Ông Nguyễn Việt Anh, Phó tổng giám đốc FPT Shop, cho biết tháng 6 vừa rồi là tháng laptop bán chậm nhất trong năm, do vào mùa nghỉ hè. Tuy nhiên tình hình sẽ ấm lại trong vài tháng tới, và sẽ đạt đỉnh tại tháng 9, khi nhu cầu mua sắm cho ngày tựu trường tăng cao.
Tại Thế Giới Di Động tình hình cũng tương tự. Đại diện hệ thống này cho hay do tháng 6, tháng 7 doanh số laptop rất thấp nên sẽ kéo theo cả quý 2 thành quý doanh số bán thấp nhất trong năm. Quý 3 sẽ kéo các con số theo hướng tăng đột biến do nhu cầu mua sắm của học sinh sinh viên. Bên cạnh đó, quý 1 cũng tăng trưởng nhẹ do có mùa Tết.
Theo số liệu từ hai hệ thống bán lẻ này, trong 6 tháng đầu 2017, nhóm laptop bán chạy vẫn thuộc phân khúc tầm trung với giá bán dễ chịu.
Tại Thế Giới Di Động, laptop bán chạy nhất nằm ở phân khúc từ 9,5-11 triệu đồng. Các mẫu máy được khách mua nhiều đều sử dụng vi xử lý Intel Core i3, tức mức vi xử lý gần như tối thiểu hiện nay để đáp ứng các nhu cầu làm việc thông thường của giới sinh viên, văn phòng.
Những mẫu máy tiêu biểu bán chạy nhất là Dell Inspiron 3567 Core i3, Dell Vostro 3468 Core i3, Asus A540 Core i3, HP 15AY Core i3, Acer Aspire E5 475 Core i3, Lenovo Ideapad 110 Core i3.
Nhóm laptop bán chạy nhất trong 6 tháng qua tại FPT Shop có mức giá nhỉnh hơn một chút, dao động từ 12-14 triệu đồng, chiếm khoảng 29% doanh số tổng. Trong danh sách laptop bán chạy tại hệ thống này, vẫn là những cái tên đang đứng đầu thị trường Việt Nam hiện nay như Dell, Asus, HP.
Các mẫu máy tiêu biểu là Dell Inspiron N3467 i5-7200U, Dell Inspiron N3567/i5, Dell Inspiron N3558/i5, Asus A556UR-DM083D i5, Asus TP301UA-DW260T i3, Asus K401UB-FR049T i5, HP Pavilion x360 13-u106TU i3, HP Pavilion X360 11-u104TU i3, HP 15-ay166TX i5.
Tương tự như các laptop bán chạy tại Thế Giới Di Động, có thể thấy nhóm khách hàng tại FPT Shop cũng chọn bộ xử lý tối thiểu là Intel Core i3, những laptop giá cao hơn có thể sở hữu Core i5.
Ở nhóm laptop dưới 10 triệu đồng, ông Nguyễn Việt Anh cho biết chiếm khoảng 30% doanh số tại FPT Shop. Nhóm sản phẩm này hiện có xu hướng đi ngang trong FPT Shop, xu hướng tăng thấp với mức tăng dưới 5%.
“Khách hàng sinh viên, học sinh, người dùng với nhu cầu cơ bản là đối tượng chính của nhóm sản phẩm thuộc phân khúc giá này”, Phó tổng giám đốc FPT Shop cho biết.
Tại Thế Giới Di Động, nhóm khách hàng đại chúng dường như nhiều hơn khi doanh số nhóm laptop dưới 10 triệu đồng chiếm đến 40%. Đại diện chuỗi này dự báo doanh số nhóm laptop mức giá như trên sẽ giảm đi trong hai quý tới. Lý do là nhóm khách hàng sinh viên nhập học sẽ mua laptop ở tầm giá cao hơn để đáp ứng nhu cầu học tập. Song song đó, nhóm khách hàng văn phòng sẽ tiết kiệm tiền để quý 4 nâng cấp máy làm việc, sẽ đòi hỏi máy có cấu hình cao, tương ứng mức giá chắc chắn trên 10 triệu đồng.
Mặc dù thị trường máy tính và laptop trên thế giới có xu hướng đi ngang hoặc đi xuống, các chuyên gia dự báo việc này sẽ không xảy ra sớm tại Việt Nam. Tăng trưởng chậm so với những năm trước nhưng doanh số máy tính xách tay hiện vẫn tăng đều đặn, góp phần vừa đủ vào doanh số chung.