Nhằm tiếp tục duy trì, phát triển nông nghiệp trên địa bàn thị xã Ba Đồn theo hướng sản xuất hàng hóa và nâng cao chất lượng, giá trị chuỗi sản phẩm, tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho người dân. Từng bước chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Thị xã Ba Đồn đã và đang đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới, giai đoạn 2020 – 2025.
Đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được tập trung thực hiện quyết liệt, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa. Bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống nhân dân được cải thiện. Đến năm 2020, bình quân đạt 18,7 tiêu chí/xã, có 08 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 50 tiêu chí và 06 xã so với đầu nhiệm kỳ. Từng bước hoàn thiện và nâng cao các tiêu chí, triển khai xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu, xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Tập trung thực hiện thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Bước đầu hình thành một số mô hình, sản phẩm nông nghiệp liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tăng giá trị thu nhập, đến cuối năm 2019 có 02 sản phẩm sản đạt 3 sao cấp tỉnh, như: Tỏi đen Quảng Minh, đũa gỗ Quảng Thủy. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp dễ bị tác động bởi thiên tai, dịch bệnh; quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn chậm, chuyển dịch cơ cấu nông thôn chưa mạnh, chất lượng hàng hóa nông sản chưa cao, sức cạnh tranh yếu. Các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ còn ít; liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp còn hạn chế…
Thị xã Ba Đồn phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới, giai đoạn 2020 - 2025 |
Hiện tại, thị xã Ba Đồn đang hoàn thiện kế hoạch sản xuất lúa và chăn nuôi lợn hữu cơ trên địa bàn nhằm hướng đến một nền nông nghiệp sạch. Theo đó, thị xã tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân về sản xuất nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ; tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của người sản xuất về sản xuất nông nghiệp sạch, cải tạo đất, bảo vệ môi trường sinh thái.
Đồng thời, thị xã đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại những nơi có đủ điều kiện trên địa bàn theo quy định tại Nghị định số 109/2018/NĐ-CP, ngày 29-8-2018 của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ và bộ tiêu chuẩn quốc gia có liên quan; hình thành và phát triển, nhân rộng các mô hình sản xuất lúa và chăn nuôi lợn hữu cơ theo hướng chuyên canh, sản xuất hàng hóa, phù hợp với điều kiện khí hậu, thời tiết, đất đai của địa phương; áp dụng khoa học công nghệ; đẩy mạnh liên kết sản xuất, gắn với thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất; tạo các sản phẩm hàng hóa chất lượng cao cung cấp cho thị trường, qua đó, tăng thu nhập cho người dân trên cùng một đơn vị sản xuất.
Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa “4 nhà"
Trong thời gian tới, xác định sản xuất nông nghiệp vẫn là lĩnh vực quan trọng góp phần phát triển kinh tế nói chung của thị xã. Việc phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ cho phép khai thác tối ưu các nguồn tài nguyên như đất, nước và các chất dinh dưỡng với một phương pháp quản lý hợp lý nhất, nhằm mục đích tạo ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời cũng đảm bảo cho hệ thống sản xuất bền vững về môi trường.
Cụ thể, từng bước chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Phấn đấu đạt giá trị sản xuất ngành nông, lâm, ngư nghiệp tăng bình quân hàng năm 3,5 - 4%; tổng sản lượng lương thực bình quân hàng năm đạt 27.500 - 28.000 tấn; tỷ lệ giống lúa xác nhận đạt 90 - 95%; tỷ lệ giống lúa mới, chất lượng và chất lượng cao đạt từ 65-70%; có từ 3 - 5 mô hình sản xuất lúa, rau quả, chăn nuôi theo hướng sản phẩm sạch, hữu cơ và nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả trên địa bàn các xã, phường có điều kiện phù hợp; Hoàn thiện và nâng cao các tiêu chí nông thôn mới đã đạt được, triển khai xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu, xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Phấn đấu 100% xã đạt chuẩn Nông thôn mới, trong đó có 01 - 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, có 02 - 03 khu dân cư kiểu mẫu, gắn với thực hiện có hiệu quả chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); Thực hiện tốt việc nghiên cứu, tuyển chọn, chuyển giao và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, quy trình công nghệ mới vào sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, hữu cơ; Thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng chất lượng, hiệu quả, gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững; Phát triển, nhân rộng các mô hình sản xuất theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nâng cao giá trị chuỗi sản phẩm; chú trọng công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi.
Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp từ nguồn ngân sách và các chương trình phát triển nông thôn; liên kết sản xuất, chế biến, hình thành chuỗi giá trị và xây dựng thương hiệu hàng hóa, bảo đảm thị trường tiêu thụ. Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa “4 nhà", nhà quản lý, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tạo các điều kiện thuận lợi về mọi mặt để đầu tư triển khai thực hiện các mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp.
Kim Chi
Ảnh: Ngọc Trang