Cùng với những chộn rộn trên thị trường điện máy thời gian qua, vị thế của từng người chơi trên “bàn cờ” thị trường ngày càng thể hiện rõ. Tuy nhiên, cuộc chơi vẫn đang tiếp diễn và không hề dễ dàng.
Thế thâu tóm, sáp nhập
Có thể nói, thông tin nổi bật nhất trên thị trường bán lẻ nói chung và điện máy nói riêng là việc Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động, chủ sở hữu chuỗi Điện máy Xanh, xin ý kiến cổ đông về việc chi 2.500 tỉ đồng để mua lại một chuỗi điện máy và dược phẩm. Chuỗi điện máy mà Thế Giới Di Động muốn mua lại được đồn đoán là chuỗi Trần Anh, một hệ thống hiện có 39 điểm bán, phân bố ở các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung bộ.
Nếu điều này xảy ra thì Thế Giới Di Động sẽ càng củng cố được độ phủ và thị phần của mình ở mảng điện máy. Bởi hiện nay, chuỗi Điện máy Xanh đã có 470 điểm bán (tính đến ngày 15-8), tuy vẫn tập trung chủ yếu ở TPHCM và một số tỉnh miền Đông Nam bộ nhưng đã có mặt ở đủ cả 63 tỉnh thành của cả nước, là chuỗi có mạng lưới rộng khắp và lớn nhất trong các chuỗi đang có mặt trên thị trường. Về thị phần, ở thời điểm cuối năm 2016 khi có 250 siêu thị, Điện máy Xanh đã công bố trong báo cáo thường niên 2016 là đang nắm giữ 16%. Mục tiêu của năm 2017 là tăng lên 25% khi hệ thống đã được mở rộng hơn. Trong khi đó, Trần Anh nắm giữ thị phần 14% ở thị trường điện máy miền Bắc. Điểm đặc biệt là các điểm bán của Trần Anh đều có quy mô lớn - trên dưới 1.500 mét vuông (gấp 3 lần diện tích cửa hàng mô hình nhỏ của Điện máy Xanh) và được đầu tư bài bản.
Với động thái trên của Điện máy Xanh, có ý kiến cho rằng nhà bán lẻ điện máy này đang giữ một vị thế khó ai có thể tranh giành nổi. Tuy nhiên, một đối thủ đáng kể ở miền Bắc cần phải nhắc đến là MediaMart. Chuỗi này đã có 56 điểm bán, 17 điểm trong số đó nằm ở Hà Nội. Đối thủ ở phía Nam có thể kể ra là điện máy Chợ Lớn với 51 điểm bán phân bổ ở TPHCM, một số tỉnh miền Trung và miền Tây Nam bộ; chuỗi Nguyễn Kim sẽ vượt mốc 50 điểm bán (phân bổ từ Bắc vào Nam) khi hết tháng 8 này.
Các chuỗi cửa hàng điện máy cũng phải cạnh tranh với các hệ thống siêu thị khi các điểm bán này có bán thêm các mặt hàng điện máy bên cạnh hàng tiêu dùng nhanh. |
Trong cuộc chơi trên thị trường điện máy còn phải kể đến một số cái tên, như Điện máy Thiên Hòa đang giữ một lợi thế cạnh tranh nhất định ở TPHCM. Tính đến thời điểm hiện tại, hệ thống này có 10 trung tâm bán lẻ ở TPHCM và Bình Dương. Trong thời gian qua, chuỗi chuyển hướng sang phát triển cửa hàng nhỏ, quy mô vài trăm mét vuông, để tối ưu hóa hiệu quả đầu tư, thay vì mở các trung tâm quy mô, bề thế như trước đây. Ngoài ra còn có các trung tâm đơn lẻ hoặc quy mô nhỏ nhưng có lợi thế kinh doanh lâu đời tại một số khu vực. Gia Thành ở quận 5 là một ví dụ. Ở miền Bắc thì không thể không kể đến Pico, HC...
