Việt Nam được đánh giá là thị trường tiềm năng với con số nhập khẩu lên tới 90% thiết bị y tế, cùng với đó nhu cầu khám chữa bệnh chất lượng cao ngày càng gia tăng.
Mỗi năm đều đặn chia nhau 1.200 tỷ: Chuyện lạ xứ đồng xanh số 1 Việt Nam
Ông Hứa Phú Doãn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội thiết bị Y tế TPHCM (HMEA) cho biết, trong giai đoạn 2012-2017, bình quân mỗi năm thị trường trang thiết bị y tế trong nước có mức tăng trưởng khoảng 18%/năm.
Thị trường này đã vượt hơn 1,1 tỉ đô la Mỹ doanh thu vào năm ngoái, so với con số khoảng 950 triệu đô la Mỹ của năm 2016. Điều này cho thấy thị trường trang thiết bị y tế đang có mức tăng trưởng nhanh và khá hấp dẫn với doanh nghiệp sản xuất mặt hàng này.
Ông Doãn nhận định, kinh tế trong nước đang tăng trưởng nhanh thì thị trường này sẽ tiếp tục tăng cao. Do đó, ông dự báo trong những năm tới thị trường trang thiết bị tế Việt Nam sẽ tăng lên hơn 20% mỗi năm.
Việc xây mới bệnh viện công và tư, phòng khám chữa bệnh gia đình, cơ sở làm đẹp, thẩm mỹ viện... cũng được dự báo có chiều hướng tăng cao trong thời gian tới. Xu hướng đầu tư trang thiết bị y tế tại các bệnh viện công (chiếm 70%) đang dần đi vào tự chủ tài chính, cùng với đó các bệnh viện tư nhân ngày càng nhiều hơn.
Mỗi năm Việt Nam có hàng chục ngàn lượt người mang theo hàng tỷ USD ra nước ngoài chữa bệnh. Ngoài ra, sự gia tăng của tầng lớp trung lưu, tốc độ tăng người siêu giàu tại Việt Nam được dự đoán tăng mạnh trong 10 năm tới với số lượng hơn gấp đôi hiện tại và đạt khoảng 430 người, nhanh hơn Ấn Độ và Mozambique cũng là yếu tố để thúc đẩy thị trường này phát triển.
Theo ông Phạm Hoàng Hải - Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Ý tại Việt Nam (Icham), Việt Nam là một thị trường tiềm năng trong lĩnh vực dược và thiết bị y tế. Các doanh nghiệp của Ý trong lĩnh vực này đang rất quan tâm và mong muốn phát triển mạnh tại thị trường Việt Nam.
Khảo sát của Vietnam Medipharm Expo cho thấy, có tới 18 quốc gia và vùng lãnh thổ đang quan tâm tới thị trường Việt. Đơn cử như Hàn Quốc, cục xúc tiến Kinh tế Busan (Hàn Quốc) đã tổ chức đoàn gồm 50 doanh nghiệp sang Việt Nam bao gồm mô hình khám chữa bệnh tiên tiến nhất đang áp dụng hiệu quả tại Hàn Quốc, cùng với đó là các thiết bị/ sản phẩm y tế áp ứng dụng công nghệ mới, phù hợp với nhu cầu của người dân Việt Nam.
Các hoạt động xúc tiến thương mại lần này kỳ vọng sẽ mở ra các cơ hội đầu tư, hợp tác nhằm hướng tới kim ngạch song phương 100 tỷ đô vào năm 2020 giữa Việt Nam – Hàn Quốc.
Hay như các doanh nghiệp Quatar cũng đánh giá cao thị trường này khi tổ chức giới thiệu các sản phẩm và dịch vụ chăm sóc sức khỏe của ngành y tế tại Việt Nam. Là một trong số quốc gia Trung Đông đầu tư nhiều nhất cho y tế, Qatar đạt được nhiều thành tựu về sức khỏe cộng đồng.
Nhận định của các chuyên gia trong thời gian tới, Việt Nam đang tích cực phát triển xã hội hóa cơ sở và thiết bị y tế công ở các tỉnh thành phố lớn và địa phương để đáp ứng với nhu cầu ngày càng tăng và giảm thiểu tình trạng quá tải. Do đó, ngành thiết bị y tế vẫn là mảnh đất màu mỡ, thu hút nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tham gia.
Nam Hải
Vỡ mộng với đại gia ngoại: 'Tình duyên' lận đận, trăm tỷ tiêu tan
Dù đã được đại gia ngoại nâng đỡ nhưng các doanh nghiệp bán lẻ nội vẫn không đủ sức cạnh tranh. Kết cục buồn là việc chia tay với doanh nghiệp ngoại và thâu tóm, rời bỏ thị trường.