Thị trường mobile vượt mặt PC
Đây có thể xem là một xu thế tất yếu khi nền tảng mobile đã phát triển đến ngưỡng bùng nổ. Sự xuất hiện liên tiếp của những bom tấn chuyển thể từ PC trong thời gian qua như Ỷ Thiên 3D, Võ Lâm Truyền Kỳ Mobile đã thổi một làn gió mới vào thị trường game Việt, vốn ngập tràn các game thẻ bài.
Trong sự gia tăng nhu cầu đó, một số nhà phát hành non trẻ như Vega Game hay Funtap nổi lên như những gương mặt đem đến sự tươi mới cho thị trường với những sản phẩm độc lạ như Chúa Tể Tây Du, Bảy Viên Ngọc Rồng (Vega Game), Phong Thần 3D (Funtap). Ở top trên, những ông lớn như VNG hay VTC Game vẫn cố gắng duy trì sự hiện diện ở phân khúc PC bằng một vài sản phẩm webgame với 'sản lượng' trung bình khoảng 2-3 tháng một đầu game.
.jpg?width=0&s=fEpIzOrccOl4D8s67ta-9A)
VLTK Mobile đang là cái tên nóng nhất làng game Việt thời điểm hiện tại
Trong xu thế mobile vượt mặt PC, ông lớn VNG vẫn chiếm thế thượng phong khi nắm trong tay dàn game kiếm hiệp 'khủng' Thiên Long Bát Bộ Mobile, Cửu Âm Chân Kinh Mobile và Võ Lâm Truyền Kỳ Mobile. Nhìn về phía trước, VTC Mobile chứng tỏ tiềm lực nhà giàu khi đang găm hàng loạt sản phẩm chuẩn bị ra mắt như Minh Châu Tam Quốc 2, Thiên Thư Mobile hay Mộng Bá Vương, cùng hai cái tên khác chưa được hé lộ.
Sự sôi động của thị trường game mobile cũng thúc đẩy sự trở lại của các nhà phát hành cũ như VGG hay VTC Online. Cả hai tên tuổi này đều đang nắm trong tay những sản phẩm tiền tỷ chưa được tiết lộ chờ ngày ra mắt, theo nguồn tin do giới R&D chia sẻ.
Miếng bánh ngon đã có chủ
Nếu như trước kia, người ta thường thấy câu chuyện giành giật sản phẩm phát hành (thậm chí là cả game cũ gia hạn bản quyền) thì nay mọi chuyện có vẻ đã 'an bài' bởi sự kín tiếng của các ông lớn. Những bom tấn như Ngự Kiếm Tình Duyên, Tru Tiên Mobile hay Thanh Khâu Hồ Truyền Thuyết đều đang được đàm phán về Việt Nam với cái giá không dưới chục tỷ đồng cho mỗi sản phẩm.
.jpg?width=0&s=PxBn6EjZRCrLPnOmWhE4IQ)
Bom tấn Tru Tiên 3D Mobile đang được nhiều ông lớn Việt Nam săn đón
Trong khi đó, hai cái tên không kém phần đình đám khác là Kiếm Thế Mobile và Cửu Âm Chân Kinh 3D (không phải Cửu Âm VNG) cũng đang trong tầm ngắm của các đại gia game Việt. Theo giới R&D thạo tin, số tiền bỏ ra ít nhất để được ngồi vào bàn đàm phán mua một trong hai bom tấn này không dưới 2 triệu USD (khoảng 44 tỷ đồng).
Ở phân khúc bình dân, dù không tạo được tiếng vang nhưng những cái tên như Thiên Địa Ký (Vega Game), Tào Tháo Truyện, Võ Lâm Returns (SohaGame), Tà Thần Trỗi Dậy (ra mắt 18/10), Kiếm Thánh Mobile (Gamota), Loạn Tam Giới (myG) cũng góp phần tạo nên sự sối động cho thị trường game Việt những tháng cuối năm 2016.
Về đâu game 'made in Vietnam'?
Trong xu thế trỗi dậy của mobile, đáng buồn thay khi các sản phẩm nội địa lại hoặc đang phải chật vật tìm chỗ đứng ở sân nhà, hoặc tìm đường tấn công thị trường quốc tế. Câu chuyện về sự non trẻ, nhà đầu tư và chất lượng sản phẩm đã được nói đến nhiều năm qua nhưng vẫn chưa có lời giải xác đáng.
.jpg?width=0&s=3wwi3LrgvH7d-mmsaMQWlg)
We Are Heroes là sản phẩm tiếp theo của Joy Entertainment xuất ngoại
Trừ các ông lớn như VNG, VTC Game hay studio nhiều kinh nghiệm như Hiker Games với sự đầu tư bài bản và chấp nhận gánh nặng chịu lỗ, các studio nhỏ thường xuyên phải tìm kiếm bài toán đầu ra cho sản phẩm ở... nước ngoài. CS Mobile, We Are Heroes (Joy Entertainment) là những cái tên tiêu biểu cho việc gặp khó ở thị trường game Việt. Và mới đây nhất, Giang Hồ Truyền Kỳ đóng cửa sau chưa đầy 3 tháng phát hành đã tiếp tục nối dài câu chuyện buồn của những nhà làm game Việt.
Thời gian tới, Hiker Games đang lên kế hoạch ấp ủ một sản phẩm game mobile bắn súng, Lunge Mine cũng sẽ trình làng Hoa Sơn Luận Kiếm 3D. Đó chỉ là hai trong số rất nhiều những sản phẩm game người Việt làm ra được hé lộ, thế nhưng viễn cảnh thị trường game Việt Nam nóng lên nhờ các sản phẩm thuần Việt có lẽ vẫn còn rất xa vời.
Phạm Lê