Phòng thử nghiệm cung cấp dịch vụ thử nghiệm tương thích điện từ quy mô nhất tại Việt Nam vừa được TUV Rheinland Việt Nam khai trương tại Khu Công nghiệp Thăng Long II (Hưng Yên)
Thêm một phòng thử nghiệm tương thích điện từ quy mô
Cùng với việc các đại gia công nghệ thế giới như Samsung, LG, Intel tăng cường đầu tư vào Việt Nam, nhiều ngành kinh doanh vệ tinh cũng trở nên "nóng" hơn bao giờ hết.
Bên cạnh những doanh nghiệp phụ trợ, cung cấp linh kiện rục rịch vào Việt Nam theo chuỗi các nhà máy điện tử ở Thái Nguyên, Bắc Ninh hay TP.HCM, mới đây nhất, một phòng thử nghiệm tương thích điện từ (EMC) với quy mô 1000m2 cũng đã được TUV Rheinland Việt Nam khai trương chính thức. Đây là phòng thử nghiệm cung cấp dịch vụ thử nghiệm tương thích điện từ quy mô nhất tại Việt Nam hiện nay và thực hiện chứng nhận theo những tiêu chuẩn quốc tế cập nhật nhất.
Cụ thể, đó là các thử nghiệm phát nhiễu bức xạ, miễn nhiễm nhiễu và sóng vô tuyến, cũng như đánh giá sự phù hợp tương thích điện từ cho các thiết bị điện, điện tử khác nhau. Trước đó, dịch vụ này chỉ do một số ít đơn vị Nhà nước tiến hành.
Do các thiết bị điện luôn phát ra sóng điện từ và các sóng này có thể gây nhiễu với những thiết bị xung quanh, nên việc thử nghiệm, công nhận sản phẩm đáp ứng những tiêu chuẩn kỹ thuật ngặt nghèo (cả quốc tế lẫn của Việt Nam) về phát nhiễu bức xạ, miễn nhiễm nhiễu và tương thích điện từ là rất quan trọng, nhất là khi những sản phẩm đó được làm ra để xuất khẩu vào các thị trường nước ngoài khó tính.
Những thiết bị như máy in, máy fax, máy copy, điện thoại di động, máy tính bảng, máy tính, thậm chí cả đồ điện gia dụng, các thiết bị công nghiệp và y tế, thiết bị vô tuyến (Wi-Fi, Bluetooth)... đều trong diện cần được thử nghiệm. Với công suất "khủng" của các nhà máy điện tử Samsung, LG, Sharp tại Việt Nam, nhu cầu thử nghiệm tương thích điện từ của thị trường tại thời điểm này và trong thời gian tới là rất lớn, ông Frank Juettner, Tổng giám đốc TUV Rheinland Việt Nam cho biết.
Thị trường tiềm năng
"Các khách hàng của chúng tôi đang đặt ra yêu cầu về hình thức thử nghiệm này rất nhiều. Môi trường Việt Nam đang thu hút vốn FDI rất lớn. Nhiều doanh nghiệp điện tử Hàn Quốc, Nhật Bản đã chuyển hoạt động của họ từ Trung Quốc sang Việt Nam thời gian gần đây nên nhu cầu về thử nghiệm tương thích điện từ cũng tăng lên. Họ chủ yếu xây dựng nhà máy ở phía Bắc, do đó Phòng thử nghiệm đầu tiên của chúng tôi đặt tại Hưng Yên nhưng chúng tôi cũng đã có kế hoạch mở rộng hệ thống phòng thử nghiệm sang những khu vực khác nữa", ông Juettner phân tích những lý do khiến công ty ông lựa chọn đúng thời điểm này để khai trương Phòng thử nghiệm EMC.
"Phòng thử nghiệm mà TUV Rheinland khai trương rất quan trọng và có ý nghĩa lớn đối với nhiều công ty đang chuẩn bị cung cấp sản phẩm sản xuất tại Việt Nam cho thị trường thế giới", ông FujiwaraHitoshi, Phó chủ tịch kiêm Tổng Giám đốcTập đoàn Fuji Xerox tán đồng.
Vị đại diện của TUV Rheinland Việt Nam không tiết lộ con số đầu tư cụ thể, ngoài việc "xây dựng và trang bị cho Phòng thử nghiệm EMC đòi hỏi chi phí không hề rẻ". Tuy nhiên, ông cam kết sẽ còn tiếp tục đầu tư mạnh hơn vào thị trường Việt Nam trong thời gian tới, khi "nhìn thấy những tiềm năng khổng lồ của thị trường này".
Bên cạnh đó, Phòng thử nghiệm EMC không chỉ phục vụ các Tập đoàn điện tử đa quốc gia mà các doanh nghiệp trong nước, kể cả vừa và nhỏ, cũng hoàn toàn có thể tiếp cận các dịch vụ thử nghiệm này. Trên thực tế, khi Việt Nam gia nhập các Hiệp định Thương mại lớn thì việc sản phẩm của doanh nghiệp nội địa được chứng nhận đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, bởi một tổ chức có uy tín, được quốc tế công nhận rộng rãi, là hết sức quan trọng. Điều này sẽ giúp các sản phẩm Việt Namthâm nhập thị trường quốc tế thuận lợi và dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, TUV Rheinland còn hỗ trợ các nguồn lực cần thiết, thậm chí cả việc đào tạo kỹ năng cho doanh nghiệp khi "xuất ngoại".
"Dịch vụ của chúng tôi rất linh hoạt, được "may đo" cho phù hợp với điều kiện tài chính của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước. Sau khi thử nghiệm, các doanh nghiệp có thể chia sẻ kết quả nàyvới những tập đoàn lớn, toàn cầu trong quá trình đàm phán hợp tác", ông Juettner cam kết.
Được thành lập cách đây hơn 140 năm, TUV Rheinland là nhà cung cấp dịch vụ kiểm định độc lập hàng đầu thế giới, hoạt động tại 69 quốc gia với hơn19.000 nhân viên và doanh thu hàng năm khoảng 1,7 tỷ Euro. TUV Rheinland Việt Nam chính thức thành lập từ năm 2001 tại TP.HCM và hiện đang cung cấp các dịch vụ thử nghiệm softlines như giày dép, quần áo, đồ chơi, cũng như các dịch vụ tương tự cho sản phẩm Hardlines gồm đồ gỗ nội ngoại thất, bật lửa, bao bì đóng gói, sản phẩm xây dựng....
Phương Lâm