{keywords}
 

Sophia Qiao, 30 tuổi, sống tại Thâm Quyến (Trung Quốc), đã bỏ ra 2.000 NDT (6,7 triệu đồng) để mua chú mèo Tuantuan. Sau đó, cô chi thêm số tiền gần tương đương để mua robot làm bạn với mèo. Robot có tên Ebo, do startup Enabot phát triển. Qiao cho biết Ebo khá hữu ích, đặc biệt khi cô đi vắng cả tuần.

“Tôi có thể nói chuyện, tương tác với chú mèo của mình theo thời gian thực. Mèo của tôi rất thích tính năng chiếu laser… Tôi cũng được chơi với Tuantuan (qua Ebo) 1 hay 2 giờ”, Qiao nói.

Ebo có hình dạng như quả bóng và bé bằng nắm tay. Khi kết nối Wi-Fi, nó giúp chủ nhân theo dõi và chơi với thú cưng từ xa qua ứng dụng di động, quay được cả video. Ngoài camera HD và loa, Ebo sử dụng trí tuệ nhân tạo để nhận diện mặt mèo và theo chúng khắp nơi. Thậm chí, nó còn phán đoán được tâm trạng của mèo để thay đổi hành vi cho phù hợp.

Ebo có chân, tự lăn trên sàn. Cảm biến tích hợp giúp nó tránh chướng ngại vật. Ebo sẽ trở về dock sạc khi hết pin. Nó dùng đèn laser để chơi với mèo.

Qiao cảm thấy an tâm hơn khi để Tuantuan ở nhà khi đi làm hay du lịch.

Xiao Fei, nhà phân tích cấp cao tại hãng nghiên cứu Analysys, cho biết người già và người độc thân Trung Quốc ngày một tăng, dẫn tới nhu cầu nuôi chó mèo tăng theo, kích thích nền kinh tế thú cưng. Dù vậy, thị trường robot cho chó mèo vẫn còn ở giai đoạn non trẻ so với robot dùng trong giáo dục, dịch vụ ăn uống.

Tại Trung Quốc, theo hãng nghiên cứu Frost & Sullivan, số lượng các hộ gia đình nuôi thú cưng đã tăng từ 69,3 triệu năm 2013 lên 99,8 triệu năm 2018. Người nuôi chó mèo cũng rất bạo tay trong việc mua sắm. Ngành công nghiệp thú cưng Trung Quốc ước đạt 172,2 tỷ NDT năm 2018 và dự kiến chạm mốc 472,3 tỷ NDT trong năm 2023, theo Frost & Sullivan.

Trên nền tảng video Kuaishou, vào tháng 5, trung bình cứ 5,4 giây lại có một livestream chó mèo. Số lượt xem video ngắn về chó mèo có thể đạt 700 triệu lượt mỗi ngày.

Thành lập năm 2018, Enabot ra mắt sản phẩm Ebo đầu tiên vào cuối năm 2019. Họ đã huy động được khoảng 10 triệu NDT trong 2 năm qua và hiện có hơn 40 nhân viên, phần lớn thuộc bộ phận nghiên cứu và phát triển, theo Zhu Hong, đồng sáng lập Enabot.

Zhu, cũng là một người nuôi mèo, nhận xét trí tuệ nhân tạo và robot tạo động lực chuyển đổi số lên nhiều ngành khác nhau nhưng chủ yếu là đào tạo, công nghiệp. Khi công nghệ hiện đại hơn, robot có thể dùng trong các không gian mở và tương tác với con người.

Zhu tốt nghiệp kỹ thuật máy tính và điện tử năm 2014 tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong. Trước khi mở Enabot, cô làm việc tại nhà sản xuất drone DJI. Enabot cũng mở chiến dịch vào tháng 11/2019 trên nền tảng gọi vốn Kickstarter. Khoảng 2.467 người đã quyên góp 3,4 triệu HKD cho dự án.

Dù mới bán được vài ngàn Ebo, khách hàng của Enabot đến từ hơn 60 nước, trong đó Nhật Bản, châu Âu và Mỹ là thị trường phổ biến nhất. Enabot bán hàng qua website chính thức và các nhà phân phối địa phương ở nước ngoài.

Đối thủ của Enabot có nhà sản xuất sản phẩm cho thú cưng Dogness. Dogness đã phát triển robot thông minh iPet. Nó lớn hơn Ebo, cao khoảng 30cm, có thể điều khiển từ xa, trang bị các tính năng như camera HD nhìn xuyên màn đêm, tự động cho chó mèo ăn, chiếu laser và tương tác giọng nói.

Đầu năm nay, startup VARRAM của Hàn Quốc cũng gia nhập thị trường Trung Quốc và huy động được 180.000 NDT của 316 người ủng hộ từ tháng 4 tới tháng 5 trên JD Finance. Robot của VARRAM có thể cho chó mèo ăn, di chuyển khắp nơi và phát ra âm thanh.

Trong tương lai, Enabot có kế hoạch phát triển nhiều sản phẩm cho chó hơn và tập trung vào thị trường Trung Quốc. “Chúng tôi hi vọng những công nghệ “lạnh lẽo” như robot có thể mang lại sự ấm áp cho mọi người và giúp họ tận hưởng thời gian cho gia đình nhiều hơn”, Zhu nói.

Du Lam (Theo SCMP)

Luxshare là ai mà khiến 'mãnh hổ' Foxconn phải dè chừng?

Luxshare là ai mà khiến 'mãnh hổ' Foxconn phải dè chừng?

Ngay cả khi đang giữ “miếng bánh” lớn nhất trong chuỗi cung ứng Apple, lãnh đạo của công ty Đài Loan Foxconn vẫn để mắt tới đối thủ nhỏ con đến từ Trung Quốc: Luxshare-ICT.