Đó là thực tế mà những “ông trùm” lớn trên thế giới gặp phải khi đầu quân vào Việt Nam. Xuất hiện rầm rộ với những tuyên bố hùng hồn, hứa hẹn chiếm lĩnh thị trường Việt Nam, vậy nhưng con đường chinh phục người tiêu dùng Việt Nam của hai “ông lớn” đến từ Mỹ là Mc Donald’s và Starbucks đang gặp vô vàn trắc trở và khó khăn.
Đến như một “cơn bão”…
Gia nhập thị trường Việt Nam , hai “ông lớn” quyết định đầu quân vào những thành phố năng động và đông dân cư là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh trước bằng hàng loạt chiêu thức quảng bá hình ảnh rầm rộ trước và sau khi khai trương làm giới trẻ Việt không giấu nổi sự tò mò và hào hứng.
Còn nhớ ngày đầu McDonald’s xuất hiện rầm rộ bằng cửa hàng đầu tiên án ngữ ngay cửa ngõ vào TP.Hồ Chí Minh, trong một tuần đầu khai trương, giới trẻ Việt, đặc biệt là những người nổi tiếng đã không giấu nổi sự hào hứng khi chấp nhận xếp hàng từ sáng sớm để mua bánh mì Mỹ, thích thú check in khoe hình ảnh mình là một trong những người đầu tiên được thưởng thức các sản phẩm của McDonald’s lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam. “Gã khổng lồ” này còn làm nóng hình ảnh bằng những sự kiện phát bánh miễn phí, tặng quà cho khách.
Starbucks vắng vẻ sau vài tháng khai trương |
Tương tự, nếu như cách đây hơn 1 năm, những gì chúng ta biết về Starbucks chỉ là những cốc cafe siêu đẹp màu xanh, hệ thống cửa hàng cực kỳ long lanh được chụp lên ảnh của các du học sinh hay xuất hiện trong những bộ phim thì bây giờ dù ở Sài Gòn hay Hà Nội, giới trẻ đã có quá thừa thời gian, cơ hội để thỏa mãn sự tò mò của mình đối với Starbucks.
Với địa điểm đẹp như mơ, ngay giữa những con phố chính đông người qua lại, khi cửa hàng đầu tiên của Starbuck tại Hà Nội được khai trương vẫn là cảnh hàng trăm người đội nắng xếp hàng chỉ để mua một ly cà phê mang thương hiệu Starbucks có giá 85.000 đến 150.000 đồng.
Và chỉ để lại “bọt biển”?
Tuy nhiên, cảnh tượng xếp hàng dài ấy đã không còn tái diễn nữa khi McDonald’s ở TP.Hồ Chí Minh và Starbucks ở Hà Nội mở thêm những chuỗi cửa hàng mới. Đáng buồn hơn nữa, những khách hàng còn trụ lại với hai thương hiệu bây giờ chủ yếu là khách nước ngoài và giới trẻ văn phòng. Lí do thì cũng dễ hiểu thôi, không phải khách hàng Việt khó tính mà là vì hai “ông lớn” này chưa “phù phép” để sản phẩm phù hợp với văn hóa – thói quen ẩm thực của người Việt.
Bùi Thị Ánh Tuyết - sinh viên Đại học Mỹ thuật Hà Nội chia sẻ: “Mình chỉ vào Starbucks đúng một lần để xem nó như thế nào, rồi check - in cùng bạn bè theo phong trào, chứ thực ra mình thấy đồ uống ở đây không phù hợp với bọn mình về mùi vị lẫn giá cả”.
Suy nghĩ của sinh viên nói trên cũng là suy nghĩ của nhiều khách hàng Starbucks. Cực đoan hơn, nhiều người còn cho rằng, việc có nhiều chi nhánh của Starbucks mọc lên như hiện nay là điều hoàn toàn không cần thiết. Bởi Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ nhì trên thế giới, Việt Nam có một văn hóa cà phê phong phú, với đủ thể loại và kích cỡ được bày bán ở mọi ngóc ngách, nẻo đường. Việc một đối thủ nước ngoài chào bán một sản phẩm giống hệt nhưng với giá cao gấp bốn lần là một cuộc chiến không cân sức. Điều này không khác nào Pizza Hut xuất hiện ở nước Ý.
Với người Việt Nam, uống một cốc cà phê là dịp để sẻ chia hy vọng, giãi bày lo lắng, bàn bạc những hoài bão và tán chuyện với bạn bè. Nhưng đến Starbucks, cảm giác bị vây quanh bởi những con người ăn mặc thời thượng, trên tay cầm những chiếc điện thoại thông minh, ánh mắt dán chặt vào màn hình. Các cuộc hội thoại trở nên hời hợt hơn trong một không gian tẻ nhạt. Và đây là những điểm trừ lớn cho Starbucks.
Thay đổi hay là “chết”? Theo các chuyên gia marketing và thương hiệu, những thương hiệu thức ăn nhanh (fastfood) quốc tế có dấu hiệu chững lại sau khởi đầu đột phá là chuyện bình thường. Cốt lõi của fastfood là đồ ăn bình dân dành cho mọi người với mức giá hợp lý, thời gian phục vụ nhanh nên giá cả, khẩu vị là hai yếu tố quan trọng nhất. Một phần ăn sáng, một ly cà phê giá trên dưới 100.000 đồng không phải là lựa chọn của đại đa số người Việt. Hay sản phẩm cốt lõi của McDonald’s là bánh burger không phải là món ăn được nhiều người Việt quan tâm. Trong khi đó bánh mì Việt Nam rất phổ biến, ăn sâu vào thói quen tiêu dùng và có mức giá rẻ hơn burger rất nhiều. Vì thế, để cạnh tranh với các thương hiệu có thời gian kinh doanh lâu năm tại thị trường Việt như KFC, Lotteria, Pizza Hut, thì hai “ông trùm” lớn Starbucks và McDonald’s ngay lúc này phải dần thay đổi theo yêu cầu thị trường. |
(Theo PLVN)