Tuy nhiên, nếu nhìn sâu hơn, các chuỗi đang giữ thế mạnh trên thị trường đều có yếu tố nước ngoài. Đứng sau, đứng cùng với Thế Giới Di Động, Nguyễn Kim... là các quỹ đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ cổ phần. Đó là chưa kể nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục săn đón cổ phần của những doanh nghiệp đang cần nguồn lực để phát triển. Ngược lại, các nhà bán lẻ điện máy “thuần Việt” thì... người còn người mất. Vừa qua, trung tâm lớn nhất của Công ty TNHH Khu mua sắm Đệ Nhất Phan Khang nằm trên đường Hoàng Văn Thụ (TPHCM) đã đóng cửa. Thế chỗ là một siêu thị bán lẻ hàng tiêu dùng của nước ngoài. Đệ Nhất Phan Khang là một trong những cái tên tham gia thị trường sớm và cũng từng phát triển được một số điểm bán ở TPHCM, Long An, Đà Nẵng.
Thuyền lớn, sóng lớn
Điều dễ dàng nhận ra ở các chuỗi bán lẻ lớn, có hệ thống phân bổ rộng tới nhiều vùng miền là hiệu quả kinh doanh ở các điểm bán không đồng đều. Câu chuyện này, Thế Giới Di Động hiểu rõ hơn ai hết.
Theo báo cáo tài chính sáu tháng đầu năm 2017 của nhà bán lẻ này, tổng doanh thu của Điện máy Xanh tăng trưởng so với cùng kỳ nhưng doanh thu bình quân cho một cửa hàng lại giảm. Cũng theo báo cáo này, tính đến 30-6, Thế Giới Di Động đã trả 15.015 tỉ đồng tiền vay, tăng gần gấp đôi so với con số thực hiện cùng kỳ; trả hơn 122 tỉ đồng tiền lãi vay; chi phí tài chính vượt hơn 121 tỉ đồng, cao hơn gấp 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Còn theo xếp hạng của Retail Asia Publishing và Euromonitor trong Top 500 nhà bán lẻ hàng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2017, Thế Giới Di Động tuy dẫn đầu về doanh thu trong nhóm 10 nhà bán lẻ Việt Nam nằm trong danh sách và xếp thứ 159 với doanh thu 1,463 tỉ đô la Mỹ năm 2016, nhưng hiệu quả (tính theo doanh thu trên từng mét vuông sàn) lại không bằng nhiều nhà bán lẻ khác. Nếu xét trong cùng lĩnh vực, Thế Giới Di Động chỉ bằng một phần ba của FPT Shop (15.717 đô la Mỹ/mét vuông); chưa bằng một nửa của Trần Anh (11.181 đô la Mỹ/mét vuông); hơn một nửa của Nguyễn Kim (9.686); kém nhiều so với Viễn Thông A (7.184). Và để giành thị phần, bản thân Điện máy Xanh cũng phải chi rất nhiều tiền quảng cáo, tiếp thị, truyền thông.
Việc phát triển chuỗi ở Việt Nam, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, có rất nhiều khó khăn như chi phí thuê mặt bằng cao, chất lượng nhân viên bán hàng thấp và chưa đồng đều ở các vùng, miền... Những vấn đề này đã đẩy chi phí vận hành tăng lên trong khi lợi nhuận gộp trên từng sản phẩm bán ra lại có chiều hướng đi xuống khi cuộc cạnh tranh về giá giữa các nhà bán lẻ ngày càng gay gắt. Đó là chưa kể cuộc cạnh tranh với các trang thương mại điện tử và xu hướng tiêu dùng của khách hàng ngày càng thay đổi theo hướng tiếp cận đa kênh. Họ thích rảo khắp các trang mạng hoặc các cửa hàng để so sánh, tìm kiếm giá tốt nhất rồi mới đưa ra quyết định cuối cùng. Tất nhiên, các chuỗi bán lẻ điện máy đang rất nỗ lực phát triển các điểm bán trực tiếp cũng như phải đầu tư bài bản cho các trang bán hàng trực tuyến.
Với tình hình này, chiến trường bán lẻ điện máy trong tương lai sẽ có cả hoa hồng lẫn máu và nước mắt!
(Theo TBKTSG)