Cơ hội mới
Ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam (VAMI), cho biết, có rất nhiều dự án điện gió lớn đang chuẩn bị đầu tư. Đây sẽ là thị trường thiết bị lớn trong vòng 5 năm tới, là cơ hội cho các doanh nghiệp cơ khí tham gia sản xuất cánh, cột gió, hệ thống chân đế...
Với một dự án, khối lượng sản phẩm cơ khí có thể lên tới vài trăm nghìn tấn. Riêng hệ thống chân đế, một dự án điện gió ngoài khơi ít nhất cần 35-40 cột và mỗi cột là hàng nghìn tấn. Tuy nhiên, cơ hội cho các doanh nghiệp nội vẫn rất mù mờ, bởi quy mô doanh nghiệp nhỏ, năng lực cạnh tranh thấp và thiếu công nghệ.
Cung cấp thiết bị cho điện gió chỉ là một ví dụ, mở rộng ra các lĩnh vực khác, đa số doanh nghiệp cơ khí đều ở trong tình trạng này.
Theo VAMI, Việt Nam có hơn 25.000 doanh nghiệp cơ khí đang hoạt động, chiếm gần 30% tổng số doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp cơ khí trong nước bị thua thiệt ngay trên sân nhà, luôn thiếu đơn hàng. Rất nhiều dự án lớn về xây dựng, giao thông, thủy lợi, dầu khí... chủ yếu sử dụng sản phẩm cơ khí nhập ngoại hoặc do các doanh nghiệp FDI đảm nhiệm.
Kết quả khảo sát gần đây của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy, khả năng cung ứng các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ từ các doanh nghiệp Việt Nam chiếm tỷ lệ rất thấp. Với ngành cơ khí, ở dưới mức 35%. Phần lớn linh kiện nội địa hoá, được các chuỗi cung ứng chấp nhận đều là những sản phẩm do các doanh nghiệp FDI hoạt động tại Việt Nam cung cấp.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu thu hút vốn FDI, chiếm tới trên 50% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đây có thể xem là cơ hội để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước, trong đó có doanh nghiệp cơ khí.
Nhưng việc liên kết với các doanh nghiệp FDI rất khó khăn, doanh nghiệp cơ khí nội khó đáp ứng được.
Chờ chính sách
Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Công ty cơ khí Duy Khanh (TP.HCM) cho biết, từ năm 2016 đã nhìn thấy cơ hội trong lĩnh vực cơ khí nên quyết định đầu tư nhà máy mới, lúc đó chưa hề có đối thủ cạnh tranh nào. Tuy nhiên, đến nay có 3 doanh nghiệp FDI đã đầu tư vào lĩnh vực này, trong khi họ có nhiều lợi thế hơn nên rất khó khăn.
VAMI cho rằng, chính sách quản lý của Nhà nước cũng như từ phía doanh nghiệp, ngành cơ khí phát triển khá mờ nhạt. Năm 2012, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển ngành cơ khí và năm 2018 có cập nhật cho phù hợp với tình hình mới, nhưng các cơ chế chính sách đi theo đến nay vẫn chưa có.
Theo VAMI, Nhà nước cần có chính sách đặc thù, phải dùng hàng rào kỹ thuật, xuất xứ hàng hóa,… để bảo vệ hợp lý thị trường trong nước. Cần tạo nhiều đơn hàng cho doanh nghiệp cơ khí Việt, nhất là với các dự án đầu tư công. Quy định chặt chẽ tỷ lệ hợp lý trong khối lượng và giá trị các dự án để bảo đảm dành cho doanh nghiệp cơ khí nội địa tham gia nhằm mục tiêu không cần phải mua toàn bộ từ nước ngoài, thay vào đó khuyến khích nhận chuyển giao công nghệ để tự làm.
Theo ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), điều doanh nghiệp cơ khí mong nhất không phải là các ưu đãi thuế, tiền mà cần nhất là tạo ra cơ hội thị trường, như từng thành công với chương trình cơ khí thuỷ công trong các nhà máy thuỷ điện trước đây. “Bây giờ các nhà máy nhiệt điện, như tính riêng 13 phụ kiện cơ khí trong một nhà máy nhiệt điện là khoảng 300 triệu USD. Bộ cũng đã làm việc với EVN, PVN nhiều lần nhưng các chủ đầu tư cũng ngại, họ lo lỡ may nếu tách các cấu phần này ra mà sau nhà máy không "khớp" được thì sao?! Cho nên nếu cứ đấu thầu trọn gói EPC thì đúng là khó cho doanh nghiệp nội chen chân vào”, ông Tuấn Anh thừa nhận.