Như ICTnews đã phản ánh, cả nước hiện có 9 nhà cung cấp dịch vụ chữ ký số công cộng trong khi tập khách hàng chỉ giới hạn ở số lượng khoảng 500.000 doanh nghiệp và phần lớn đều đã sử dụng chữ ký số. Các nhà cung cấp dịch vụ đang đau đầu trước không ít chiêu thức cạnh tranh không lành mạnh.
Để nới rộng quy mô thị trường, một giải pháp mới được nhắm tới là chữ ký số mobile dành cho khách hàng cá nhân, với tập khách hàng lên tới 90 triệu người, những người không sớm thì muộn cũng sẽ tham gia các hoạt động giao dịch điện tử như mua hàng trực tuyến, đầu tư chứng khoán trực tuyến, chuyển tiền ngân hàng... và đặc biệt là các dịch vụ công trực tuyến.
Chữ ký số mobile có nhiều ưu điểm hơn so với chữ ký số sử dụng qua USB Token truyền thống. Chẳng hạn, với giải pháp dùng USB Token, người dùng bắt buộc phải có kết nối mạng Internet, có laptop hoặc PC, phần mềm cho phép ký điện tử và USB Token chứa chứng thư số. Còn với chữ ký số mobile, người dùng chỉ cần có thiết bị di động tích hợp phần mềm cho phép ký số và có kết nối Wi-Fi hoặc 3G.
Viettel là nhà cung cấp dịch vụ chữ ký số đầu tiên tại Việt Nam nghiên cứu, thử nghiệm thành công giải pháp chữ ký số mobile với chữ ký số được tích hợp qua SIM-CA. Bên cạnh những chức năng của SIM thông thường, SIM-CA do Viettel sản xuất còn chứa chứng thư số và mã xác thực (mã pin) để có thể thực hiện các giao dịch ký điện tử. Người sử dụng SIM-CA có thể thực hiện việc ký điện tử thông qua các thiết bị máy tính bảng, điện thoại thông minh và cả điện thoại phổ thông ở bất cứ đâu, chỉ cần có sóng của nhà mạng.
Tiếp nối Viettel, các nhà cung cấp dịch vụ chữ ký số khác cũng rục rịch triển khai giải pháp chữ ký số mobile. Ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Giám đốc Công ty Điện toán & Truyền số liệu VDC phân tích: "Theo Báo cáo Tài nguyên Internet Việt Nam 2013, trung bình người dùng trong nước truy cập Internet 26,2 giờ mỗi tháng, trong đó có tới 90% người từng sử dụng Internet truy cập bằng thiết bị di động và 50% truy cập Internet qua thiết bị di động một lần mỗi ngày. Sự phát triển với tốc độ khá nhanh của số lượng người sử dụng Internet thông qua thiết bị di động tại Việt Nam sẽ tạo ra động lực phát triển cho ứng dụng chữ ký số mobile. Dự kiến trong quý 3/2014, VNPT/VDC sẽ đưa ra thị trường một bộ giải pháp về ứng dụng chữ ký số trên di động như bảo mật email, tin nhắn SMS, eOfice".
Ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch phụ trách An ninh mạng của Bkav cũng bật mí: "Chữ ký số cho cá nhân có thể dùng trên các thiết bị di động như điện thoại, máy tính bảng sẽ là xu thế trong thời gian tới. Bkav đã có kế hoạch cho việc thúc đẩy và tham gia thị trường này. Chúng tôi cũng đang phát triển một giải pháp riêng cho nhóm khách hàng cá nhân và mảng thiết bị di động, dự kiến ra mắt trong quý 4 năm nay".
Chia sẻ thông tin FPT đã chuẩn bị xong các giải pháp kỹ thuật để tham gia thị trường chữ ký số cá nhân, tuy nhiên ông Trần Thế Hiển, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hệ thống Thông tin FSE FPT dự đoán: "Thị trường này trong vài năm tới chưa thể nói là phát triển tốt, vì phụ thuộc rất nhiều về chính sách của các ngân hàng, chứng khoán có muốn áp dụng chữ ký số trong giao dịch hay không, cũng như các quy định, chính sách của Nhà nước trong việc sử dụng chữ ký số, nhất là khi thực hiện các dịch vụ công trực tuyến".