{keywords}
Trong bối cảnh thị trường chữ ký số bão hòa, các doanh nghiệp phải triển khai nhiều cách thức để thu hút khách. (Ảnh minh họa: Internet)

Bão hòa thị trường...

Ngày 30/7/2020, Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC) - Bộ TT&TT chính trao giấy phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng cho thêm một nhà cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng (CA) mới, nâng tổng số CA tại Việt Nam lên con số 16.

Tại lễ trao giấy phép, ông Lã Hoàng Trung, tại thời điểm đó còn đang làm giám đốc NEAC đã thêm một lần nữa lưu ý các CA về câu chuyện bão hòa thị trường chữ ký số cho doanh nghiệp.

Tính đến cuối năm 2019, cả nước có khoảng hơn 758.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong khi số lượng chứng thư số doanh nghiệp đang hoạt động đã đạt hơn 1,2 triệu. Có thể thấy, độ phủ của chữ ký số trên tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam đã rất lớn, nhu cầu sử dụng thêm chứng thư số của doanh nghiệp là không nhiều.

Dịch vụ CA ở Việt Nam đang được cung cấp chủ yếu cho doanh nghiệp sử dụng trong các hoạt động: Kê khai thuế điện tử, bảo hiểm xã hội điện tử, với số lượng khoảng 648.000 doanh nghiệp. Lượng doanh nghiệp này nhiều năm nay khá ổn định, tỉ lệ thành lập mới gần như tương đương với tỷ lệ giải thể.

Ông Ngô Tuấn Anh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Chữ ký số và giao dịch điện tử Việt Nam (VCDC) cũng từng nhận định, mảng chữ ký số dành cho thị trường doanh nghiệp cơ bản đã ở tình trạng bão hòa.

... và những mánh lới, chiêu trò cạnh tranh

Với số lượng CA khá lớn, cùng tập trung nhắm vào một “miếng bánh” không thực sự lớn, thì không quá khó hiểu khi thấy khá nhiều mánh lới, chiêu trò đã được áp dụng trên thị trường.

Một ví dụ điển hình là từ hồi đầu năm 2015, nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM bức xúc phản ánh về việc một CA đã đề nghị họ khai bảo hiểm xã hội bằng chữ ký số của công ty này để đảm bảo “đồng bộ", thay vì sử dụng chữ ký số của các nhà cung cấp khác.

Với những trải nghiệm của chính người trong cuộc, lãnh đạo FPT cũng từng “vạch mặt chỉ tên” những cách thức, chiêu trò cạnh tranh không lành mạnh của nhiều “đối thủ” như: Thông báo giả để đổi dịch vụ qua điện thoại, e-mail giả danh cơ quan nhà nước hoặc nhà cung cấp, thậm chí thông báo chữ ký số không tương thích trên những phần mềm khai báo cần thông tin xác nhận chữ ký số như phần mềm khai thuế điện tử, hải quan điện tử, bảo hiểm xã hội điện tử…

Một số CA khác phàn nàn về tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các CA dẫn đến tỷ lệ chiết khấu cho đại lý đã lên đến mức 75 - 80% (năm 2010 chỉ là 15%), lời lãi chẳng còn bao nhiêu.

Đại diện VCDC từng chia sẻ với báo giới một con số giật mình: “Trung bình mỗi tháng các đơn vị CA nhận được 3.465 phản ánh của khách hàng về việc nhận được email, điện thoại lừa đảo, mạo danh để bán chữ ký số. Đây là một con số rất đáng báo động, đặc biệt trong một lĩnh vực cần sự đảm bảo và uy tín cao như dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng”.

Bản thân lãnh đạo NEAC cũng nhiều lần nhìn nhận, một trong những vấn đề gây bức xúc dư luận đang tồn tại trong thị trường dịch vụ chứng thực chữ ký số hiện nay chính là cạnh tranh không lành mạnh, không tuân thủ quy định quản lý nhà nước về cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số.

Thoát khó với chữ ký số cá nhân

Trong bối cảnh thị trường chữ ký số cho doanh nghiệp có nhiều dấu hiệu bão hòa, cạnh tranh không lành mạnh, lãnh đạo NEAC khuyến nghị các CA nên nghiên cứu triển khai nhiều loại hình dịch vụ mới, hướng đến người dùng cá nhân.

Tính đến hết quý I/2020, số chứng thư số đang hoạt động trên thị trường Việt Nam đạt hơn 1,4 triệu, trong đó, chứng thư số cá nhân chỉ chiếm khiêm tốn 14,88%. Có thể thấy, thị trường khách hàng cá nhân nhiều tiềm năng vẫn đang bỏ ngỏ, chưa được khai thác đúng mức.

Thị trường chữ ký số cá nhân được dự đoán sẽ có thêm nhiều bước tiến mới, khi cuối tháng 9/2019, Bộ Tài chính tạo “cú hích” bằng Thông tư 68 hướng dẫn Nghị định 119/2018/NĐ-CP về hóa đơn điện tử có sử dụng chữ ký số, trong đó có nội dung quy định các hộ kinh doanh cá thể phải ký số trên hóa đơn. Với quy định này thì khoảng hơn 2 triệu hộ kinh doanh cá thể cũng phải sử dụng chữ ký số.

Đồng tình với hướng thoát khó bằng dịch vụ chữ ký số cho cá nhân, đại diện của một số CA đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước cần sớm ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật và chất lượng dịch vụ để tạo ra hành lang pháp lý, tạo niềm tin cho người sử dụng để chứng thư số cho cá nhân sớm được sử dụng rộng rãi.

Bên cạnh đó, cần có những biện pháp chế tài nghiêm khắc đối với những hành vi không tuân thủ quy định pháp luật của các CA. Nếu CA nào kinh doanh không đúng quy định trong giấy phép, có thể cho tạm dừng hoạt động từ 3 đến 6 tháng.

Ghi nhận kiến nghị của các CA, tại hội nghị về công tác quản lý dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng diễn ra gần cuối tháng 6/2020, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng khẳng định: Bộ TT&TT sẽ nghiêm khắc xử lý các CA vi phạm. Qua đó đảm bảo sự phát triển lành mạnh của thị trường dịch vụ chữ ký số, góp phần thúc đẩy kinh tế số, chính phủ số./.

Xuân Bách

Hoàn thiện pháp lý, thúc đẩy ứng dụng chữ ký số trong giao dịch điện tử

Hoàn thiện pháp lý, thúc đẩy ứng dụng chữ ký số trong giao dịch điện tử

Thông tư 22 mới được Bộ TT&TT ban hành quy định cụ thể các yêu cầu kỹ thuật đối với phần mềm ký số, phần mềm kiểm tra chữ ký số, từ đó góp phần thúc đẩy ứng dụng chữ ký số trong giao dịch điện tử.