Ưu đãi lớn về thuế cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo

Hội thảo “Cơ hội mở rộng kinh doanh tại Bỉ - bàn đạp tới châu Âu” vừa diễn ra chiều 31/10 ở Hà Nội, nhằm giúp doanh nghiệp công nghệ Việt khám phá cơ hội mở rộng kinh doanh tại một thị trường mới với khá nhiều ưu đãi hấp dẫn.

Dai su Vuong quoc Bi.jpg
Ngài Karl Van Den Bossche, Đại sứ Vương quốc Bỉ tại Việt Nam đánh giá cao hệ sinh thái công nghệ năng động của Việt Nam. Ảnh: Bình Minh

Ngài Karl Van Den Bossche, Đại sứ Vương quốc Bỉ tại Việt Nam đánh giá cao hệ sinh thái công nghệ năng động của Việt Nam với sự tăng trưởng mạnh mẽ trong các lĩnh vực như thương mại điện tử, công nghệ tài chính (fintech) và phát triển phần mềm... Tinh thần đổi mới sáng tạo chính là động lực thúc đẩy hệ sinh thái công nghệ Việt.

“Loạt công nghệ mới như điện toán đám mây (cloud), trí tuệ nhân tạo (AI), Internet kết nối vạn vật (IoT)… ngày càng được Việt Nam ứng dụng rộng rãi với những khoản đầu tư lớn nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật số. Điều này có thể truyền cảm hứng để doanh nghiệp Bỉ tích hợp các công nghệ nói trên vào hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Doanh nghiệp Bỉ có thể học hỏi ở doanh nghiệp Việt khả năng nhanh chóng áp dụng, làm chủ công nghệ mới”, Đại sứ Vương quốc Bỉ tại Việt Nam bày tỏ.

Ông Arne Aertbeliën, Quản lý đầu tư khu vực châu Á của Hub.Brussels (một tổ chức liên ngành hàng đầu ở Vùng thủ đô Brussels về hỗ trợ doanh nghiệp) cho biết: “Hiện có 13.000 người Việt ở Bỉ, 1.400 người Việt ở Brussels. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp Việt trong quá trình thiết lập hoạt động tại Brussels, từ việc đăng ký, thuê trụ sở, làm thủ tục visa… tới việc tìm kiếm nguồn tài chính hỗ trợ, đào tạo kỹ năng, xây dựng chiến lược mới để kinh doanh bền vững”.

Đặc biệt, Vương quốc Bỉ có nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích dành cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.

“Mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp đang áp dụng tại Bỉ là 25%. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp công nghệ đổi mới sáng tạo, thuế suất chỉ 3,75%. Đây là mức ưu đãi thuế tốt nhất so với các nước thành viên OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế). Những người làm trong mảng R&D (nghiên cứu và phát triển) cũng có chính sách ưu đãi lớn”, ông Arne Aertbeliën thông tin.

“Nếu doanh nghiệp công nghệ Việt thực sự đổi mới sáng tạo, đáp ứng các tiêu chí, yêu cầu của Vương quốc Bỉ thì mức thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ còn 3,75%. Rất nhiều doanh nghiệp Ấn Độ đã hưởng mức thuế suất ưu đãi này rồi. Đang có “làn sóng” doanh nghiệp Ấn Độ sang Bỉ thành lập văn phòng, làm “bàn đạp” ra các nước châu Âu”, bà Trần Tuyết Trang, Tham tán Kinh tế và Thương mại đại diện Chính phủ Vùng Thủ đô Brussels, thông tin thêm với PV. Báo VietNamNet bên lề sự kiện.

Cơ hội tốt cho doanh nghiệp công nghệ Việt 

NTQ Solutions là một trong số không nhiều doanh nghiệp công nghệ Việt đã có khách hàng ở Brussel và khu vực lân cận.

“Bỉ đang thực thi rất nhiều chính sách thúc đẩy R&D, đổi mới sáng tạo, khuyến khích phát triển hệ sinh thái startup. Chính sách hỗ trợ của Bỉ giúp doanh nghiệp công nghệ có thể dễ dàng mở rộng hoạt động tại thị trường này, từ hỗ trợ lập văn phòng đến tư vấn luật, thuế, nhân sự…, đều là những khía cạnh mà các công ty công nghệ Việt rất quan tâm. Cơ hội tốt đang chờ các công ty công nghệ Việt có ý tưởng kinh doanh mới tại thị trường Bỉ, hoặc muốn hợp tác với các đối tác startup/doanh nghiệp đổi mới sáng tạo có ý tưởng R&D tại đây”, bà Nguyễn Minh Trang, Trưởng Phòng Thương hiệu NTQ Solution chia sẻ. 

Xác định châu Âu là thị trường trọng điểm, NTQ Solution đang tích cực mở rộng hoạt động, lập nhiều chi nhánh để có thể mang sản phẩm, dịch vụ “Made by NTQ”, “Make in Vietnam” tới gần hơn với khách hàng quốc tế được xếp hạng "khó tính". Dựa trên công nghệ lõi là AI hoặc AI tạo sinh (Generative AI), sản phẩm/dịch vụ của NTQ có khả năng tùy biến theo đặc thù riêng của từng thị trường, khách hàng cụ thể.

“Tại châu Âu, chúng tôi đã thành lập 2 chi nhánh ở Hà Lan và Đức. Bỉ nằm trong danh sách chúng tôi cân nhắc mở rộng hoạt động kinh doanh trong thời gian tới”, bà Trang nói.

Với những doanh nghiệp Việt muốn “Bỉ tiến”, bà Trang lưu ý: “Cùng khối EU (Liên minh Châu Âu) nhưng mỗi nước có luật lệ, nguyên tắc, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khác nhau. Các doanh nghiệp công nghệ bước chân vào Bỉ hoặc các nước trong khối EU cần phải nghiên cứu kỹ văn hóa, cách vận hành, môi trường pháp lý… của từng quốc gia. Đây vẫn đang là “bài toán khó” đối với phần lớn công ty công nghệ Việt”.

Toan canh.jpg
DN công nghệ Việt có nhiều cơ hội để tiến vào thị trường Bỉ. Ảnh: Bình Minh

Trao đổi với PV. Báo VietNamNet, bà Nguyễn Thị Thu Giang, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký VINASA nhận định: Bỉ có rất nhiều chính sách/chương trình hỗ trợ khá tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt muốn khám phá thị trường châu Âu và thị trường Bỉ.

Tổng doanh thu thị trường công nghệ thông tin của Bỉ hiện nay ước khoảng hơn 27 tỷ USD, dù dân số chỉ hơn 11,7 triệu người. Trong khi Việt Nam có khoảng 100 triệu dân nhưng doanh thu ngành phần mềm mới đạt hơn 13 tỷ USD. Sự trưởng thành của thị trường ứng dụng công nghệ thông tin, kinh nghiệm và năng lực của doanh nghiệp tại Bỉ đều tốt hơn Việt Nam.

Nếu doanh nghiệp Việt Nam có thể hợp tác với doanh nghiệp Bỉ để phát huy lợi thế của nhau, cùng hợp tác phát triển sản phẩm, giải pháp công nghệ mới, thì đôi bên cùng có lợi. 

Doanh nghiệp Bỉ có thể giúp doanh nghiệp Việt đi vào thị trường châu Âu nhanh hơn, hiệu quả hơn. Và ngược lại, doanh nghiệp Việt có thể giúp doanh nghiệp Bỉ gia tăng doanh thu, thị phần tại thị trường Việt đầy tiềm năng.

“Dù đã tổ chức khá nhiều đoàn doanh nghiệp đi châu Âu, tới Đức, Pháp, Anh, Đan Mạch, Phần Lan…, nhưng đến giờ, VINASA vẫn chưa có chương trình nào đưa doanh nghiệp Việt Nam sang Bỉ, do hai bên chưa có nhiều dịp trao đổi thông tin. Nếu VINASA có thể tăng cường hợp tác, trao đổi thông tin cùng Đại sứ quán Bỉ và một số tổ chức hỗ trợ xúc tiến hợp tác Việt – Bỉ thì thời gian tới sẽ có thêm nhiều chương trình kết nối hiệu quả hơn giữa doanh nghiệp công nghệ hai nước”, bà Giang cho hay.

3 thách thức với doanh nghiệp công nghệ Việt

Theo Đại sứ Karl Van Den Bossche, một trong những vấn đề lớn nhất của hệ sinh thái công nghệ Việt hiện nay là thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao. Dù sở hữu lực lượng lao động trẻ, Việt Nam vẫn thiếu nhân sự có tay nghề cao, đáp ứng được nhu cầu của các ngành công nghệ tiên tiến. 

Thách thức khác về cơ sở hạ tầng chất lượng cao. Dù đã đạt nhiều tiến bộ trong việc cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, Việt Nam vẫn rất cần những hệ thống mạnh mẽ và đáng tin cậy hơn nữa, không chỉ bao gồm cơ sở hạ tầng vật lý như trung tâm dữ liệu hay Internet tốc độ cao, mà còn gồm cả quy tắc, quy định song hành với những tiến bộ nhanh chóng về mặt công nghệ.

Việc mở rộng ra thị trường quốc tế cũng vẫn là một thách thức lớn đối với công ty công nghệ Việt. Dù có nhiều sản phẩm và ý tưởng sáng tạo, nhưng để thành công tại thị trường toàn cầu, doanh nghiệp cần phải có kế hoạch chiến lược cũng như sự hỗ trợ từ Chính phủ cũng như khu vực tư nhân.

“Nếu giải quyết được những thách thức về nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng và việc mở rộng ra thị trường quốc tế, Việt Nam có thể trở thành trung tâm công nghệ hàng đầu khu vực”, Đại sứ Karl Van Den Bossche nhấn mạnh.