiểu xuất khẩu đạt 3 tỷ USD, Dự kiến cả năm 2021 xuất khẩu dệt may Việt Nam có thể đạt 39 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2020.

Sau 9 tháng năm 2021, Tập đoàn này đã vượt 35% kế hoạch năm và phục hồi về mức trước khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát năm 2019, lợi nhuận năm 2021 dự kiến cao gấp trên 2 lần năm 2020 và có thể cao hơn nếu vừa qua khu vực may phía Nam của tập đoàn này không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, bù lại năm nay lĩnh vực sản xuất nguyên liệu đóng góp 60% hiệu quả của Vinatex.

“Kinh nghiệm từ sau đợt dịch vừa rồi cho thấy, việc làm chủ nguyên liệu trong nước là chìa khoá để giúp doanh nghiệp phát triển bền vững và chắc chắn hơn trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài. Do đó ngành dệt may đã có kế hoạch phát triển chuỗi sản xuất từ sợi, dệt nhuộm đến may, tiến tới là nhà cung cấp trọn gói đối với các khách hàng lớn”, ông Vương Đức Anh nhấn mạnh.

Để duy trì chuỗi sản xuất, thích ứng linh hoạt trong tình hình mới, nhất là trong những tháng cuối năm, ông Ngô Khải Hoàn, đề nghị,các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất trong tình huống dịch có thể kéo dài.

Theo ông, doanh nghiệp cần nhanh chóng tái tuyển dụng và đào tạo lao động, nhất là những ngành thâm dụng cao như da giày, điện tử, chế biến thực phẩm... do thời gian qua thiếu hụt, lao động chuyển dịch về quê; có chính sách linh hoạt về giờ làm thêm, kiến nghị giảm đóng phí công đoàn, trả thêm thù lao cho lao động làm việc tại chỗ, hỗ trợ giữ trẻ cho người lao động...

Các doanh nghiệp cũng cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nhà nước khi triển khai Nghị quyết số 128, có kiến nghị kịp thời về những bất cập phát sinh để tránh xảy ra tình trạng cát cứ, ách tắc lưu thông hàng hóa như vừa qua.

Các cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương cũng cần thống nhất khi triển khai các chỉ đạo của Chính phủ, tránh tình trạng mỗi địa phương làm một kiểu, để đảm bảo đủ nguyên liệu cho sản xuất, ông nhấn mạnh.

Trần Thường