Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng khẳng định Thị trường bảo mật trong nước cần có thêm nhiều công ty như CMC Infosec, BKAV... để có thể thực sự phát triển tương xứng với kỳ vọng.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2015 và Triển khai kế hoạch 2016 của Cục An toàn thông tin chiều 16/12. |
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2015 và Triển khai kế hoạch 2016 của Cục An toàn thông tin chiều 16/12, Thứ trưởng đề nghị các quy định pháp luật do cơ quan này xây dựng trong thời gian tới cần hướng tới mục tiêu: Tạo dựng được một thị trường ATTT mạnh, trong đó người dân có nhu cầu và doanh nghiệp có khả năng đáp ứng.
"Chúng ta phải có nhiều công ty như CMC Infosec, như BKAV.. phải có tương tác qua lại giữa cung và cầu thì thị trường ATTT mới phát triển được".
"Tôi rất đồng tình với quan điểm làm sao để ATTT giống như cơm bình dân, ai cũng quan tâm được, ai cũng làm được, kinh doanh được", thì thị trường mới hình thành được, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Trước đó, đại diện của Trung tâm Internet Việt Nam VNNIC chia sẻ rằng, cơ quan quản lý cần biến ATTT thành một vấn đề "gần gũi", thiết yếu như "cơm ăn, nước uống" đối với người dùng, ai cũng tiếp cận và hiểu được, thực hành được, thậm chí là kiếm được tiền từ đó... thì ATTT mới thực sự đi vào cuộc sống.
Về phần mình, Cục ATTT khẳng định một nội dung rất quan trọng trong Luật ATTT mạng vừa được Quốc hội thông qua là hướng tới xây dựng một thị trường ATTT mạnh, khuyến khích các doanh nghiệp, sản phẩm, giải pháp ATTT nội, hướng tới hình thành các doanh nghiệp ATTT mạnh, làm chủ thị trường trong nước, thậm chí là vươn ra khu vực. Hơn thế nữa, Luật ATTT mạng cũng chủ trương khuyến khích các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước thuê ngoài dịch vụ bảo mật, đảm bảo ATTT. Mà muốn cung cấp được dịch vụ này, hiển nhiên thị trường cần có những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ATTT đủ năng lực.
Trong năm 2015, Cục cũng đã chủ trì và phối hợp với các đơn vị có liên quan thẩm định hồ sơ, trình Bộ trưởng ký giấy phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng cho 5 doanh nghiệp là BKAV, Nacencomm, VNPT, FPT và Viettel, ông Nguyễn Huy Dũng, Phó Cục trưởng Cục ATTT cho biết.
Bước sang năm 2016, Cục sẽ Tiếp tục khảo sát, thống kê tình hình ATTT, điều tra hiện trạng thị trường sản phẩm, dịch vụ ATTT trong nước; chủ trì phối hợp với Thanh tra Bộ và các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số... Đây đều là những công tác gắn bó mật thiết đến thị trường, doanh nghiệp ATTT nội.
Lựa chọn trọng điểm
Có thể nói, khối lượng công việc đang đặt ra cho Cục ATTT là rất nặng nề. Bên cạnh nhiều dự án quan trọng cần tổ chức triển khai sớm như Dự án xây dựng hệ thống xử lý tấn công mạng Internet Việt Nam hay Dự án Xây dựng hệ thống kiểm định về ATTT... ,Cục ATTT còn phải đẩy mạnh nhiệm vụ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực theo Đề án 99 của Chính phủ.
Trong năm 2015, Cục đã tổ chức 3 đoàn công tác làm việc với các cơ sở đào tạo là Trường ĐH Bách Khoa Đà Nẵng, ĐH CNTT - ĐH Quốc gia TP.HCM và Học viện Kỹ thuật Quân sự; ban hành chương trình khung và mẫu giấy chứng nhận đào tạo ngắn hạn về ATTT trong khuôn khổ Đề án 99; Chủ trì, phối hợp với các bên tổ chức 7 lớp đào tạo ngắn hạn, nâng cao kiến thức, kỹ năng bảo đảm ATTT cho 210 lượt cán bộ của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước Trung ương và địa phương....
Chắc chắn, các hoạt động, khóa đào tạo tương tự sẽ được mở rộng về quy mô lẫn số lượng trong năm nay để có thể theo đúng tiến độ mà Đề án 99 yêu cầu.
Đánh giá rất cao hiệu quả hoạt động của Cục ATTT thời gian qua, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng khẳng định, không phải đơn vị nào cũng đảm đương được một khối lượng công việc nặng nề và nhiều đến như vậy.
"Lãnh đạo Bộ rất coi trọng Cục An toàn thông tin, thậm chí mong muốn lĩnh vực này phải sánh ngang được với những lĩnh vực mạnh truyền thống của ngành như viễn thông, CNTT và tương xứng về vị thế với công tác quản lý ATTT của một số Bộ trọng yếu khác", Thứ trưởng chia sẻ.
Rất thông cảm với Cục là đơn vị neo người, lại bị giao nhiều việc, nhưng Thứ trưởng nhấn mạnh rằng, ATTT đụng chạm đến lĩnh vực công nghệ cao, thay đổi chóng mặt nên đành là cần có thời gian, nhưng những nhiệm vụ của Cục lại "không thể làm chậm được".
"Một đơn vị mới không thể làm tất cả mọi việc một lúc được. Các bạn cần lựa chọn trọng tâm, trọng điểm, tránh ôm đồm để thực hiện cho phù hợp với điều kiện thực tế, đạt hiệu quả cao nhất". Bên cạnh đó, để bù đắp sự thiếu hút về người, Cục ATTT cần đẩy mạnh phối hợp với các đơn vị liên quan như Vụ Pháp chế, Cục Tin học hóa, VNCERT, VNNIC...
Sự phối hợp này cần thể hiện xuyên suốt từ khâu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, làm sao để các văn bản ra đời có sự liên thông, phối hợp, đồng bộ với nhau, tránh mỗi nơi làm rời rạc một kiểu, không tạo được hiệu lực tổng lực. Bên cạnh đó, các đơn vị còn cần nghiên cứu cơ chế phối hợp để tránh chồng chéo, giẫm chân nhau, tạo điều kiện cho nhau.
Ngay cả sự phối hợp ra bên ngoài cũng đòi hỏi một cách tiếp cận mới, tránh tình trạng úp từ trên xuống mà không cân nhắc đến thực tế. Trước đây, Bộ từng có văn bản huy động nhà mạng tham gia ứng cứu các sự cố khẩn cấp. "Tuy nhiên, cái gì cũng có 2 mặt. Nhà nước có cơ chế gì hỗ trợ nhà mạng khi họ ứng cứu sự cố hay chưa? Nếu chi phí kinh tế quá lớn thì ta cũng cần phải xem xét hỗ trợ nhà mạng", Thứ trưởng nêu ví dụ. "Muốn văn bản đi vào đời sống, được xã hội chấp nhận thì cần phải đảm bảo được trách nhiệm và quyền lợi cho các bên".
T.C
TIN LIÊN QUAN: