Thị trường giao đồ ăn của Trung Quốc đang mở rộng với tốc độ nhanh chóng ngay cả khi đại dịch Covid-19 kết thúc. Theo ước tính của hãng nghiên cứu iiMedia, thị trường giao đồ ăn Trung Quốc có quy mô 1,5 nghìn tỷ NDT (208 tỷ USD) năm 2023, gấp 2,3 lần năm 2020. Tuy nhiên, ngành công nghiệp này được xây dựng dựa trên mồ hôi công sức của những nhân viên giao hàng (shipper) với đồng lương ít ỏi, phúc lợi thấp và không có các biện pháp hỗ trợ khác.

bcp2l58p.png
Nhân viên giao hàng của Meituan tập trung đông đúc tại các khu văn phòng ở Quảng Châu. (Ảnh: Nikkei)

Giờ ăn trưa vào các ngày trong tuần, dễ dàng bắt gặp màu áo xanh – đồng phục của nhân viên giao hàng Ele.me và vàng – đồng phục của Meituan tại các khu văn phòng ở Quảng Châu. Dịch vụ giao đồ ăn ở Trung Quốc bùng nổ xuyên suốt và sau đại dịch Covid-19. Nhờ chi phí rẻ, chỉ 5 NDT để nhận thức ăn trong vòng 30 phút, dịch vụ đã bén rễ sâu và ngày càng tăng trưởng.

Hãng chứng khoán Guolian dự báo thị trường có thể vượt quá 2,2 nghìn tỷ nhân dân tệ vào năm 2030. Cùng với đó là lực lượng giao hàng tiếp tục tăng. Meituan cho biết họ tuyển dụng 6,2 triệu shipper năm 2022, từ con số 2,7 triệu năm 2018. Ele.me nắm đội quân giao hàng hơn 4 triệu người từ tháng 5/2022 đến tháng 9/2023.

Trong khi giao đồ ăn đã trở thành một phần của cuộc sống thường nhật, người giao hàng lại phải đối mặt với điều kiện làm việc khó khăn.

Lu, 19 tuổi, shipper của Meituan ở Quảng Châu, kiếm được 7 NDT cho mỗi đơn hàng giao thành công. Dù xử lý khoảng 30 đơn mỗi ngày, Lu chỉ mang về nhà hơn 4.000 NDT/tháng sau khi trừ tiền thuê ký túc xá và các chi phí khác, tương đương hoặc thấp hơn một chút so với làm việc tại một nhà máy gần đó.

Sau khi tốt nghiệp trung học, Lu giao hàng trong khoảng 6 tháng. Cậu dự định bỏ việc và về quê ở Quảng Đông trong một tháng.

“Tôi chỉ được phép nghỉ 2 ngày mỗi tháng và không thể về thăm nhà", Lu nói. "Công việc này rất vất vả".

Trong cuộc khảo sát năm 2021 do một tổ chức phi lợi nhuận ở Bắc Kinh thực hiện với hơn 300 nhân viên giao hàng ở các thành phố trên khắp Trung Quốc, khoảng 40% cho biết họ không có một ngày nghỉ nào trong tháng. Làm việc nhiều giờ và lương thấp là những vấn đề mà họ phải đối mặt.

Mạng lưới an sinh xã hội được cho là không đầy đủ khi nhiều shipper không có hợp đồng, bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm thất nghiệp. Dù Meituan và Ele.me đều quảng cáo phúc lợi hấp dẫn, dường như điều đó vẫn chưa đủ. Tại Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc vào tháng 3/2023, một số đại biểu đã đề xuất cải thiện điều kiện làm việc cho nhân viên giao hàng.

Chẳng hạn, các nền tảng như Meituan được kêu gọi thay đổi các thuật toán mà họ sử dụng để ép shipper giao hàng nhanh chóng. Kể từ đó, chính phủ Trung Quốc đã tăng cường giám sát bằng cách hướng dẫn các công ty bảo vệ quyền lợi của nhân viên giao hàng.

(Theo Nikkei)